Báo cáo mới công bố từ Tổng cục Thống kê, GDP quý IV/2023 ước tính tăng 6,72% so với cùng kỳ năm 2022. Tính chung năm 2023, GDP ước tăng 5,05% so với năm trước.
Theo Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương, mức tăng này chỉ cao hơn tốc độ tăng trưởng của các năm 2020 và 2021 trong giai đoạn 2011-2023 (Tốc độ tăng GDP các năm 2011-2023 lần lượt là: 6,41%; 5,5%; 5,55%; 6,42%; 6,99%; 6,69%; 6,94%; 7,47%; 7,36%; 2,87%; 2,55%; 8,12%; 5,05%).
GDP năm 2023 ước tăng 5,05%
Về cơ cấu nền kinh tế năm 2023, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 11,96%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 37,12%; khu vực dịch vụ chiếm 42,54%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 8,38% (Cơ cấu tương ứng của năm 2022 là 11,96%; 38,17%; 41,32%; 8,55%).
Cũng theo Tổng cục Thống kê, quy mô GDP theo giá hiện hành năm 2023 ước đạt 10.221,8 nghìn tỷ đồng, tương đương 430 tỷ USD. GDP bình quân đầu người năm 2023 theo giá hiện hành ước đạt 101,9 triệu đồng/người, tương đương 4.284 USD, tăng 160 USD so với năm 2022.
Năng suất lao động của toàn nền kinh tế năm 2023 theo giá hiện hành ước đạt 199,3 triệu đồng/lao động (tương đương 8.380 USD/lao động, tăng 274 USD so với năm 2022).
Sản xuất công nghiệp, một trong những trụ cột của nền kinh tế quý IV/2023 tiếp tục xu hướng hồi phục mạnh với tốc độ tăng đạt 6,86% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung cả năm 2023, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 3,02% so với năm trước. Chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2023 so với năm trước tăng ở 50 địa phương và giảm ở 13 địa phương trên cả nước.
Về tình hình hoạt động của doanh nghiệp, số liệu thống kê cho biết, tổng số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường năm 2023 đạt 217.700 doanh nghiệp (tăng 4,5% so với năm 2022). Trong chiều ngược lại có 172.600 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường (tăng 20,5%). Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý IV/2023 cho thấy, có 69,6% số doanh nghiệp đánh giá tốt hơn và ổn định so với quý III/2023 và 30,4% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn.
Một tín hiệu tích cực khác của nền kinh tế là tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý IV/2023 (tăng 9,3% so với cùng kỳ năm trước). Tính chung năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,6% so với năm trước.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tiếp tục tăng cho thấy xu hướng phục hồi của nền kinh tế
Cùng với đó, khách quốc tế đến Việt Nam tháng 12/2023 đạt gần 1,4 triệu lượt người (tăng 11,2% so với tháng trước và tăng 93,9% so với cùng kỳ năm trước). Tính chung năm 2023, khách quốc tế đến nước ta đạt 12,6 triệu lượt người, gấp 3,4 lần năm 2022, vượt xa mục tiêu 8 triệu khách quốc tế của năm 2023. Tuy nhiên khách quốc tế đến Việt Nam năm 2023 chỉ bằng 70% năm 2019 - năm chưa xảy ra dịch COVID-19.
Điểm sáng khác của nền kinh tế trong năm 2023 là vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam năm 2023 ước đạt 23,18 tỷ USD, tăng 3,5% so với năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất trong 5 năm qua.
Về thu chi ngân sách nhà nước, tổng thu ngân sách Nhà nước năm 2023 ước đạt 1,717 triệu tỷ đồng (bằng 106% dự toán năm và giảm 5,4% so với năm trước). Trong chiều ngược lại, tổng chi ngân sách Nhà nước ước đạt 1,731 triệu tỷ đồng.
Về xuất nhập khẩu hàng hoá, năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 683 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 355,5 tỷ USD (giảm 4,4% so với năm trước); kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 327,5 tỷ USD (giảm 8,9% so với năm trước). Như vậy năm 2023, cán cân thương mại hàng hóa năm 2023 ước tính xuất siêu 28 tỷ USD.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!