VTV.vn - Trong năm 2018, hàng loạt sự kiện, thành tựu, hoạt động Khoa học công nghệ nổi bật đã diễn ra đóng góp nhất định vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy, trong năm 2018, theo đúng tinh thần Chính phủ kiến tạo, KH&CN đã tham gia phục vụ, hỗ trợ thiết thực cho phát triển các ngành, lĩnh vực và đã có những đóng góp nhất định vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Chương trình Ấn tượng KH&CN Việt Nam 2018 do Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp với Bộ KH&CN sản xuất.

Để nhìn lại toàn cảnh các thành tựu, hoạt động KH&CN nổi bật, Bộ KH&CN phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam sản xuất chương trình Ấn tượng KH&CN Việt Nam 2018. Chương trình đã đem đến sự nhìn nhận, đánh giá mang tính chuyên môn về những sự kiện, hoạt động ấn tượng, nổi bật của KH&CN trong các lĩnh vực năm 2018:

Cơ chế, chính sách và Hội nhập quốc tế về KH&CN

Tổng kết Chương trình Đối tác đổi mới sáng tạo Việt Nam - Phần Lan giai đoạn 2 (IPP2)

Ngày 6/7, Bộ Ngoại giao Phần Lan và Bộ KH&CN đã tổ chức Hội nghị tổng kết - GRAND HARVEST DAY của Chương trình IPP2. IPP2 được đánh giá là chương trình ODA tiên phong thử nghiệm ở Việt Nam mô hình mới trong hỗ trợ xây dựng chính sách, đào tạo, xây dựng năng lực, hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST), góp phần phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo lành mạnh, thúc đẩy hình thành lực lượng doanh nghiệp sáng tạo tăng trưởng nhanh, hướng tới nền kinh tế dựa trên ĐMST và phát triển bền vững.

Toàn cảnh thành tựu, hoạt động khoa học công nghệ nổi bật năm 2018 - Ảnh 2.

Gần 10 năm trước, khi Chương trình được khởi xướng, ĐMST – Innovation còn là một phạm trù mới, chưa được biết đến rộng rãi. Với các nỗ lực của IPP giai đoạn 1, Chương trình đã mang đến cho Việt Nam một xu hướng mới và tư duy hiện đại về ĐMST từ kinh nghiệm Phần Lan và các quốc gia tiến bộ trên thế giới, giúp đặt những bước đi đầu tiên cho Việt Nam trên con đường sử dụng ĐMST như một công cụ phục vụ phát triển nhanh và bền vững.

Trong 4 năm qua, IPP đã giúp hơn 200 doanh nghiệp tiếp cận trao đổi phỏng vấn và nhận được hỗ trợ từ chuyên gia quốc tế trong nhiều lĩnh vực. Ở danh mục khởi nghiệp, sau 3 năm đã có 18 hạt giống được xây dựng, 80% số hạt sống còn tồn tại. Các dự án đã đạt được tăng trưởng ở mức cao như doanh thu đạt hơn 200%, việc làm đạt 400% so với trước khi nhận hỗ trợ. Nhiều đơn vị khởi nghiệp đã xuất khẩu sản phẩm sang Hòa Kỳ, Canada, Trung Quốc, Úc, CH Czech,...

Đổi mới sáng tạo

Ngày hội khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo Quốc gia 2018 (Techfest 2018):

Techfest Việt Nam 2018 với chủ đề "Khởi nghiệp sáng tạo - Kết nối toàn cầu" do Bộ KH&CN chủ trì, phối hợp với các Bộ ngành, các tổ chức chính trị – xã hội tổ chức đã thu hút 5.500 lượt người tham dự. Điểm nổi bật của sự kiện năm nay là sự tham gia của các đối tác trong khu vực và trên thế giới như Singapore, Malaysia, Hàn Quốc…

Trong khuôn khổ sự kiện, đã diễn ra triển lãm sản phẩm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, giới thiệu dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp của hơn 250 doanh nghiệp, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, có 160 các cuộc kết nối đầu tư với số vốn đầu tư lên đến 7.68 triệu USD.

KH&CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội

Việt Nam thực hiện nội soi tuyến giáp một lỗ lần đầu thành công trên thế giới: Phương pháp nội soi tuyến giáp một lỗ là một kỹ thuật khó nhưng đã được các bác sĩ bệnh viện Nội tiết Trung ương thực hiện thành công. Đây cũng là lần đầu tiên trên thế giới ứng dụng thành công phương pháp này.

Với phương pháp nội soi một lỗ này, phẫu thuật viên chỉ cần rạch một đường dưới da dài 2 - 3cm tại hõm nách sau đó sử dụng dụng cụ nội soi một lỗ giống như nội soi ổ bụng thông thường. Kỹ thuật nội soi tuyến giáp một lỗ đảm bảo cắt bỏ được tổ chức bị bệnh theo đúng chỉ định; kỹ thuật an toàn, đạt hiệu quả cao trong điều trị. Bệnh viện Nội tiết Trung ương thực hiện kỹ thuật nội soi tuyến giáp một lỗ đầu tiên vào ngày 1/8/2018 và cho tới nay Bệnh viện đã thực hiện thành công 16 bệnh nhân, không có trường hợp nào bị tai biến, biến chứng. Đây cũng là lần đầu tiên trên thế giới phương pháp này được ứng dụng thành công.

Ứng dụng KH&CN nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp: KH&CN được coi là giải pháp "then chốt" tạo đột phá về tăng năng suất, chất lượng hàng nông sản, hiệu quả lao động trong nông nghiệp và đóng góp trên 30% giá trị gia tăng của sản xuất nông nghiệp; góp phần làm thay đổi tập quán canh tác và nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế nông nghiệp.

Toàn cảnh thành tựu, hoạt động khoa học công nghệ nổi bật năm 2018 - Ảnh 5.

5 năm qua, Bộ NN&PTNT đã giới thiệu, chuyển giao vào sản xuất được 105 quy trình công nghệ; xây dựng 85 mô hình ứng dụng KH&CN và 50 mô hình liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ;… Đã có nhiều mô hình liên kết sản xuất trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, lâm nghiệp được hình thành và phát triển; nhiều tập đoàn kinh tế lớn đầu tư vào các chuỗi nông sản từ sản xuất đến tiêu thụ như rau an toàn, hoa quả, cà phê, chè, thủy sản và nhóm hàng hóa khác.

Lần đầu tiên giới khoa học Việt Nam phát hiện ra các di cốt của người tiền sử ở hang động núi lửa: Ngày 18/9, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam – Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam tổ chức hội nghị thông báo kết quả khai quật sơ bộ bước đầu trong hang động núi lửa Krông Nô, tỉnh Đắk Nông. Các nhà địa chất và khảo cổ học Việt Nam đã có phát hiện về di tích cư trú của người tiền sử trong hang động núi lửa ở Công viên Địa chất núi lửa Krông Nô, Đắk Nông.

Lần đầu tiên ở Việt Nam, hang động núi lửa đã được các nhà khoa học tiếp cận nghiên cứu toàn diện bằng nhiều phương pháp, xác lập đầy đủ các giá trị di sản tự nhiên (địa chất, đa dạng sinh học) và văn hóa (khảo cổ học) cho loại hình di sản hang động núi lửa. Nhóm nghiên cứu đã tìm thấy ít nhất 3 di cốt người và hàng vạn vỏ ốc biển cùng số lượng lớn di vật đá, gốm, xương răng động vật, vỏ nhuyễn thể...

Các di vật được xác định thuộc Trung kỳ Đá mới cách đây 7.000 -5.000 năm, diễn biến liên tục đến Hậu kỳ Đá mới - sơ kỳ Kim khí cách đây 5.000-4.000 năm và khi con người rời khỏi hang.

Những kết quả khai quật này là bằng chứng về lịch sử chiếm lĩnh và làm chủ vùng đất núi lửa ở Krông Nô của cư dân tiền sử từ 7.000 năm đến 4.000 năm trước. Việc phát hiện các di vật khảo cổ hang động núi lửa ở đây đã minh chứng cho loại hình di tích cư trú, di tích công xưởng và di chỉ mộ táng.

Tôn vinh nhà khoa học

Hai nhà khoa học đoạt Giải thưởng Tạ Quang Bửu lọt trong top 100 nhà khoa học hàng đầu châu Á do Tạp chí Asian Scientist bình chọn: Năm 2018, dựa vào thành tích của hai nhà khoa học trong giải thưởng Tạ Quang Bửu do Bộ KH&CN tổ chức hàng năm, tạp chí Asian Scientist đã bình chọn hai nhà khoa học GS.TS Phan Thanh Sơn Nam (Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia TP.HCM) và PGS.TS Nguyễn Sum (Đại học Quy Nhơn) có tên trong danh sách 100 nhà khoa học châu Á năm 2018.

Toàn cảnh thành tựu, hoạt động khoa học công nghệ nổi bật năm 2018 - Ảnh 7.

GS.TS Phan Thanh Sơn Nam là Trưởng khoa Kỹ thuật hóa học, Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM). Ông là tác giả chính của công trình khoa học "Tổng hợp propargylamine từ N-methylaniline và alkyne đầu mạch thông qua con đường methyl hóa và hoạt hóa trực tiếp liên kết C-H sử dụng vật liệu Cu2(BDC)2(DABCO) làm xúc tác". Công trình tập trung nghiên cứu ứng dụng vật liệu khung hữu cơ - kim loại (MOFs) làm chất xúc tác cho phản ứng tổng hợp các hợp chất hữu cơ họ propargylamine và phát hiện ra một chuyển hóa của N-methilaniline chưa từng được công bố.

Toàn cảnh thành tựu, hoạt động khoa học công nghệ nổi bật năm 2018 - Ảnh 8.

PGS.TS Nguyễn Sum đang làm việc tại Đại học Quy Nhơn (Bình Định). Công trình "Về bài toán hit của Peterson" (On the Peterson hit problem, Advances in Mathematics, Vol. 274, 432-489) của ông được nhận xét xuất sắc khi giải quyết được trường hợp đặc biệt của giả thuyết "hit" do nhà toán học người Mỹ Frank Peterson đề xuất cách đây hơn 30 năm.


Khánh Nguyễn


X

ĐANG PHÁT

Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước