VTV.vn - “Net Zero” hay còn hiểu là lượng khí phát thải nhà kính = 0. Đây cũng là một trong những thách thức lớn nhất mà loài người đang đối mặt.

Ước tính trung bình một nhà máy sản xuất ra mỗi tấn thép sẽ thải ra 1,8 tấn CO2. Một chuyến bay kéo dài một tiếng đồng hồ, mỗi hành khách lựa chọn phương tiện này đã gián tiếp tạo ra 90 kg CO2. Trung bình một chiếc Porches 911 chạy một km thì sẽ thải 242 gram CO2. Còn một chiếc xe máy tay ga cứ chạy một km lại thải ra 202 gram. Hay chiếc áo sơ mi mà mọi người thường mặc ước tính cũng gián tiếp tạo ra khoảng 6,75 kg CO2…

"Net Zero" hay còn hiểu là lượng khí phát thải nhà kính = 0. Đây cũng là một trong những thách thức lớn nhất mà loài người đang đối mặt. Hiểu nôm na, chúng ta đang thải ra ngày càng nhiều khí nhà kính vào bầu khí quyền như CO2 hay Mêtan, là nguyên nhân chính khiến trái đất nóng dần lên. Và để ngăn ngừa thảm hoạ thiên nhiên đang đến gần, thì chỉ có 2 cách: Một là giảm thải, hai là hấp thụ ngược lại lượng khí thải ra. Từ đó, lượng khí nhà kính luôn duy trì ở mức cân bằng.

Đi xe điện và sử dụng năng lượng mặt trời tại những mảnh đất được xem là giếng dầu của thế giới ở Vùng Vịnh không còn là thực tế quá xa vời và đang trở thành một xu thế. Các quốc gia Vùng Vịnh vốn được biết đến là thịnh vượng nhờ dầu mỏ nhưng chính tại nơi đây lại đang xem năng lượng xanh mới là hướng đi cho sự thịnh vượng thực sự cho mình.

Rộng 77km2, công viên năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới Mohammed bin rasid Al Maktom Solar Park đảm nhận sứ mệnh, tầm nhìn của Dubai (UAE) đến năm 2050, năng lượng sạch có thể đáp ứng 100% nhu cầu của các hộ gia đình.

"Hiện chúng tôi đang nắm giữ vài kỷ lục thế giới với dự án của mình, đó là chi phí thấp nhất sản xuất điện mặt trời trong suốt 5 năm qua, đó là toà tháp dự trữ điện mặt trời lớn nhất thế giới… Với toà tháp này, chúng tôi có thể lưu trữ điện mặt trời tới 15 tiếng. Có nghĩa là điện mặt trời nay có thể cung cấp cho các hộ gia đình suốt ngày đêm", Tiến sĩ Ghanim Salah Alqassim - Chuyên gia điện mặt trời, Cơ quan quản lý điện nước Dubai cho biết.

Net Zero: Từ tầm nhìn xanh trên những giếng dầu đến mảnh lego còn thiếu - Ảnh 2.

Rộng 77km2, công viên năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới Mohammed bin rasid Al Maktom Solar Park đảm nhận sứ mệnh, tầm nhìn của Dubai (UAE) đến năm 2050, năng lượng sạch có thể đáp ứng 100% nhu cầu của các hộ gia đình (Ảnh: arabianbusiness)

Dubai thuộc UAE, một trong 5 quốc gia có trữ lượng dầu lớn nhất trong OPEC. Chuyển đổi xanh với nơi đây không đến từ nhu cầu giải cơn khát năng lượng mà nó đến từ tầm nhìn làm sao để mở cánh cửa tiếp nhận được năng lượng vô hạn của "mẹ" thiên nhiên.

"Chúng tôi thúc đẩy các nguồn năng lượng mới thông qua chia sẻ nghiên cứu, tăng cường năng lực và không ngừng đầu tư, Việc chuyển đổi các nguồn năng lượng mới giúp đảm bảo vị thế cho thế hệ tương lai", Tiến sĩ Aaesha Abduhlla Anuaimi - Trung tâm đổi mới sáng tạo, Cơ quan quản lý điện nước Dubai nhấn mạnh.

Không chỉ năng lượng mặt trời và gió, những nhà máy sản xuất năng lượng hydrogen cũng đang được phát triển ở Dubai. Tại Vùng Vịnh, câu nói đang được xem là kim chỉ nam trong chính sách năng lượng của nhiều quốc gia trong khu vực, đó là nguồn năng lượng của tương lai không phải là dầu mỏ hay khí đốt hay các nguồn năng lượng tái tạo. Nguồn năng lượng của tương lai là dầu mỏ và khi đốt và các nguồn năng lượng tái tạo. Điều này đồng nghĩa với an ninh năng lượng chỉ có thể thực sự đạt được khi tất cả các nguồn năng lượng được quan tâm một cách đúng đắn.

Và việc xây dựng những trung tâm năng lượng xanh ngay trên những giếng dầu đang được xem là con đường để các quốc gia Vùng Vịnh gây dựng vị thế là những cường quốc năng lượng trong tương lai.

"Hệ thống các tiêu chuẩn của các thị trường sau này chắc chắn sẽ được gây dựng trên cơ sở các trụ cột của sản xuất xanh. doanh nghiệp lúc này là "pass" hoặc "fail" tức là chúng ta vào được hoặc là không vào được", ông Lê Tiến Trường - Chủ tịch Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) nhận định về mục tiêu "xanh hoá" của ngành dệt may trong thời gian tới.

Thị trường quốc tế đang thay đổi, dệt may - ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam không thể đứng yên. Như tại CTCP Tập đoàn gai Thiên Phước, quá trình sản xuất sợi, thu hoạch, tuốt lá, ép thân… những vỏ cây gai sau khi được phơi khô, qua hơn 40 công đoạn chế biến đã trở thành loại sợi hoàn toàn tự nhiên cho ngành dệt may, thay thế cho bông truyền thống.

Theo ông Lê Thanh Tùng - Tổng giám đốc CTCP Tập đoàn gai Thiên Phước việc sử dụng nguyên liệu hoàn toàn tự nhiên, các khách hàng sẽ ưu tiên lựa chọn trong danh sách các nhà cung ứng, sẽ có cơ hội kí đơn hàng dài hạn.

Hay như quá trình nhuộm, sử dụng máy nhuộm với công nghệ tạo nhiệt từ khí tự nhiên hoá lỏng LNG giúp giảm than đốt lò hơn mỗi ngày. Nước thải từ quá trình dệt nhuộm được xử lý để tái sử dụng, thậm chí có thể uống.

"Nước sau khi đạt tiêu chuẩn xử lý nước thải được thu hồi để tái lọc sau đó cung cấp ngược trở lại. Mục tiêu của chúng tôi từ nay đến 2025 sẽ tái tuần hoàn được 50%. Nước sau khi xử lý sẽ đáp ứng đủ điều kiện cho sinh hoạt, gia đình", ông Nguyễn Văn Kiểm - Tổng giám đốc Khu công nghiệp Bảo Minh cho biết.

Sau quá trình nhuộm, vải được may thành quần áo, tại đây từ bàn là, máy khâu, bóng diện… tất cả đều đang chạy bằng năng lượng mặt trời. Thậm chí, đây dần trở thành 1 đòi hỏi bắt buộc.

Theo ông Đỗ Xuân Hưng, một số khách hàng yêu cầu công ty phải sử dụng nguyên liệu tái chế, sử dụng nhà máy xanh, đáp ứng đủ các điều kiện đó thì mới được sản xuất sản phẩm.

Đầu tư vào hướng sản xuất xanh là hướng đi mà nhiều quốc gia lựa chọn để vươn lên trên bản đồ xuất khẩu dệt may thế giới. Sợi - dệt nhuộm - may, từng khâu chủ động "xanh hoá" sẽ khiến vòng sản xuất xanh trong ngành dệt may dần khép kín để những chiếc áo sở hữu tấm vé "thông hành xanh" trên các kệ hàng.

Một thống kê cho thấy, có đến 85% người tiêu dùng thay đổi hành vi mua hàng theo hướng bền vững hơn trong 5 năm qua. Cũng theo nghiên cứu, có 34% được khảo sát sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các sản phẩm có cam kết xanh và sạch.

Tại Việt Nam, tính đến tháng 6/2022, cho vay các dự án xanh đạt khoảng 470.000 tỷ đồng, tăng hơn 7% so với năm 2021. Đã có 21 tổ chức tài chính và quỹ đầu tư nước ngoài rót vốn cho các dự án xanh của Việt Nam. Hai năm qua số tiền giải ngân cũng tăng gấp 6 lần so với các giai đoạn trước. Những con số này cho thấy, luồng vốn xanh đã dần bắt nhịp với các dự án xanh.

"Việt Nam đang ở giai đoạn đầu tiên khi tài chính xanh đang cho vay ở các dự án năng lượng tái tạo. Vì thể ở Việt Nam có rất nhiều dự địa và cơ hội để mở rộng nguồn vốn cho tài chính xanh. Chỉ cần một vài điều chỉnh nhỏ vào đầu tư xanh thì có thể giải phóng hàng tỷ USD", ông Andrew Jeffries Giám đốc quốc gia tại Việt Nam, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đánh giá.

Tuy nhiên vay vốn xanh đang được đánh giá không hề đơn giản. Như nhà máy xử lý rác thải của Công ty cổ phần Môi trường công nghệ cao Hoà Bình là một trong những dự án xanh mới nhất được thông qua, một nhà máy xử lý rác thải đang vay vốn để mở rộng quy mô được phê duyệt hạn mức tín dụng 100 tỷ đồng với mức lãi suất ưu đãi giảm từ 0,5-1%.

Theo ông Nguyễn Quốc Viện - Phó TGĐ Công ty cổ phần Môi trường công nghệ cao Hoà Bình, lĩnh vực "xanh" hiện đang được Chính phủ và xã hội rất quan tâm, chú trọng. Tuy nhiên, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xanh nói chung đang phải đối mặt những khó khăn như cơ chế ưu đãi chưa rõ ràng, chi phí đầu tư lớn, thời gian hoàn vốn kéo dài, rủi ro thị trường cao, dễ phát sinh chi phí đầu tư…

Vốn xanh muốn tìm đến dự án xanh song hiện vẫn chưa có một bộ tiêu chí thống nhất về dự án xanh. Điều này khiến doanh nghiệp khó thì ngân hàng cũng không dễ.

"Không đủ tiêu chi rõ ràng để các công ty chuẩn bị một bộ hồ sơ đầy đủ để ngân hàng xét duyệt. Mỗi ngân hàng khác nhau lại có thể có các tiêu chí khác nhau chỉ dựa trên các quy định chung của pháp luật. Đó cũng có thể là một lý do khiến thủ tục chậm…", ông Nguyễn Huy Phượng - Phó Trưởng phòng khách hàng doanh nghiệp 3, Chi nhánh Ngân hàng BIDV Cầu Giấy cho biết.

Thông tư 17 của Ngân hàng Nhà nước nhằm hướng dẫn quản lý thực hiện quản lý rủi ro môi trường trong hoạt động cấp tín dụng vừa được ban hành là cơ sở quan trọng trong việc cấp tín dụng xanh. Dự thảo danh mục dự án xanh cũng đã có, đường đi cho dòng vốn xanh đến với các dự án xanh ngày càng thông suốt.

Theo HSBC, Việt Nam là một trong những nơi tốt nhất đầu tư năng lượng xanh tại ASEAN. Nguồn cung năng lượng tái tạo dồi dào được xem là nền tảng để vốn ngoại đổ vào các nhà máy trung hoà carbon. Cách đây vài tháng, nhà máy LEGO với vốn đầu tư 1 tỷ USD đã được khởi công tại Bình Dương.

Net Zero: Từ tầm nhìn xanh trên những giếng dầu đến mảnh lego còn thiếu - Ảnh 8.

LEGO xây nhà máy với vốn đầu tư tỷ đô tại Bình Dương (Ảnh minh hoạ - Ảnh: Lego)

Theo ông Preben Elnef, Phó Chủ tịch Tập đoàn LEGO kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH LEGO, có những lý do rất thuyết phục để Tập đoàn Lego chọn Việt Nam là nơi đặt mảnh ghép phát triển bền vững tiếp theo trong nỗ lực giảm 37% lượng khí thải carbon tuyệt đối của Tập đoàn vào năm 2032.

"Việt Nam cho thấy một cam kết mạnh mẽ hướng tới phát triển bền vững với mục tiêu Net Zero vào năm 2050. Thứ 2 là nguồn nhân lực, chúng tôi cần xây một nhà máy công nghệ cao cùng khoảng 4.000 nhân công chất lượng và Việt Nam sở hữu điều này.

Lí do thứ 3 liên quan đến khát vọng của LEGO là từ những miếng ghép này vươn tới được các em nhỏ để truyền cảm hứng cho trẻ em. Việt Nam nằm ở trung tâm của khu vực châu Á nơi có rất nhiều trẻ em. Nhà máy này cho phép chúng tôi mang phương pháp học tập thông qua vui chơi đến với nhiều trẻ em hơn và tạo ra sự phát triển lâu dài tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương", ông Preben Elnef giải thích việc LEGO chọn Việt Nam để đặt nhà máy tỷ đô.

Ông Preben Elnef cho biết nhà máy LEGO tại Việt Nam có quy mô khoảng 60 sân bóng đá sẽ được chạy hoàn toàn bằng năng lượng tái tạo. Những tấm năng lượng mặt trời ở khắp nơi, từ bãi đỗ xe cho tới nóc các khu nhà. Bên cạnh đó là cánh đồng năng lượng mặt trời với công suất 50 MW. Máy móc sử dụng trong sản xuất đều là máy công nghệ cao nhưng giảm tối đa điện năng sử dụng trên mỗi viên lego được sản xuất. Khi xây nhà máy, nhiều cây cối đã bị chặt bỏ và LEGO đã cam kết trồng lại nhiều hơn thế với 50.000 cây xanh.

"Chúng tôi đã đem tới nhiều mảnh ghép về vốn và công nghệ nhưng đang thiếu một mảnh ghép khá quan trọng về chinh sách nhưng tôi mừng là từ cơ quan bộ ngành ở trung ương cho đến tỉnh đều chung tay vào cùng chúng tôi và đang cùng nhau hoàn thiện từng chỗ khuyết một. Những cái cây không thể được trồng nếu không có chính sách rõ ràng hay làm thế nào để các tấm năng lượng mặt trời được kết nối vào mạng lưới một cách ổn định.

Mảnh ghép hạ tầng cũng rất quan trọng, không chỉ ở Bình Dương mà tôi hy vọng các bến cảng, con đường ở tỉnh thành lân cận cũng ngày được hoàn thiện để khâu logistic được thuận lợi giúp những chuyến xe chở lego không bị kẹt… Điều quan trọng để chúng ta có thể hợp tác với nhau là cùng chia sẻ một tinh thần xanh và bền vững. Xây dựng xanh, sử dụng nguyên liệu và năng lượng xanh, chuyển đổi dần sang con đường xanh… để hướng tới trung hoà carbon", ông Preben Elnef nhấn mạnh.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

X

ĐANG PHÁT

Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước