Hội thảo phối hợp sản xuất chương trình tiếng dân tộc do Ban Truyền hình Tiếng dân tộc, Đài THVN tổ chức trong khuôn khổ các hoạt động của Liên hoan Truyền hình toàn quốc lần thứ 33 (ngày 19/12/2013) với sự tham gia của 41 Đài PTTH có chương trình tiếng dân tộc thiểu số. Nhiều ý kiến xác đáng, có tính xây dựng cao đã được đưa ra tại Hội thảo.
Thẳng thắn nhìn nhận những khó khăn
Từ khi ra đời cho đến nay, kênh VTV5 của Đài THVN luôn có bước phát triển không ngừng. Năm 2013 thời lượng phát sóng là 24h/ngày với 28 thứ tiếng dân tộc khác nhau. Các chương trình truyền hình tiếng dân tộc đã mang lại hiệu quả cao trong công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách và pháp luật của Đảng và Nhà nước tới đông đảo bà con các vùng dân tộc. Nội dung các chương trình tập trung nêu gương điển hình, những mô hình kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng đời sống mới cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Do đội ngũ nhân lực không nhiều, không thể bao trùm hết các địa bàn trên cả nước, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa nên chất liệu trên các chương trình VTV5 phụ thuộc nhiều vào các chương trình do các Đài địa phương sản xuất.
Tại Hội thảo, ông Nguyễn Hồng Minh, Phó Trưởng ban Truyền hình Tiếng dân tộc, Đài THVN nhìn nhận: Đội ngũ phóng viên, biên tập viên là người dân tộc thiểu số ở các Đài địa phương số lượng ít và hạn chế về chuyên môn. Bên cạnh đó, thiết bị, phương tiện kỹ thuật dành cho sản xuất còn thiếu thốn; mặt khác các chương trình dân tộc của các Đài cơ bản là khai thác từ các chương trình phổ thông nên chưa sát với đối tượng là đồng bào dân tộc thiểu số.
Về vấn đề kỹ thuật, các đại biểu đến từ các Đài địa phương cho rằng: Hiện nay, VTV đang chuyển dần sang sản xuất HD nhưng các địa phương do chưa được đầu tư máy móc thiết bị nên vẫn sản xuất SD. Nếu vấn đề này không được bàn thảo kỹ lưỡng thì sẽ phát sinh nhiều vấn đề, ảnh hưởng đến kênh sóng.
Các Đài địa phương cũng mong muốn, thời gian tới, VTV5 sẽ có nhiều sự hỗ trợ về kinh phí, đào tạo cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên người dân tộc.
Đại diện Ban Truyền hình Tiếng dân tộc cho biết sẽ hỗ trợ các Đài địa phương về công tác kỹ thuật, đảm bảo tốt nhất các chương trình phát trên sóng quốc gia.
Một vấn đề cũng ảnh hưởng khá lớn đến việc nâng cao năng lực của những người làm các chương trình truyền hình dân tộc là: VTV5 thường xuyên hỗ trợ đào tạo cho đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên cho các Đài. Tuy nhiên, các đơn vị này không chú trọng cử người đi đào tạo từ đầu đến cuối mà thường cào bằng, mỗi năm một người dẫn đến tình trạng manh mún, chưa đạt hiệu quả cao.
Những bước đi phù hợp
Hiện nay, Đài THVN thực hiện hỗ trợ một phần kinh phí cho các Đài địa phương khi gửi chương trình phát trên sóng VTV5. Thời gian tới, VTV5 sẽ có định mức cao hơn cho những thể loại chương trình như: Văn hóa văn nghệ dân tộc, phim tài liệu về đồng bào dân tộc… để khuyến khích các phóng viên địa phương tích cực sáng tạo, mang đến những sản phẩm tốt nhất. Trong quá trình phối hợp sản xuất chương trình, các Đài địa phương tập trung ở các thể loại chính: Tạp chí dân tộc, Tin, Phóng sự ngắn, Chương trình Văn hóa văn nghệ.
Ông Nguyễn Văn Hợp, Trưởng ban Truyền hình Tiếng dân tộc phát biểu tái khẳng định việc hỗ trợ của VTV cho các Đài địa phương: “VTV sẽ cố gắng hỗ trợ tối đa các đài địa phương trong khuôn khổ các lĩnh vực được giao. Riêng với vấn đề tổ chức các khóa đào tạo nghiệp vụ, bên cạnh những các khóa học dài hạn tại trường Cao đẳng Truyền hình, VTV sẽ mở rộng các chương trình đào tạo ngắn hạn cho những đối tượng cần thiết”.
Đảm bảo kết quả vững chắc ở những giai đoạn tiếp theo trong sự phối hợp chặt chẽ giữa hai bên, làm sao để chất lượng các chương trình dân tộc do các Đài sản xuất phát trên sóng của Đài THVN được khán giả và đồng bào dân tộc đón nhận, VTV5 đang thực hiện tốt Dự án “Truyền hình Tiếng dân tộc giai đoạn 2011 - 2015” với 3 nhiệm vụ chính: Đào tạo, cung cấp thiết bị sản xuất chương trình và kinh phí hỗ trợ sản xuất chương trình.
Kết luận buổi hội thảo, Phó TGĐ Đài THVN Lâm Kiết Tường khẳng định: “Tiếp nhận những ý kiến đề xuất của các đài truyền hình địa phương, VTV sẽ rà soát và tính toán kỹ công tác hỗ trợ cho các đài địa phương trong sản xuất chương trình TH tiếng dân tộc như về nhân lực, vấn đề đào tạo.Đặc biệt đối với vấn đề kỹ thuật khi trong thời gian tới VTV5 sẽ thực hiện phát sóng chuẩn HD”.
Tính đặc thù của các chương trình truyền hình tiếng dân tộc là phải diễn đạt một cách dễ hiểu, không máy móc để đồng bào có thể nắm bắt được nhanh nhất. Để làm tốt được điều đó, đòi hỏi người phóng viên, biên tập viên phải giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, được đào tạo bài bản. Hội thảo được diễn ra như đã cởi được nút thắt trong vấn đề phối hợp giữa VTV và các Đài địa phương và cùng hướng tới mục đích làm phong phú, làm hay từng tác phẩm trên sóng VTV5.