Được thành lập từ năm 2010, qua 4 năm hoạt động, Ban Đề án đã hoàn thành khối lượng nhiệm vụ rất lớn: Khảo sát công nghệ kỹ thuật sản xuất chương trình; nghiên cứu phương án công nghệ lưu trữ, quản lý tư liệu truyền hình bằng kỹ thuật số, các giải pháp công nghệ, mô hình hạ tầng kỹ thuật sản xuất chương trình gồm các khâu: tiền kỳ, hậu kỳ, phát sóng… Ngoài ra, Ban Đề án cũng đã xây dựng các tiêu chuẩn chung cho công nghệ sản xuất chương trình, xây dựng quy trình làm việc và sản xuất cho Ban Thời sự và TKBT theo công nghệ số.
Trước bối cảnh cạnh tranh truyền hình gay gắt, nhất là về công nghệ, kỹ thuật, Ban Đề án đã kịp thời tham mưu cho Lãnh đạo Đài để có định hướng phát triển hạ tầng kỹ thuật sản xuất chương trình đến năm 2020 cho các đơn vị sản xuất chương trình và định hướng chung của Đài THVN; nghiên cứu đề xuất kế hoạch tài chính cho các dự án đầu tư trang thiết bị sản xuất chương trình theo lộ trình thực hiện. Hoạt động của Ban đề án đã dần chuẩn hóa hoạt động sản xuất chương trình của Đài THVN theo lộ trình từ năm 2011 đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020.
Theo đánh giá chung của các đại biểu dự hội nghị, hoạt động của Ban đề án đã tạo được cú hích mạnh trong vấn đề quản lý sản xuất của nhiều đơn vị, góp phần thay đổi tư duy sản xuất của những người làm chương trình. Tuy nhiên, các thành viên cũng thẳng thắn nhìn nhận, chặng đường chuyển đổi công nghệ của Đài THVN còn nhiều vấn đề phải giải quyết, nhất là các thủ tục tiến hành còn chậm nên ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư.
Phát biểu tại Hội nghị, PTGĐ Trần Dũng Trình - Chủ tịch Hội đồng Khoa học kỹ thuật, đồng thời là Trưởng ban đề án, đánh giá: “Qua 4 năm hoạt động, tuy Ban Đề án đã hoàn thành mục tiêu đề ra, làm chuyển biến về hình ảnh và vị thế của Đài THVN, nhưng quá trình chuyển đổi công nghệ SXCT ở Đài THVN mới chỉ trong giai đoạn đầu.
Việc triển khai vẫn còn một số hạn chế như: Ban hành nhiều tiêu chuẩn nhưng các quy định chưa được áp dụng và triển khai thống nhất, hoạt động kiểm tra giám sát chưa thực hiện nghiêm túc, nhận thức của đội ngũ cán bộ kỹ thuật còn chưa cao, chưa đồng đều, nên ảnh hưởng đến chất lượng chương trình khi phát sóng, nhất là về âm thanh, ánh sáng; chưa thống nhất được quy trình quản lý sản xuất và dữ liệu nên còn gây khó khăn và lúng túng trong các đơn vị sản xuất trong toàn Đài…”
Tương lai của công nghệ là hệ thống quản lý khép kín không chỉ sản xuất mà quản trị cả quá trình điều hành sản xuất và quản lý khai thác ứng dụng dịch vụ. Bên cạnh đó, thách thức của dịch vụ truyền hình Internet cũng là một vấn đề rất lớn, đòi hỏi truyền hình Việt Nam phải tự đổi mới để thích nghi và đáp ứng nhu cầu khán giả trong xu hướng cạnh tranh.
Phó Tổng Giám đốc khẳng định, cần phải tiến hành ngay việc thống nhất quy trình sản xuất, cụ thể hóa các tiêu chuẩn đã ban hành, nhất là quá trình tạo metadata trên nền dữ liệu; vấn đề bảo mật của mạng cần được quan tâm đúng mức và thực hiện song song với dây chuyền sản xuất. Đồng thời cũng cần sự ủng hộ rất lớn của tập thể đơn vị và từng cá nhân tham gia sản xuất, để phá vỡ rào cản tư tưởng sở hữu cá nhân, khu biệt từng đơn vị về dữ liệu. Chỉ có làm được như vậy mới có thể tạo ra một hệ thống tài nguyên dùng chung, góp phần quan trọng cho các giá trị gia tăng được khai thác và phát huy hiệu quả.
Kết luận hội nghị, Phó Tổng Giám đốc Trần Dũng Trình nhấn mạnh: Ban Đề án phát triển công nghệ kỹ thuật sản xuất chương trình đã hoàn thành nhiệm vụ đặt ra, các công việc tiếp theo của Ban Đề án sẽ được chuyển giao cho Hội đồng khoa học kỹ thuật Đài THVN. Trong thời gian tới, quá trình thực thi nhiệm vụ còn nhiều khó khăn nên các thành viên Ban đề án với vai trò là cán bộ kỹ thuật đầu ngành trong quá trình chuyển đổi công nghệ chung của Đài THVN đồng thời là thành viên Hội đồng KHKT của Đài phải tiếp tục cống hiến tâm sức, đóng góp cho sự nghiệp chung của Đài THVN.