VTV.vn - "Giải thưởng không dành cho mình, mà dành cho những người đã hỗ trợ mình, từ đó tạo thêm động lực chung."- nhà báo Liên Liên chia sẻ.

Tháng 4/2020, loạt phóng sự điều tra phản ánh tình trạng phá rừng quy mô lớn ở tỉnh Kon Tum được phát sóng trên bản tin Thời sự, cho thấy hình ảnh về nạn phá rừng diễn ra vô cùng phức tạp và ngang nhiên tại mảnh đất này.

Trong loạt phóng sự, nhóm phóng viên của Ban Thời sự, Đài THVN đã ghi lại được hình ảnh hiếm hoi khi nhóm lâm tặc dùng xe sắt, xe máy cày men theo những con đường mòn dẫn vào tận rừng sâu để phá rừng trong đêm. Họ làm theo quy mô lớn, hoạt động thường xuyên và trong quá trình vận chuyển không gặp bất cứ khó khăn, trở ngại nào. Càng đi sâu vào tâm lõi của rừng càng thấy sự tàn phá ác liệt của lâm tặc. Đau xót thay khi loạt cây to lớn đã bị "xẻ thịt" chỉ còn trơ lại gốc với đường kính gần 2m.

Để có được những hình ảnh chân thực và thời sự như vậy, nhà báo Liên Liên cùng với các cộng sự và người dân đã phải mất nhiều ngày đêm bám đuổi theo những xe chở gỗ và bước chân lâm tặc.

Loạt phóng sự điều tra "Phá rừng quy mô lớn tại Kon Tum" của nhà báo Liên Liên cùng với ê-kíp đã nhận được Giải A Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XV - năm 2020. Đây cũng là giải thưởng thứ 2 mà ê-kíp nhận được sau giải Vàng của Liên hoan Truyền hình toàn quốc vào tháng 12/2020.

Gặp nhà báo Liên Liên sau 1 năm thực hiện phóng sự nhân dịp ê-kíp nhận được giải thưởng danh giá, đối với chị, dư âm đọng lại về lần thực hiện phóng sự điều tra này vẫn còn rất rõ nét cho đến tận bây giờ.

Phá rừng quy mô lớn tại Kon Tum

Nhà báo Liên Liên: Giải thưởng là nguồn động lực lớn và dành cho cả tập thể không chỉ riêng bản thân - Ảnh 2.


Loạt phóng sự điều tra này có gì khác so với những lần trước chị thực hiện?

- Với một tác phẩm điều tra thông thường, ban đầu tôi tiếp nhận thông tin, sau đó nhờ các nguồn tin hỗ trợ, lên kế hoạch phương án để thực hiện. Nếu không có người này giúp đỡ thì mình có thể gặp nhờ được người khác. Tuy nhiên, với phóng sự điều tra về phá rừng, chúng tôi không thể tự làm được vì địa hình trong rừng rất hiểm trở. Chúng tôi không thể tự vào nếu như không có người dân hỗ trợ. Việc tìm được ai hỗ trợ mình cũng không hề đơn giản.

Có những người dân cung cấp thông tin cho chúng tôi ngay từ đầu thì sau đúng ngày đầu tiên gặp nhau, họ đã bỏ cuộc và ngừng hỗ trợ chúng tôi. Họ lo lắng và sợ ảnh hưởng đến bản thân. Vì còn mơ hồ nên họ rất sợ và từ chối. Nói một cách khác là chúng tôi đã bị bỏ rơi ở một nơi xa xôi như tỉnh Kon Tum. Sau đó, chúng tôi phải tìm cách tiếp cận nhiều người khác, trong quá trình thực hiện cũng phải nhờ rất nhiều người. Họ trực tiếp dẫn chúng tôi vào trong rừng. Trong số đó có người bị lộ thông tin và bị đe dọa, buộc phải chuyển nơi khác sinh sống. Sau đấy, chúng tôi cũng đã phải tìm cách hỗ trợ họ quay trở lại Kon Tum để sinh sống.

Có một sự khác rõ nét nhất mà các đề tài khác khó có thể có được đó là việc tác nghiệp ở địa hình rừng núi thì không thể liên lạc ra ngoài, cũng không thể gọi hỗ trợ được. Ở những lần thực hiện các phóng sự điều tra trước, tôi sẽ phải lên phương án hỗ trợ an toàn cho mình và mọi người trong ê-kíp. Nếu gặp chuyện gì thì phải gọi cho ai, hỗ trợ như thế nào còn với đề tài này, mặc dù tôi cũng đã có chuẩn bị phương án nhưng cái bất lợi nhất là không thể liên lạc được. Lúc đó tôi đành dùng phương án theo cách mơ hồ hơn, được thì được, không được thì đành phải chấp nhận.

Trước khi đi, tôi dặn một số người mà mình tin tưởng, tôi căn trước thời gian đó là ở những thời điểm như vậy thì mình đang ở đâu. Nếu tôi không liên lạc lại được thì có thể tôi đã gặp vấn đề gì đó. Người tôi nhờ sẽ liên lạc với người khác để hỗ trợ. Tôi cũng phải đề phòng trước tình huống các đối tượng lâm tặc có hành động manh động.

Nhà báo Liên Liên: Giải thưởng là nguồn động lực lớn và dành cho cả tập thể không chỉ riêng bản thân - Ảnh 3.

Chị và ê-kíp đã phải trải qua những điều gì?

- Chúng tôi đi mà có những người từng bị ong đất chích và tưởng nhầm là rắn cắn. Cả rừng sâu, cả bìa rừng chúng tôi từng ngủ rất nhiều. Hầu như thời gian chúng tôi ở trong rừng, thỉnh thoảng hết thực phẩm, mệt thì chúng tôi mới di chuyển ra ngoài. Có ít hôm chúng tôi quay về Hà Nội để lấy sức rồi lại quay trở lại, cứ 3 tháng ròng rã như vậy.

Việc di chuyển ra ngoài cũng là một cách đánh lạc hướng khi chúng tôi bắt đầu có cảm giác đâu đây vài người biết hành trình hay công việc mình đang làm. Đó cũng là thời điểm dịch COVID-19 đang ở giai đoạn đầu nên công tác phòng dịch đang rất được chú ý và quan tâm. Mỗi lần đi lại chúng tôi cần phải tính toán báo cáo với các cơ quan ở địa phương như thế nào để không nói sai với quy định mà vẫn bảo mật được thông tin.

Chúng tôi mất hơn 3 tháng và có cả nhật ký ngắm trăng. Thời điểm đó trong đấy là mùa khô cũng là mùa phá rừng. Đi qua 3 tháng với những ngày Rằm chúng tôi được ngắm trăng ở trong rừng. Nhắc đến trăng thì cứ đến trăng Rằm là chúng tôi dễ dàng di chuyển hơn vì có ánh sáng. Tuy nhiên, nó lại gây ra khó khăn là khiến chúng tôi có thể bị lộ. Chúng tôi phải mặc đồ thật tối để mình không bị phát hiện. Nếu tối hẳn thì sẽ dễ đi hơn nhưng nếu có ánh sáng thì chúng tôi lại rơi vào hoàn cảnh rất dễ bị lộ.

Tình huống nào nguy hiểm nhất mà anh chị đã phải đối mặt?

- Có rất nhiều tình huống chúng tôi phải đối mặt, trong đó có một tình huống nguy hiểm nhất là khi chúng tôi gặp lâm tặc trong rừng sâu. Trước đó, trong phương án của tôi đã có tình huống khi gặp lâm tặc thì phải nói gì. Chúng tôi đã bàn và lên kế hoạch sẵn sẽ đối phó ra sao. Đêm hôm đó, trong quá trình di chuyển trong rừng sâu, chúng tôi nghe được tiếng xe. Có hai tiếng xe rất đặc trưng của lâm tặc, đó là xe sắt chế - xe máy chế và xe máy cày là dòng xe công nghiệp, to gấp đôi xe công nông. Họ dùng loại xe đó để tải gỗ đi vào trong rừng sâu. Chúng tôi đã nghe thấy tiếng xe từ xa và biết họ đang đến gần mình.

Chúng tôi đã trấn an nhau nhưng tiếng xe càng ngày càng gần hơn. Lúc này, cả nhóm quyết định tách nhau ra để ẩn nấp. Anh Minh Đức (quay phim) đã dùng một chiếc áo phủ lên máy quay phim để chắn ánh sáng. Nhưng khi đứng từ xa quan sát thì tôi cực kỳ lo lắng vì chiếc áo đó không đủ để che kín ánh sáng. Khi quay được thêm một lúc thì họ vô tình phát hiện ra. Họ tìm ra hết chúng tôi. Nếu như theo kế hoạch ban đầu đã bàn thì có lẽ tình huống đã không nguy hiểm đến mức đó, nhưng vì có vài người sợ hãi nên dẫn đến việc chúng tôi bị lộ.

Họ gồm 11 người, đứng trước mặt chúng tôi. Tôi là người hạn chế nói nhất vì sợ khi lên tiếng họ sẽ nhận ra. Cũng may nhờ đeo khẩu trang phòng dịch nên họ không nhận ra. Trong tình huống mọi người mất kiểm soát thì tôi đành phải lên tiếng để thay đổi suy nghĩ và hướng câu chuyện theo cách làm sao hợp lý nhất. Sau khi nói chuyện với lâm tặc, chúng tôi ở lại và không di chuyển tiếp tục vào trong. Họ thì nửa tin nửa ngờ. Tôi biết chúng tôi bị theo dõi và đêm đấy có người bám sát chúng tôi. Chúng tôi hạ trại ở đó, nghỉ qua đêm và ngày mai phải thay đổi lộ trình.

Sau khi phóng sự được phát sóng, tác động của nó như thế nào thưa chị?

- Ngay sau khi phóng sự được phát sóng, các cơ quan chức năng đã vào cuộc. Tôi cũng lo việc này khó có thể như kỳ vọng của mình, nên cũng kiên trì bám đuổi thông tin thì đến nay 6 đối tượng đã bị khởi tố chia theo nhiều đợt khác nhau, trong đó có cả đối tượng đã đe dọa người dân. Các cơ quan chức năng cũng tìm được 55 khối gỗ trong rừng.

Nhà báo Liên Liên: Giải thưởng là nguồn động lực lớn và dành cho cả tập thể không chỉ riêng bản thân - Ảnh 5.

Hơn 15 năm trong nghề, từng nhận được nhiều giải thưởng. Vậy giải thưởng có ý nghĩa như thế nào trong sự nghiệp của chị?

- Khi biết thông tin đạt giải lần này trong tôi có rất nhiều cảm xúc, vì đây là tác phẩm hơi khác so với những tác phẩm trước mà tôi đã từng thực hiện. Đây là sản phẩm có sự đóng góp rất nhiều của người dân, là sản phẩm mang tính tập thể cao hơn. Để hoàn thành được phóng sự này, chúng tôi đã được rất nhiều người dân tham gia hỗ trợ.

Tôi cũng may mắn có nhiều tác phẩm được dư luận và các cơ quan chức năng ghi nhận. Đó chính là nguồn động lực, động viên lớn của bản thân. Những lúc đi tác nghiệp gặp mệt mỏi, áp lực, không được như ban đầu thì những giải thưởng như giúp tôi vực dậy.

Bao nhiêu năm làm nghề thì cũng có lúc chùn chân mỏi gối, mệt mỏi rồi, từng đấy thời gian cũng không thể hừng hực khí thế mãi được. Chắc tôi cũng là một trong số hiếm những phóng viên làm chuyên một mảng khá lâu. Đến bây giờ đã 15 năm tôi làm phóng viên điều tra, có lần không biết mình theo đuổi được lâu hơn không. Mỗi năm qua đi, cảm xúc khi nhận giải thưởng cũng khác đi nhưng tôi luôn quan niệm giải thưởng không chỉ là của riêng mình, mà là sản phẩm chung của ê-kíp, của tập thể.

Nhà báo Liên Liên: Giải thưởng là nguồn động lực lớn và dành cho cả tập thể không chỉ riêng bản thân - Ảnh 6.

Từ xưa đến nay tôi luôn coi đó là sản phẩm tập thể, cũng luôn mong muốn người dân và anh em trong ê-kíp, những người vì niềm tin mong muốn giúp cho mình, muốn đóng góp nhỏ cho xã hội được nhìn thấy thành quả. Họ thấy được dư luận quan tâm, được cơ quan chức năng đánh giá cao thì mới cảm nhận được công sức bỏ ra không lãng phí. Giải thưởng không dành cho mình, mà dành cho những người đã hỗ trợ mình, từ đó tạo thêm động lực chung.

Rồi đồng nghiệp đôi lúc nhìn thấy tôi làm, gặp nhiều khó khăn mà không thấy hiệu quả gì thì họ cũng nản lòng. Giải thưởng chính là động lực, là cơ sở để những lúc tôi nản lòng nhất có thể nhìn vào để động viên khích lệ chính bản thân mình và đồng nghiệp.

Xin cảm ơn chị về cuộc phỏng vấn!

Chu Anh
07/07/2021

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

X

ĐANG PHÁT

Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước