VTV.vn - Đại thắng lịch sử ở Oscar 2020, Parasite - Ký sinh trùng trở thành bộ phim thành công nhất châu Á khi "gãi đúng chỗ ngứa" của cuộc sống hiện đại đang dần phân cực.

"KỲ TÍCH CHÂU Á" PARASITE: TẤN BI HÀI KỊCH CHÂM BIẾM THỜI ĐẠI ĐƯA LỊCH SỬ ĐIỆN ẢNH SANG TRANG MỚI


Đại thắng lịch sử ở Oscar, Parasite - Ký sinh trùng trở thành bộ phim thành công nhất châu Á khi "gãi đúng chỗ ngứa" của cuộc sống hiện đại đang dần phân cực.


Trailer Ký sinh trùng (Parasite) 

Lịch sử điện ảnh châu Á và thế giới gọi tên Parasite

Tối 9/2/2020 tại Nhà hát Dolby ở Hollywood, Los Angeles (Mỹ), tức buổi sáng 10/2 ở phần lớn các quốc gia châu Á, Lễ trao giải Oscar lần thứ 92 diễn ra trong sự hồi hộp của hàng triệu người có cùng màu máu đỏ da vàng. Có thể hiếm khi nào mà người dân châu Á quan tâm tới một buổi vinh danh trong lĩnh vực điện ảnh cách họ tới nửa vòng Trái đất đến vậy.

Nguyên nhân sự chú ý đó không đơn giản từ tác phẩm tỷ đô Joker đầy điên loạn hay sự góp mặt của những tài tử điển trai như Brad Pitt, Leonardo di Caprio… trong danh sách đề cử. Lý do là bởi lần đầu tiên một bộ phim điện ảnh châu Á có thể đến gần để chạm đến chiếc tượng Vàng dành cho Phim hay nhất đến vậy.

Suốt hơn nửa năm qua, Parasite (tạm dịch: Ký sinh trùng) – bộ phim bi hài kịch của Hàn Quốc gây tiếng vang vượt qua phạm vi xứ sở kim chi và vươn tầm châu lục rồi toàn cầu, tạo nên cơn sốt ở mọi liên hoan phim và giành danh hiệu cao quý nhất Cành cọ Vàng tại Cannes 2019 cùng nhiều giải thưởng quan trọng tiền Oscar. Chính vì vậy, đạo diễn Bong Joon-ho và ê-kíp bộ phim có thể đường hoàng xuất hiện Hollywood – thánh địa của điện ảnh nước Mỹ - với tâm thế là những ứng cử viên xứng đáng ở mọi hạng mục được đề cử.

"Phù thủy" Bong mở màn đầy hứa hẹn với giải Kịch bản gốc xuất sắc nhất – điều không ngoài dự đoán sau khi ông đã chiến thắng giải của Hiệp hội biên kịch Mỹ. Ký sinh trùng tiếp đó ẵm giải Phim quốc tế xuất sắc nhất (mới đổi tên từ giải Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc nhất) khi mà gần như không có đối thủ ở hạng mục này. Đây cũng là bộ phim đầu tiên của Hàn Quốc đạt giải thưởng dành cho phim nước ngoài hay nhất tại Oscar.

“Kỳ tích châu Á” Parasite: Tấn bi hài châm biếm thời đại đưa lịch sử điện ảnh sang trang mới - Ảnh 2.

Đạo diễn Bong Joon-ho làm nên kỳ tích cho điện ảnh châu Á tại Oscar 2020

Bước vào hạng mục Đạo diễn xuất sắc nhất, Bong Joon-ho gặp phải những đối thủ tầm cỡ của điện ảnh thế giới như Martin Scorsese, Quentin Tarantino, Sam Mendes cùng Todd Phillips. Trên sàn đấu này, cả 5 đấu sĩ đều xứng đáng đoạt giải. Thế nhưng chiến thắng của "quái kiệt" người Hàn Quốc vẫn tạo nên cú sốc lớn và thắp sáng niềm tin của người yêu điện ảnh châu Á ở giải thưởng quan trọng số 1.

Vào giây phút hồi hộp nhất, nữ minh tinh Jane Fonda đã gọi tên Parasite cho hạng mục Phim xuất sắc nhất trong sự vỡ òa niềm vui của không chỉ những người trong khán phòng Nhà hát Dolby mà chắc chắn là của rất nhiều người Hàn Quốc, người Việt Nam và đông đảo "mọt phim" ở lục địa này. Lần đầu tiên trong lịch sử 92 năm của Lễ trao giải Oscar, một tác phẩm châu Á chiến thắng giải Phim hay nhất như một sự khẳng định rằng, Oscar không phải là sân chơi chỉ dành riêng cho điện ảnh Mỹ mà còn thuộc về toàn cầu, rằng thế giới có thể vượt qua "1 inch" của dòng phụ đề như lời đạo diễn Bong Joon-ho. Điện ảnh châu Á đã có thể tự hào điền tên mình lên trang sử của điện ảnh nhân loại.

Tôi vẫn đang cảm thấy mọi chuyện thật khó tin và thể nào cũng có cái gì đó đánh thức tôi dậy khỏi giấc mơ này.

Đạo diễn Bong Joon-ho phát biểu sau lễ trao giải Oscar 2020

Có một điều khá thú vị rằng người trao giải cho Parasite là Jane Fonda còn có biệt danh rất châu Á - "Hanoi Jane" khi bà là một trong những nhân vật phản chiến nổi bật nhất ở thời điểm Mỹ ném bom miền Bắc và từng có chuyến thăm nổi tiếng đến Việt Nam vào năm 1972. Dường như định mệnh đã lựa chọn Oscar lần thứ 92 là thời điểm lịch sử điện ảnh châu Á và thế giới bước sang trang mới.

Những kỳ tích lịch sử của Parasite:

- Phim Hàn Quốc đầu tiên được đề cử hạng mục Phim hay nhất tại Oscar.

- Phim Hàn Quốc, phim châu Á và phim nói tiếng nước ngoài đầu tiên chiến thắng hạng mục Phim hay nhất tại Oscar.

- Phim châu Á đầu tiên nhận giải Kịch bản gốc xuất sắc nhất tại Oscar.

- Đạo diễn Hàn Quốc đầu tiên thắng giải Đạo diễn xuất sắc nhất tại Oscar.

- Phim Hàn Quốc đầu tiên giành giải Cành cọ Vàng tại Cannes và là phim đầu tiên thắng giải với sự nhất trí tuyệt đối sau Blue Is the Warmest Colour năm 2013.

- Đạo diễn Hàn Quốc đầu tiên đoạt giải Cành cọ vàng.

- Phim không nói tiếng Anh đầu tiên thắng giải Dàn diễn viên phim điện ảnh xuất sắc nhất của Hiệp hội diễn viên Mỹ.


“Kỳ tích châu Á” Parasite: Tấn bi hài châm biếm thời đại đưa lịch sử điện ảnh sang trang mới - Ảnh 5.

Ảnh: Entertainment Weekly

Tấn bi hài kịch "gãi đúng chỗ ngứa" của cuộc sống hiện đại

Như thường lệ, vẫn luôn có những tranh cãi ở hạng mục Phim xuất sắc nhất của Oscar mỗi năm. Vì sao Viện hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh Mỹ lựa chọn Moonlight thay cho La La Land? Green Book chứ không phải Roma? Phim này mà không chọn phim kia?.... Những câu hỏi ấy xuất hiện hàng năm và năm nay không phải ngoại lệ.

Trong cuộc đua Oscar 2020, Joker được đề cử nhiều nhất (11), theo sát là The Irisman, Once Upon a Time in Hollywood 1917 (cùng 10) trong khi Parasite chỉ có 6. Nhìn lại các giải thưởng tiền Oscar dành cho phim hay nhất, Parasite cũng phần nào thất thế khi còn không được đề cử ở Quả cầu Vàng, thất bại ở giải thưởng của Hiệp hội Phê bình hay BAFTA (mệnh danh là Oscar của Anh)… Thế nhưng, Viện hàn lâm luôn có những tiêu chí riêng của mình. Trong đó, có lẽ Parasite hơn hẳn những đối thủ sừng sỏ khác, đó là tính thời đại.

“Kỳ tích châu Á” Parasite: Tấn bi hài châm biếm thời đại đưa lịch sử điện ảnh sang trang mới - Ảnh 6.

Parasite chiến thắng Oscar trong cuộc đua với những đối thủ rất mạnh

Parasite – Ký sinh trùng, bản thân tên phim gợi nên nhiều băn khoăn tới khán giả mà ngay cả khi rời rạp chiếu nhiều người vẫn chưa thể cắt hết nghĩa. Nhưng điều đọng lại trước tiên ắt hẳn là cách biệt xa vời giữa tầng lớp giàu và nghèo tại Hàn Quốc được đạo diễn Bong Joon-ho phản ánh vô cùng chân thực, không hề nói quá chút nào.

Ở xứ sở kim chi, sự mất cân bằng xã hội đang trở thành vấn đề nghiêm trọng. Khái niệm "thìa bẩn" và "thìa vàng" đang phân cực ngày một rõ ràng. Nếu như những đứa trẻ "thìa vàng" được sinh ra trong gia đình giàu có, tận hưởng những đặc ân để tiếp tục sống trong nhung lụa thì những người xuất thân là "thìa bẩn" dần mất niềm tin vào cơ hội đổi đời.

Gia đình của nhân vật chính Kim Ki-woo (Choi Woo-sik thủ vai) là điển hình của tầng lớp "thìa bẩn". Anh cùng bố mẹ và em gái sống trong một căn hầm tồi tàn mà tầm nhìn chỉ ngang ngửa mặt đất, đến mức những gã bợm rượu coi căn nhà là chỗ để "giải quyết nỗi buồn". 4 người đều thất nghiệp và sống qua ngày bằng công việc gấp hộp giấy đựng Pizza.

Trái ngược hoàn toàn với hoàn cảnh ấy là gia đình của vị giám đốc Park Dong-ik (Lee Sun-kyun). Ông cùng vợ và 2 người con hưởng thụ cuộc sống tiện nghi trong căn biệt thự sang trọng, sạch sẽ.

“Kỳ tích châu Á” Parasite: Tấn bi hài châm biếm thời đại đưa lịch sử điện ảnh sang trang mới - Ảnh 7.

Cầu nối giữa 2 oan gia này là anh bạn Min-hyuk (Park Seo-joon) của Ki-woo khi anh giới thiệu bạn mình đến làm gia sư môn tiếng Anh cho con gái ông Park Dong-ik là Park Da-hye (Jung Ji-so). Từ đây, lần lượt các thành viên gia đình Ki-woo giở mọi chiêu trò để "ký sinh" trong gia đình giàu có kia. Cô em gái Ki-jeong (Park So-dam) đóng giả một giáo viên nghệ thuật học vừa mới từ Mỹ về để dạy và "điều trị tâm lý trị liệu" cậu nhóc Da-song trong sự mừng rõ của bà chủ Choi Yeon-gyo (Cho Yeo-jeong). Ki-jeong cũng vu oan thành công tài xế của ông Park để giới thiệu chính bố mình - Kim Ki-taek (Song Kang-ho). Sau đó, nhà họ Kim bày mưu loại bỏ bà quản gia Gook Moon-kwang (Lee Jung-Eun) và giúp mẹ mình - Kim Chung-sook (Jang Hye-jin) nắm quyền trông coi căn nhà. Gia đình họ Kim sẵn sàng gạt bỏ những giá trị đạo đức để đạt được mục đích của mình, bởi với họ, chỉ cần "giàu" là sẽ trở thành người "tốt".

Không phải họ giàu mà vẫn tốt, mà là họ tốt bởi vì họ giàu.

Bà Kim Chung-sook nói về nhà họ Park (Parasite)

Nhìn theo một góc độ khác, nhà họ Park cũng đang "ký sinh" vào những người làm việc cho mình. Họ không thể tự làm được những công việc thường nhật như lái xe, nấu ăn, học tiếng Anh, vẽ tranh… mà luôn phải thuê người khác. Cô vợ Choi Yeon-gyo cũng phải thừa nhận rằng, không có sự trợ giúp của cô giáo Ki-jeong và những người làm thuê khác thì gia đình cô không biết sống như thế nào.

Nhưng những con ký sinh nào đâu chỉ là gia đình Kim hay Park. Và có lẽ bộ phim khó có thể vươn tầm nếu không có cú ngoặt bất ngờ. Khi nhà họ Kim tạm chiếm biệt thự trong lúc nhà giám đốc Park đi picnic, họ bất ngờ phát hiện ra căn hầm bí mật vốn là nơi sinh sống của Oh Geun-se (Park Myung-hoon) – chồng bà quản gia vừa bị đuổi việc đang phải trốn nợ. Lúc sự thật được phơi bày cũng là thời điểm mâu thuẫn giữa 2 đám "ký sinh trùng" bùng nổ.

Sau cuộc ẩu đả, ông Kim và 2 con phải trở về nhà giữa cơn mưa như trút nước khi phát hiện nhà ông Park quay lại căn biệt thự. Căn hầm tồi tàn lúc này ngập trong nước và rác thải khiến 3 người phải ngủ tại một nhà thi đấu.

“Kỳ tích châu Á” Parasite: Tấn bi hài châm biếm thời đại đưa lịch sử điện ảnh sang trang mới - Ảnh 9.

Sáng hôm sau, Oh Geun-se thoát được ra ngoài và phát hiện vợ mình tử nạn. Ông ta tức giận quyết truy sát nhà họ Kim và giết chết Ki-jeong. Chứng kiến con gái bị hại, Kim Ki-taek cùng quẫn, sợ hãi và tự ái lên tới đỉnh điểm vì cái nghèo, vì sự khinh thường của giám đốc Park mà đâm chết ông chủ của mình. Đó cũng là lúc những con ký sinh trùng đã hủy hoại vật chủ.

Nhưng cái kết của Parasite mới thực sự khiến người ta ám ảnh. Bị tổn thương não, Ki-woo may mắn thoát tội và biết được cha mình vẫn còn trốn trong căn hầm của biệt thự. Anh tự hứa sẽ kiếm thật nhiều tiền để mua lại chính căn biệt kia để giải thoát cha mình. Thế nhưng, thực tại phũ phàng rằng đó vẫn mãi chỉ là tưởng tượng của Ki-woo mà thôi.

Lúc đó, con và mẹ sẽ đứng ở khoảng sân đầy nắng. Và việc của bố chỉ là bước chân lên những bậc thang.

Kim Ki-woo viết thư gửi bố (Parasite)

Ki-woo cũng như em gái anh chính là đại diện cho tầng lớp thanh niên "thìa bẩn" ở Hàn Quốc. Ki-woo thông minh nhưng lại lận đận thi cử còn cô em gái thành thạo photoshop bất ngờ song chỉ để đi làm giả giấy tờ. Dù họ có cố gắng đến đâu, quyết tâm đến mấy thì giấc mơ thay đổi cuộc sống vẫn quá xa vời.

Trước khi bộ phim tạo thành cơn sốt, đạo diễn Bong Joon-ho từng lo ngại người nước ngoài khó đồng cảm với các nhân vật, câu chuyện của ông. Thế nhưng bối cảnh Hàn Quốc lại là "địa lợi" khi quốc gia này có tư tưởng, truyền thống Á Đông kết hợp lối sống đậm chất phương Tây. Những mâu thuẫn giàu nghèo, bất bình đẳng xã hội không chỉ là câu chuyện của xứ kim chi mà là vấn đề nhức nhối toàn cầu hiện nay. Những người giàu chỉ chiếm phần nhỏ trong xã hội nhưng sở hữu phần lớn khối tài sản của quốc gia. Còn những tầng lớp thấp sống khổ sở, luôn đối mặt tình trạng nghèo đói, thất nghiệp, bất an lại là mặt tối ít người nhắc đến trong cuộc sống hiện đại. Chính yếu tố ấy mà Parasite có thể "gãi đúng chỗ ngứa" và chạm đến trái tim của rất nhiều khán giả trên khắp thế giới, trong đó có cả Hollywood.

Chúng ta đang có mùi gì?

Parasite đặc biệt bởi đầu tiên là khả năng chuyển tải thông điệp xã hội đa lớp và điều thứ 2 là những thủ thuật ẩn dụ nghệ thuật đặc sắc. Sự cân bằng giữa yếu tố giải trí và hàn lâm như Parasite là điều ít thấy trong điện ảnh ngày nay. Trong phần nửa đầu phim mang màu sắc hài kịch, đạo diễn Bong Joon-ho đã tinh tế cài cắm một chi tiết tưởng chừng chỉ để tạo tiếng cười: Mùi.

Mùi từng được tác giả người Đức Patrick Süskind đề cập trong tiểu thuyết Mùi hương (1985) kể câu chuyện về Jean-Baptiste Grenouille – gã mồ côi nhưng sở hữu khứu giác sắc bén, có thể ngửi được đủ loại mùi của con người trong xã hội. Tuy nhiên ở Parasite, tất cả mọi người đều có thể cảm nhận được mùi của nhau, song chiếc mũi của những "thìa vàng" dường như nhạy hơn "thìa bẩn".

Cậu con trai 5 tuổi nhà Park - Da-song tinh ý nhận ra và thắc mắc với mẹ mình: Tại sao mùi của bác lái xe lại giống mùi bà quản gia và cũng giống cả cô giáo?

“Kỳ tích châu Á” Parasite: Tấn bi hài châm biếm thời đại đưa lịch sử điện ảnh sang trang mới - Ảnh 11.

Không có chất tẩy nào có thể gột sạch được mùi của tầng lớp "thìa bẩn"

Sau đó tới lượt ông Park phàn nàn với vợ rằng, người tái xế làm việc rất tốt nhưng có điều vượt qua giới hạn là mùi hôi như củ cái thối, mùi giặt giẻ lau, mùi của những người đi tàu điện ngầm vậy. Đó là khi khán giả nhận ra nhà họ Kim cùng một mùi không chỉ bởi họ cùng một gia đình, sử dụng cùng loại sữa tắm mà họ đều mang mùi của cuộc sống lao động, nhọc nhằn mưu sinh khó có chất tẩy nào gột sạch được. Sự phân biệt đối xử lúc này dù giám đốc Park không thể hiện trước mặt tái xế Kim nhưng lại xuất hiện trong tư tưởng, chứ chưa hẳn là qua chiếc mũi của mình.

Kim Ki-taek lúc này đang trốn dưới gầm bàn và đau lòng nghe hết câu chuyện. Chỉ ít phút trước, ông và gia đình còn đang tiệc tùng sung sướng trong căn biệt thự, tận hưởng cuộc sống giàu sang như thể họ là chủ nhà, như họ thể họ đã chạm đến giấc mơ của mình. Nhưng không, câu trần tình của ông Park đã kéo tài xế Kim xuống mặt đất.

Trong suốt 1 đêm sau đó, Kim Ki-taek cùng 2 con phải bơi trong nước bẩn và rác thải, trải qua những giờ phút tìm kế sinh tồn. Cũng vì vậy, khi tái xế Kim lái xe vào sáng hôm sau, mùi lúc này của ông khiến vợ giám đốc Park không thể chịu nổi và phải nhăn mặt bịt mũi. Ông Kim lại bị chạm vào tự ái một lần nữa.

“Kỳ tích châu Á” Parasite: Tấn bi hài châm biếm thời đại đưa lịch sử điện ảnh sang trang mới - Ảnh 12.

Cơn mưa như trút nước lột trần những con ký sinh trùng nhà họ Kim

Và cao trào của bộ phim diễn ra khi Oh Geun-se đâm chết người con gái Ki-jeong của Kim Ki-taek và bà Chung-sook giết chết Geun-se trong khi vật lộn. Ông Park lúc này không quan tâm gì khác ngoài việc lấy chìa khía xe để đưa con gái bị ngất xỉu đến bệnh viên. Ông bịt mũi lật xác của Geun-se khi ngửi thấy mùi hôi thối của kẻ đã sống nương nhờ căn biệt thự nhiều năm và trả ơn nhà Park bằng cách bật tắt điện mà họ tưởng như tự động. Nhìn cảnh tượng ấy, phẫn uất cho chính mình và Geun-se, Kim Ki-taek đã không còn kìm nén được cảm xúc và bộc phát bằng việc đâm chết ông Park rồi sau đó bỏ trốn và chui xuống căn hầm bí mật.

Mùi không phải tác nhân trực tiếp dẫn đến tấn bi kịch ấy nhưng chính sự đau đớn, bất lực trước những hành động khinh thường, phân biệt giàu nghèo đã buộc Kim Ki-taek phải làm điều gì đó mà hoàn toàn không có kế hoạch từ trước – điều mà chính ông cũng cảm thấy ân hận ngay sau đó.

Kế hoạch tốt nhất là không nên có kế hoạch gì cả, vì cuộc đời sẽ không bao giờ tuân theo đúng ý của ta.

Kim Ki-taek nói với 2 con (Parasite)

Nhiều khi những người nghèo như Ki-taek trong xã hội không thể nào biết được mùi của mình ra sao giữa cuộc sống bộn bề lo toan kiếm sống. Chỉ có những chiếc "thìa vàng" sống trong nhung lụa mới nhận ra sự khác biệt mà họ coi rẻ. Họ không thể hiểu "mùi củ cái thối, mùi giặt giẻ lau, mùi của những người đi tàu điện ngầm" là mùi cuộc sống không lối thoát của tầng lớp "thìa bẩn" và rạch rõ ranh giới giàu nghèo. Bước ra rạp, có lẽ không ít người phải tự đặt câu hỏi: Chính chúng ta có mùi gì?

Bên cạnh mùi, đạo diễn Bong Joon-ho còn sử dụng hàng loạt hình ảnh ẩn dụ khác: Hòn đá, các bậc thang, căn hầm… một cách khá rõ ràng thể hiện quan điểm sống khác nhau, sự phân biệt giữa hai tầng lớp trái ngược trong xã hội Hàn Quốc. Các cảnh quay, thiết kế bối cảnh được bố trí chỉn chu từng khung hình, ánh sáng vận dụng linh hoạt trong phim cũng thể hiện được cái tài của đạo diễn Bong. Khá đáng tiếc khi Parasite "trượt" Oscar ở hạng mục Thiết kế sản xuất xuất sắc nhất vào tay đối thủ nặng ký là Once Upon a Time in Hollywood của một quái kiệt khác là Quentin Tarantino.

Dù vậy Parasite vẫn xưng vương ở Oscar 2020 không thể thuyết phục hơn. Giành 4 tượng Vàng của Viện hàn lâm trong đó có 3 giải lớn là Phim hay nhất, Đạo diễn xuất sắc nhất và Kịch bản gốc xuất sắc nhất, tác phẩm của Bong Joon-ho được đánh giá là phim thành công nhất trong lịch sử điện ảnh Hàn Quốc và của châu Á. Parasite chắc chắn sẽ được mổ xẻ, phân tích như một case study điển hình mà các nhà làm phim Việt Nam có thể nghiên cứu với giấc mơ vươn tầm châu lục và thế giới.

Còn khán giả cũng vừa nhận tin vui khi nhà phát hành Parasite thông báo phim sẽ chiếu lần 2 tại Việt Nam từ ngày 17/2/2020. Đây sẽ là cơ hội để những người chưa có cơ hội xem ở lần công chiếu đầu tiên tới rạp thưởng thức và hẳn cũng nhiều khán giả đã xem được đắm chìm vào thế giới của "phù thủy" Bong một lần nữa với tâm thế mới.

“Kỳ tích châu Á” Parasite: Tấn bi hài châm biếm thời đại đưa lịch sử điện ảnh sang trang mới - Ảnh 14.
Tạ Hiển
11/2/2020


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

X

ĐANG PHÁT

Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước