Chơi hụi lãi cao: Người mất tiền, kẻ đổ nợ

Trung tâm Tin tức VTV24-Thứ ba, ngày 11/07/2017 16:46 GMT+7

VTV.vn - Nhiều miền quê vốn dĩ quanh năm yên bình, nhưng gần đây hàng trăm người dân nghèo đã phải bật khóc, trắng tay vì chủ hụi bất ngờ tuyên bố vỡ hụi và biến mất khỏi làng.

Xã Châu Bình, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre, miền quê vốn dĩ quanh năm yên bình, nhưng mới đây đã có gần 300 người dân nghèo phải bật khóc vì chủ hụi bất ngờ tuyên bố vỡ hụi và biến mất khỏi làng. Người mất tiền, kẻ đổ nợ, dưới mái tranh nghèo, nước mắt họ đã rơi.

Thống kê chưa đầy đủ, xã Châu Bình có hơn 270 người dân, hầu hết đều nghèo khó bị một phụ nữ tên Hồ Thị Kim Liên, người trong xã quen gọi là bà Đây tuyên bố vỡ hụi với tổng số tiền hơn 10 tỷ đồng. Nhiều người bị giật hụi tìm đến nhà bà Đây đòi tiền. Thế nhưng, khi đến nơi, chỉ thấy cảnh vườn không nhà trống.

Hụi được hiểu là một hình thức huy động vốn, có tính chất tương trợ lẫn nhau trong cộng đồng dân cư, với 2 hình thức: không lãi và có lãi. Hình thức nào cũng phải tuân theo qui định chung là chủ hụi lập danh sách từng người chơi, họ phải cùng nhau thỏa thuận mức tiền đóng, kỳ hạn đóng, cách thức nhận hụi. Tuy nhiên theo các chuyên gia, hụi có lãi thường bị các chủ hụi lợi dụng trục lợi vì hình thức này dễ bị biến tướng.

Ví dụ như 10 người tham gia một dây hụi kéo dài 10 tháng, mỗi tháng góp 1.000.000 đồng/người. Quy định một tháng mở hụi một lần. Mỗi lần mở, 10 hụi viên bỏ phiếu kín. Ai đưa ra mức lãi suất cao nhất sẽ được hốt. Người còn lại phải đóng số tiền bằng mức một triệu trừ ra phần lãi.

Tức là nếu mức lãi là 10% tương đương với 100.000 đồng. Người góp chỉ cần góp 900.000 đồng, 100.000 đồng chênh lệch coi như phần lãi mà người góp được hưởng. Ở đây, người được hốt còn phải trích phần trăm hoa hồng cho chủ hụi. Và đến tháng sau cách mở hụi như vậy lại tiếp tục. Cho đến người cuối cùng, thường là người muốn tích lũy, họ nhận trọn 10.000.000 đồng.

Do tâm lý ai cũng muốn là người được hốt hụi, nên thường bỏ thăm với mức lãi suất rất cao, gấp hàng chục lần mức quy định từ 20 - 50%. Từ lãi suất cao, các chủ hụi đã tìm cách lập danh sách ảo vào dây hụi để dễ dàng trục lợi nhanh hơn.

Chủ hụi cũng không cho các hụi viên được biết nhau. Đến kỳ, chủ hụi dùng tên hụi viên ảo bỏ lãi suất thật cao để được hốt nhằm gom tiền về phía mình. Sau khi đã hết số hội viên ảo, họ tìm cách tẩu tán tài sản và tuyên bố vỡ hụi.

Tại ĐBSCL thời gian gần đây, tình trạng mất tiền vì chơi hụi đang diễn ra khá phổ biến. Nơi ít thì cũng vài ba tỷ đồng, nhiều đến hàng chục tỷ đồng, tuy nhiên, điều đáng nói các vụ vỡ hụi diễn ra gần như theo cùng một kịch bản.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước