6 sai lầm phổ biến trong chọn nghề của các sĩ tử

Theo Dân trí-Chủ nhật, ngày 31/01/2016 06:00 GMT+7

VTV.vn - TS Phạm Mạnh Hà, Khoa Tâm lý trường ĐH Xã Hội và Nhân văn – ĐH Quốc gia Hà Nội nêu và phân tích một số sai lầm thường gặp ở các bạn học sinh khi lựa chọn nghề.

Khi đứng trước ngưỡng cửa cuộc đời, nhiều bạn trẻ bắt đầu đặt cho mình câu hỏi mình thực sự yêu thích nghề gì, nghề đó có thực sự phù hợp với mình hay không, cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp ra trường như thế nào… Nhưng không phải tất cả các bạn có được câu trả lời thỏa đáng.

Nhiều bạn cho đến sát ngày nộp hồ sơ cũng chưa quyết định được mình sẽ theo đuổi nghề nghiệp nào, trong khi có bạn lại có quá nhiều lựa chọn và không thể quyết định được một lựa chọn nào tối ưu. Và trong tình huống gấp gáp đó, việc lựa chọn nghề nghiệp của các bạn học sinh rất dễ dẫn tới những sai lầm.

Sau đây, TS Phạm Mạnh Hà – Khoa Tâm lý trường ĐH Xã Hội và Nhân văn – ĐH Quốc gia Hà Nội sẽ nêu và phân tích một số sai lầm thường gặp ở các bạn học sinh khi lựa chọn nghề nghiệp.

Chọn nghề vì thu nhập cao và dễ xin việc

Thu nhập cao và dễ xin việc luôn là những giá trị hấp dẫn các bạn học sinh lấy làm căn cứ cho việc chọn nghề. Điều này không sai nhưng nó lại khiến các bạn quên mất chúng ta chỉ có thể kiếm được việc làm và được trả lương cao khi chúng ta đáp ứng được đầy đủ yêu cầu của nhà quản lí cả về kiến thức, kĩ năng và thái độ.

Hơn nữa, khi các bạn bắt tay vào công việc lúc đó bạn mới nhận thấy ngoài tiền bạc bạn còn mong đợi một cơ hội để mình phát huy năng lực, có một môi trường làm việc thân thiện, phù hợp với tích cách của mình.

Một lời khuyên cho bạn là khi chọn nghề hãy đặt ra 5 hay 6 yếu tố cần thoả mãn nhất thiết không hẳn cứ là tiền bạc hay cơ hội việc làm.

Có bằng đại học thì dễ xin việc hơn bằng trung cấp, cao đẳng

Thực tế hàng năm chúng ta có hàng ngàn bạn sinh viên ra trường ở mọi ngành nghề khác nhau nhưng gặp khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm. Nhiều bạn không thể chờ đợi công việc đúng chuyên môn đã phải đi làm đủ nghề để kiếm sống như chạy bàn trong quán bar, đi bán nước chè, bán quần áo…

Trong khi đó, nhiều bạn sinh viên học các ngành như điện, hàn, nguội… tại các trường trung cấp, khi tốt nghiệp ra trường đã được các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh nhận về làm việc với thu nhập ổn định và nhiều cơ hội thăng tiến. Vì thế nếu nghĩ đơn giản rằng học đại học sẽ dễ xin việc hơn học trung cấp, cao đẳng thì đó là một sai lầm.

Chọn nghề theo sự thành công của người thân

Mỗi người đều có sở trường, sở đoản, tính cách, năng lực và sở thích khác nhau vì thế nghề này mang lại sự nghiệp cho người này nhưng chưa chắc đã mang đến thành công cho người kia. Ở nhiều gia đình, bố mẹ thường hay định hướng thậm chí bắt buộc con cái phải đi theo con đường nghề nghiệp mà bố mẹ đã có nhiều thành công.

Truyền thống nghề nghiệp gia đình là một nhân tố quan trọng để các bạn học sinh phát triển sự nghiệp của mình. Nhưng sẽ là sai lầm nếu bản thân cố tình lựa chọn theo nghề của bố mẹ, người thân mà không tính tới sự phù hợp giữa năng lực, hứng thú của mình với các yêu cầu của nghề nghiệp.

Chọn nghề nhưng không hiểu hết các công việc của nghề

Chọn nghề nhưng không hiểu biết về những công việc mà mình phải làm sau này, những khó khăn vất vả mình phải đối mặt… dẫn tới khi các bạn tốt nghiệp ra trường, đi làm rồi lúc đó mới nhận ra ngoài kiến thức chuyên môn được học thì bản thân không có đủ điều kiện cả về sức khoẻ, tính cách đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của công việc. Chọn nghề kiểu này sẽ dẫn tới những tác hại vô cùng nguy hiểm dẫn tới những sự cố đáng tiếc sau này.

Chọn nghề theo kiểu may rủi

Đôi lúc, nhiều bạn học sinh băn khoăn không biết lựa chọn nghề này hay nghề khác trong danh sách các nghề mà các em cho rằng phù hợp. Bỏ nghề này hay chọn nghề kia luôn là một sự lựa chọn khó khăn vì bỏ nghề nào cũng tiếc.

Trong tình huống này, một số bạn đã lựa chọn giải pháp chọn đại lấy một ngành rồi ngồi đó để hi vọng rằng mình đã chọn đúng. Một số bạn khác lại đi tìm các nhà tử vi, thầy bói hay cầu cúng để tư vấn cho bản thân lựa chọn một nghề nghiệp nào đó.

Chọn nghề nhưng không tính tới điều kiện, hoàn cảnh gia đình

Nhiều bạn trẻ với giấc mơ đại học cháy bỏng, với mong muốn thoát li khỏi cuộc sống nông nghiệp khó khăn, vất vả đã cố thi vào các trường đại học. Sau một vài học kì, chi phí đào tạo ngày càng tăng công với các chi phí sinh hoạt khác đã khiến cho nhiều gia đình không còn khả năng tài chính để đầu tư cho con cái vì thế nhiều bạn sinh viên phải bỏ dở giữa chừng.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước