Cần đào tạo 7.300 giảng viên có trình độ tiến sĩ trong 10 năm tới

PV-Thứ sáu, ngày 23/04/2021 19:36 GMT+7

Quang cảnh Tọa đàm

VTV.vn-Trong 10 năm tới cần đào tạo được khoảng 7.300 giảng viên có trình độ tiến sĩ và trên 300 giảng viên thuộc khối văn hóa, nghệ thuật và thể dục, thể thao có trình độ thạc sĩ.

Sáng 22/4, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tổ chức Tọa đàm về một số nội dung triển khai Quyết định số 89/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019- 2030 (Đề án 89).

Phát biểu khai mạc tọa đàm, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (GDĐH) Nguyễn Thị Thu Thủy nhấn mạnh, đây là một chính sách vô cùng quan trọng, tạo cơ hội học tập nâng cao trình độ, năng lực của giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục tại các cơ sở GDĐH. Với vai trò quan trọng đó, Bộ GDĐT đã xây dựng kế hoạch, nghiên cứu, rà soát và xây dựng các quy định cần thiết để triển khai đề án.

Để đảm bảo khả thi, hiệu quả và gắn với nhu cầu phát triển giảng viên của các cơ sở GDĐH, Bộ GDĐT tổ chức các buổi tọa đàm nhằm thông tin về những công việc cần chuẩn bị, đặc biệt tiếp nhận ý kiến trao đổi, đề xuất từ đại diện cơ sở GDĐH trong cả nước. Nội dung thảo luận tập trung vào những nội dung để triển khai nhiệm vụ đào tạo trong năm 2021, xác định nhu cầu đào tạo giảng viên của các cơ sở GDĐH theo Đề án 89 và lập kế hoạch đào tạo cho năm 2022.

Đề án 89 hướng tới các mục tiêu: Đào tạo trình độ tiến sĩ cho 10% giảng viên đại học; đào tạo để trên 80% giảng viên thuộc khối văn hóa, nghệ thuật và thể dục, thể thao có trình độ thạc sĩ trở lên; bồi dưỡng kỹ năng quản trị đại học cho cán bộ quản lý các cơ sở GDĐH và bồi dưỡng một số kỹ năng, như: phát triển chương trình đào tạo, ngoại ngữ, tin học, phương pháp giảng dạy,… cho 100% giảng viên; thu hút 1.500 nhà khoa học, những người có trình độ tiến sĩ về làm việc tại các cơ sở GDĐH của Việt Nam.

Theo Vụ GDĐH, hiện nay, cả nước đang có trên 73.000 giảng viên đại học, trong đó, số giảng viên đạt trình độ tiến sĩ là 28.8%. Để hoàn thành mục tiêu đề án, trong 10 năm tới cần đào tạo được khoảng 7.300 giảng viên có trình độ tiến sĩ và trên 300 giảng viên thuộc khối văn hóa, nghệ thuật và thể dục, thể thao có trình độ thạc sĩ.

Trong công tác này, các cơ sở GDĐH đóng vai trò chính yếu trong cả quy trình tuyển chọn, gửi giảng viên đi đào tạo, quản lý kinh phí, theo dõi quá trình đào tạo giảng viên cho tới việc sử dụng giảng viên sau đào tạo và bồi hoãn kinh phí đào tạo (nếu có).

Cụ thể, tại dự thảo Thông tư Hướng dẫn triển khai đào tạo trình độ thạc sĩ, trình độ tiến sĩ theo Quyết định số 89/QĐ-TTg, quy định, cơ sở cử giảng viên đi đào tạo được quyền tự chủ, đồng thời chịu trách nhiệm giải trình trong công tác tuyển chọn ứng viên đáp ứng quy định; được cấp kinh phí từ ngân sách nhà nước để đào tạo theo đề án.

Dự thảo nhấn mạnh trách nhiệm của cơ sở cử đi đào tạo. Bao gồm, xây dựng kế hoạch đào tạo nhân lực của cơ sở trong phạm vi đề án; bồi dưỡng tạo nguồn giảng viên có nguyện vọng tham gia Đề án 89; bảo đảm đủ năng lực tự chủ về tổ chức chọn công khai, minh bạch và công bằng; quản lý và cấp phát học bổng của Đề án 89 tới người được cử đi đào tạo theo hướng dẫn; báo cáo tình hình triển khai tới Bộ GDĐT trước 31/12 hằng năm; Thu hồi học bổng của đề án khi người được cử đi đào tạo vi phạm quy định;…

Ủng hộ cần triển khai Đề án 89 ngay trong năm 2021, bà Trần Thị Vân Hoa, Phó Hiệu Trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đề xuất sớm làm rõ quy trình đăng ký và nên chăng áp dụng một quy trình tuyển chọn cho các trường để đảm bảo công bằng. Đồng thời, lưu ý yếu tố ngành nghề, vùng miền, đại diện để lựa chọn đối tượng phù hợp. "Liệu có cần làm rõ chỉ tiêu cho các năm trong cả giai đoạn, đối với cơ sở cử đi và cơ sở đào tạo không? Có nhiều bảng xếp hạng đại học, xếp hạng theo ngành, theo trường, lại thay đổi hằng năm, vậy quy định cụ thể như thế nào cho phù hợp?", bà Vân Hoa đặt vấn đề.

Đại diện Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cũng trao đổi về việc tạo nguồn và các khoản kinh phí như dự hội thảo, hỗ trợ đăng bài quốc tế, tài liệu, dữ liệu, bồi hoàn,… Đặc biệt, cần có hình thức quản lý vấn đề bồi hoàn hiệu quả, với tính ràng buộc, cam kết cao hơn đối với học viên, tránh gây khó cho các trường.

Đồng tình với chủ trương giao quyền tự chủ cho cơ sở cử đối tượng đi đào tạo, ông Nguyễn Đắc Trung, Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng cần cụ thể hóa về đối tượng được cử đi học; đơn vị cử đi phải đảm bảo điều kiện thời gian cho giảng viên hoàn thành nhiệm vụ đào tạo; quy định thống nhất điều kiện đầu ra.

Thông qua thảo luận nhóm, các đại biểu bày tỏ tinh thần đồng thuận, đồng hành cùng Bộ để triển khai được đề án ngay trong năm 2021. Đồng thời, tiếp tục đề xuất cụ thể về cách hiểu và định mức các loại chi phí đào tạo; đối tượng được đào tạo;…

Kết luận tọa đàm, Phó Vụ trưởng Nguyễn Thị Thu Thủy cho biết, Vụ GDĐH sẽ tổng hợp các ý kiến để báo cáo lãnh đạo Bộ, đồng thời đề nghị các cơ sở đào tạo báo cáo về những việc sẵn sàng tham gia ngay trong năm nay. Đây là cơ sở để Bộ sớm đưa ra phương án triển khai đề án khả thi nhất.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước