Nguồn ảnh: Reuters.
Trước mắt, trong tháng 3 này, Amazon sẽ khởi động một chương trình hợp tác với Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam để hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước xuất khẩu hàng hóa qua hệ sinh thái của Amazon. Các mặt hàng Made in Vietnam nhờ đó có thể đến tay người tiêu dùng quốc tế một cách dễ dàng hơn.
Việt Nam được đánh giá là thị trường tiềm năng của thương mại điện tử với tốc độc tăng trưởng lên tới 25%/năm và quy mô dân số gần 100 triệu người. Trước Amazon, Alibaba của tỷ phú Jack Ma cũng đã thâm nhập vào Việt Nam với việc mua lại trang mua sắm trực tuyến Lazada.
Tuy nhiên, Alibaba chủ yếu giữ vai trò trung gian trong chuỗi cung ứng, kết nối người bán với người mua thông qua công nghệ và vận chuyển hàng đến tay người mua thông qua các hệ thống giao nhận sẵn có như bưu điện hay các cửa hàng tiện ích. Còn Amazon lại tự xây dựng các kho hàng và vận hành dịch vụ chuyển phát nhanh. Nói cách khác là Amazon tự thực hiện từ A-Z, chỉ ngoại trừ công đoạn sản xuất.
Sau Singapore, Việt Nam là nước thứ hai tại Đông Nam Á được Amazon lựa chọn để phát triển thị trường bán lẻ trực tuyến. Sự xuất hiện của Amazon sẽ đem lại nhiều tác động tích cực cho cả nền kinh tế lẫn người tiêu dùng Việt Nam, tuy nhiên điều này cũng sẽ đặt ra không ít thách thức đối với hoạt động bán lẻ và phương thức giao hàng truyền thống.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!