Bức tranh kinh tế Mỹ sau 1 năm Tổng thống Donald Trump cầm quyền

Lê Tuyển (PV THVN thường trú tại Mỹ)-Thứ bảy, ngày 20/01/2018 06:00 GMT+7

Ảnh minh họa

VTV.vn - Với những bước đi mang tính quyết định, trong 1 năm nắm quyền của Tổng thống Donald Trump, nền kinh tế Mỹ đã có những chuyển biến rõ rệt.

Thời điểm này 1 năm trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump đang chuẩn bị chính thức bước vào Nhà Trắng, trở thành người đứng đầu nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Trong suốt cả cuộc tranh cử với đối thủ bà Hilary Clinton, ông Trump luôn thể hiện là một ứng viên Tổng thống với những phát ngôn và lời hứa gây sốc. Sau 1 năm nhìn lại, nền kinh tế Mỹ dưới thời Tổng thống Trump thực sự đã có những chuyển biến rõ rệt. Báo chí nước ngoài nhận định, ông Trump là người nói là làm.

1 năm trước, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nhậm chức, thị trường chứng khoán Mỹ đã dấy lên một nỗi sợ, đó là sợ sự sụp đổ của thị trường chứng khoán. Nhưng đến thời điểm này, tất cả được nhận định chỉ là "lo hão". Thậm chí, chỉ số Dow Jones dưới thời ông Trump được nhận định là tăng trưởng tốt nhất kể từ thời Tổng thống Frankin Roosevelt, từ những năm 1945. Ông Trump đã lật ngược tình thế như thế nào?

Niềm tin kinh doanh chính là yếu tố khiến các nhà đầu tư thay đổi quan điểm về ông Trump. Trước kia họ sợ rằng với tính khí thất thường của ông, những quyết sách ông đưa ra có thể sẽ ít được cân nhắc và đôi khi nguy hại cho doanh nghiệp, cho nền kinh tế.

Một điều quan trọng là họ không tin ông Trump có thể giữ được các lời hứa khi tranh cử ví như giảm thuế thu nhập doanh nghiệp những 14% ngay trong năm đầu cầm quyền - một việc tưởng như bất khả thi. Vậy mà chính quyền của ông Trump đã làm được. Điều này khiến các doanh nghiệp tin rằng, ông Trump với tư cách là một cựu doanh nhân sẽ tiếp tục tạo điều kiện hơn cho các công ty nếu như họ ở lại Mỹ.

Tuy nhiên, nếu chỉ nhìn vào chứng khoán và một vài quyết sách để đánh giá mức độ thành công của một Tổng thống thì thật rủi ro và khó lường. Điều quan trọng, các nhà đầu tư cũng nhìn thấy kinh tế Mỹ GDP tăng trưởng ổn định trên dưới 3%, thất nghiệp giảm liên tục, sản xuất tăng trưởng tốt. Đây mới là những yếu tố mang tính quyết định.

Một trong những thành công lớn nhất của ông Trump chính là cải cách thuế lớn nhất trong vòng 30 năm. Mới đây, Apple đã quyết định mang hàng trăm tỷ USD hồi hương. Hành động của Apple có gây ảnh hưởng đối với các tập đoàn khác hay không thì chưa biết nhưng nó rất có tác dụng "đánh bóng" cho Apple. Sự thật là bản thân hãng này đã đầu tư trở lại Mỹ từ lâu. Riêng trong năm 2017, 58 tỷ USD đã được đầu tư mua trái phiếu chính phủ Mỹ, 150 tỷ đầu tư vào cổ phiếu của các tập đoàn.

Vậy tại sao lần này Apple phải thông báo rộng rãi việc mang tiền về? Đây là cách hãng này tỏ thái độ công khai ủng hộ chính quyền Tổng thống đương nhiệm khi chính quyền có chính sách tạo điều kiện cho doanh nghiệp mang tiền về.

Hiện nay có một lời hứa nữa ông Trump vẫn chưa thực hiện là nâng thuế nhập khẩu đối với hàng hoá từ Trung Quốc từ 3% lên 45%. Nếu áp dụng, Apple sẽ là người chịu thiệt hại nặng nề nhất bởi 93% sản phẩm công nghệ vào Mỹ như điện thoại, máy tính, máy tính bảng đều được nhập từ Trung Quốc.

Tuy nhiên, ngoài những lời khen tích cực, cũng có chỉ trích là sau tất cả, ông Trump chỉ làm lợi cho 1% người giàu và doanh nghiệp lớn. Đây liệu sẽ là một trong những thách thức của ông Trump trong năm tới?

Ông Trump là người xuất thân kinh doanh nên các quyết sách của ông thường hướng tới tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hơn, đó là điều không thể phủ nhận. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng đây mới chính là quyết sách đúng vì DN có làm ăn tốt, mới có thêm việc làm và tiền đóng thuế nhiều hơn.

Thống kê cho thấy trong năm 2017, lương lao động theo giờ của công nhân Mỹ đã tăng 2,5%, việc làm trong khối ngành sản xuất bật tăng trở lại tương đương với mức của những năm 2011 và 2014.

Một việc khá thú vị của các doanh nghiệp tại Mỹ là khi cải cách thuế chính thức được ký thành luật, hàng chục tập đoàn lớn đã quyết định chia cho nhân viên của mình số tiền hưởng lợi từ thuế. Đó có thể là tặng 1 lần, 1.000 – 2.000 USD/người hoặc có công ty chọn tăng 1-2% lương lao động theo giờ.

Đó là các tập đoàn lớn như Apple, AT&T, Walmart hay Bank of America… với hàng trăm ngàn nhân viên.

Chính sách nào khi đưa ra cũng sẽ không thể thỏa mãn được tất cả mọi người nhưng việc cắt mạnh thuế thu nhập cho doanh nghiệp đang nhận được sự ủng hộ lớn tại Mỹ. Giờ chỉ có một điều đáng phải quan tâm là việc cắt giảm mạnh tay như vậy sẽ ảnh hưởng như thế nào tới thu ngân sách của Mỹ.

Thêm dấu hiệu khả quan về triển vọng kinh tế Mỹ Thêm dấu hiệu khả quan về triển vọng kinh tế Mỹ Kinh tế Mỹ có nhu cầu cao về lao động trong lĩnh vực công nghệ Kinh tế Mỹ có nhu cầu cao về lao động trong lĩnh vực công nghệ Kinh tế Mỹ năm 2017 có nhiều tiến triển tích cực Kinh tế Mỹ năm 2017 có nhiều tiến triển tích cực

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước