Chính phủ đẩy mạnh chi tiêu để hỗ trợ nền kinh tế

VTV Digital-Thứ bảy, ngày 22/08/2020 06:22 GMT+7

VTV.vn - Thời gian qua, trước những khó khăn của người dân và doanh nghiệp, Chính phủ đã thông qua các gói hỗ trợ, từ y tế phòng chống dịch, tới thuế phí, an sinh xã hội...

Chính phủ đề xuất hỗ trợ Vietnam Airlines 12.000 tỷ đồng

Mới đây nhất, Chính phủ đã đưa ra nghị quyết về gói hỗ trợ dành cho Vietnam Airlines và đang tiếp tục trình các cấp có thẩm quyền thông qua, gồm 4.000 tỷ đồng tiền vay và 8.000 tỷ đồng qua tăng vốn. Đáng chú ý, phương án vay vốn được thông qua một cơ chế thị trường.

"Đó là thông quá các tổ chức tín dụng cho vay bắc cầu, để Vietnam Airlines vay, và Chính phủ đứng ra bảo lãnh khoản vay này. Bên cạnh đứng ra bảo lãnh, Chính phủ cũng yêu cầu Vietnam Airlines tái cơ cấu lại doanh nghiệp trong bối cảnh hậu COVID-19", ông Nguyễn Đức Kiên – Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho biết.

Qua đó, Chính phủ đã đảm bảo cả 2 vai trò, vừa là chủ sở hữu vốn tại doanh nghiệp, vừa là vai trò cơ quan quản lý Nhà nước.

Chính phủ đẩy mạnh hỗ trợ nền kinh tế

Trong khi đó, Bộ Tài chính có gói hỗ trợ giãn hoãn thuế 180.000 tỷ đồng, tới hết tháng 7 thực hiện được 53.645 tỷ đồng, và giảm nhiều loại phí cho doanh nghiệp, chấp nhận bị ảnh hưởng mức thu ngân sách trong những tháng qua.

Bộ LĐ-TB&XH có gói an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng cấp tiền ngân sách trực tiếp cho nhiều đối tượng người dân bị ảnh hưởng do dịch bệnh.

Chính phủ đẩy mạnh chi tiêu để hỗ trợ nền kinh tế - Ảnh 1.

Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công được xem là biện pháp quan trọng để thúc đẩy nền kinh tế

Đáng chú ý hơn cả là sự quyết liệt trong thúc đẩy giải ngân đầu tư công, 7 tháng đạt 203.000 tỷ đồng, bằng 42,7% kế hoạch năm. Thủ tướng đã thành lập 7 đoàn công tác đôn đốc, tháo gỡ vướng mắc giải ngân đầu tư công, do chính Thủ tướng, 4 phó Thủ tướng và 2 Bộ trưởng làm trưởng đoàn.

Ngay trong ngày 21/8, Thủ tướng đã tổ chức hội nghị giao ban trực tuyến thứ hai, chỉ trong vòng một tháng qua, để thúc đẩy giải ngân đầu tư công.

Việt Nam có không gian tài khóa thuận lợi để hỗ trợ nền kinh tế

"Trong giai đoạn 4 năm qua, Việt Nam đã giảm được tỷ lệ nợ công trên GDP khoảng 7 điểm %. Đó là điều tuyệt vời, bởi nhờ thế, ngay khi khủng hoảng ập đến, Việt Nam ở vị trí tài khóa thuận lợi để hỗ trợ nền kinh tế. Cách thức hỗ trợ cũng phù hợp, khi Việt Nam cũng là quốc gia hiếm hoi trên thế giới không cần phải vay mượn quốc tế từ khi có khủng hoảng tới giờ", ông Jacques Morisset, Chuyên gia kinh tế trưởng, World Bank Việt Nam, nhận định.

"Không nhờ sự cải thiện không gian tài khóa trong 4 năm thì hiện nay chúng ta không có của để dành. Vì vậy, chúng ta phải thực hiện chính sách nghịch chu kỳ, chấp nhận tăng thâm hụt. Bởi nếu không tăng thâm hụt thì tăng trưởng giảm, tăng trưởng giảm thì quy mô nợ công trên GDP không những không giảm mà nó còn tăng", ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, chuyên gia kinh tế, chia sẻ.

Vậy từ những gói hỗ trợ đã thực hiện, Việt Nam rút ra được những bài học gì? Đặc biệt là khi sẽ còn những gói hỗ trợ lần 2 dự kiến sẽ tiếp tục được đưa ra.

Cơ chế thực hiện - Mấu chốt thành công của kinh tế nghịch chu kỳ

Xét về quy mô, nếu không tính đầu tư công thì gói hỗ trợ này đã là 4% GDP, còn gộp cả đầu tư công, hiện lên tới 15% GDP, tức khoảng 37 tỷ USD, theo số liệu từ ADB, con số này so với các quốc gia khác trong khu vực là không hề nhỏ, chỉ xếp sau Singapore.

Tuy nhiên, dù quy mô gói hỗ trợ quan trọng, nhưng quan trọng hơn thế là cơ chế thực hiện hỗ trợ. Đây là điểm nghẽn nhiều quốc gia đều mắc phải và Việt Nam cũng không là ngoại lệ.

Chính phủ đẩy mạnh chi tiêu để hỗ trợ nền kinh tế - Ảnh 2.

Giải ngân đầu tư công cần chú trọng cả các dự án nhỏ. (Ảnh minh họa: Báo Đầu tư)

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh nguồn lực không phải là vô hạn, chính sách hỗ trợ cần sự lựa chọn có trọng tâm, trọng điểm.

Liên quan tới giải ngân đầu tư công, nhiều ý kiến cho rằng, song song với các dự án lớn, phải mất ít nhất 6 tháng mới có thể giải ngân, cần chú trọng cả các dự án nhỏ để kịp thời đảm bảo sinh kế cho người dân; cùng với đó cần nâng cao trách nhiệm và vai trò người đứng đầu trong bối cảnh cấp bách.

Gói hỗ trợ tiếp theo hiện được đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp ý kiến và đề xuất, dự kiến sẽ có quy mô khoảng 90.000 tỷ đồng.

Kinh tế nghịch chu kỳ nói nhiều hơn tới chính sách tài khóa, nhưng rõ ràng chính sách tài khóa cũng vẫn phải đặt song hành trong bối cảnh chính sách tiền tệ, như gói hỗ trợ 300.000 tỷ đồng do NHNN đã và vẫn đang quyết liệt chỉ đạo. Nếu các chính sách tài khóa/tiền tệ được vận dụng linh hoạt, thì mục tiêu y tế và tăng trưởng trong giai đoạn phục hồi cũng sẽ sớm được thực hiện hơn.

Kích vay tiêu dùng để hỗ trợ nền kinh tế Kích vay tiêu dùng để hỗ trợ nền kinh tế

VTV.vn - NHNN vừa chỉ đạo các ngân hàng và công ty tài chính triển khai mạnh các gói tín dụng tiêu dùng với lãi suất hợp lý, thủ tục đơn giản và phù hợp với quy định của pháp luật.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước