Ngành bán lẻ truyền thống Mỹ rơi vào khủng hoảng

Trung tâm Tin tức VTV24-Thứ tư, ngày 17/05/2017 09:52 GMT+7

VTV.vn - Theo các chuyên gia, năm 2017 sẽ là năm chứng kiến sự sụp đổ của các hãng bán lẻ tại Mỹ, ở tốc độ nhanh hơn rất nhiều khi nguồn tiền mặt cạn kiệt.

Theo chuyên trang Business Insider, chỉ trong 4 tháng đầu năm nay, đã có 9 chuỗi cửa hàng bán lẻ phải xin phá sản tại Mỹ. Theo các chuyên gia, năm 2017 sẽ là năm chứng kiến sự sụp đổ của các hãng bán lẻ tại Mỹ, ở tốc độ nhanh hơn rất nhiều khi nguồn tiền mặt cạn kiệt.

Cuộc khủng hoảng hiện nay của ngành bán lẻ Mỹ được cho là manh nha từ cách đây gần 3 thập niên, thời điểm các nhà bán lẻ đua nhau mở các cửa hàng mới để đáp ứng nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng. Hệ quả là hiện Mỹ có tỷ lệ diện tích cửa hàng bán lẻ tính bình quân đầu người cao nhất thế giới.

Thường sự suy thoái kinh tế sâu có thể là cách giải thích hợp lý cho "sự tuyệt chủng" của các nhà bán lẻ lớn như Wet Seal hay J.C. Penney, Macy's phải đóng hàng trăm cửa hàng bán lẻ.

Thế nhưng GDP của Mỹ vẫn không ngừng tăng lên, trong khi giá gas giảm, tỷ lệ thất nghiệp hiện dưới 5%, lương trung bình tăng và thậm chí, lượng tiêu dùng hàng hóa bán lẻ về tổng thể vẫn tăng đều đặn. Vậy điều gì không ổn đang xảy ra?

"Giải thích đơn giản nhất cho sự sụp đổ của các chuỗi bán lẻ truyền thống chính là bởi các nhà bán lẻ trực tuyến như Amazon đã chiếm mất thị phần. Từ năm 2010 đến cuối năm 2016, doanh thu của Amazon ở Bắc Mỹ đã tăng gấp 5 lần từ 16 tỷ USD lên 80 tỷ USD", phóng viên Pau La Monica, kênh CNN Money cho biết.

Ngoài ra, sự hỗ trợ của các công nghệ đã khiến cho lĩnh vực thương mại điện tử dần nắm quyền và lấn át ngành công nghiệp bán lẻ trị giá hàng trăm tỷ USD này.

Nguyên nhân thứ 2 dẫn đến cơn khủng hoảng ngành bán lẻ Mỹ xuất phát từ sự thay đổi trong thói quen chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ. Cụ thể, những khoản chi tiêu cho thực phẩm, đồ uống, may mặc, đồ dùng sinh hoạt liên tục giảm, do giá thành của chúng ngày càng rẻ và đa dạng hơn. Trong khi, các mặt hàng dịch vụ, đặc biệt là chăm sóc sức khỏe lại tăng nhanh do đời sống vật chất đi lên.

Hơn nữa, khủng hoảng kinh tế năm 2008 vẫn còn ám ảnh trong tâm trí nhiều người, khiến khách hàng lựa chọn tiết kiệm thay vì mua những sản phẩm giá rẻ trong những đợt giảm giá hay mùa mua sắm trong khi họ có thể mua bất kỳ lúc nào.

Hệ quả là, riêng từ đầu năm đến nay đã có tới 3.300 cửa hàng bán lẻ của các chuỗi cửa hàng truyền thống phải đóng cửa. Dự báo, con số này sẽ có thể tăng lên mức kỷ lục 8.600 cửa hàng. Làn sóng này thực sự đã có tác động không nhỏ tới việc làm.

Theo số liệu của Bộ Lao động Mỹ, trong tháng 3, các nhà bán lẻ đã cắt giảm khoảng 30.000 nhân công. Dường như cơn bão đóng cửa hay phá sản của ngành bán lẻ Mỹ vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước