Nước Anh bối rối trước khi bước vào cuộc đàm phán về Brexit

Trung tâm Tin tức VTV24-Thứ hai, ngày 19/06/2017 10:56 GMT+7

Ảnh minh họa. (Ảnh: Reuters)

VTV.vn - Cộng đồng doanh nghiệp và nhiều nhà lập pháp muốn giữ lại mối quan hệ thân thiết với châu Âu, gây áp lực lên Thủ tướng Anh để thay đổi cách tiếp cận của bà đối với Brexit.

Ngày 24/6/2016: Người dân Anh quyết định rời Liên minh châu Âu (EU) - Thủ tướng Anh David Cameron từ chức.

Ngày 13/7/2016: Bà Theresa May đắc cử vị trí Thủ tướng Anh.

Ngày 29/3/2017: Anh chính thức khởi động Điều khoản 50 của Hiệp ước Lisbon.

Ngày 19/6/2017: Đàm phán Brexit chính thức bắt đầu.

Chỉ còn vài giờ đồng hồ nữa, các cuộc đàm phán "ly dị" chính thức giữa Vương Quốc Anh với Liên minh châu Âu (EU) sẽ bắt đầu. Điều mà giới tài chính toàn cầu quan tâm nhất lúc này chính là chiến lược Brexit của Thủ tướng Anh Theresa May, đặc biệt khi đảng Bảo Thủ của bà vừa thất bại trong cuộc bầu cử Quốc hội sớm hôm 8/6 vừa qua. Cộng đồng doanh nghiệp và nhiều nhà lập pháp muốn giữ lại mối quan hệ thân thiết với châu Âu, gây áp lực lên Thủ tướng Anh để thay đổi cách tiếp cận của bà đối với Brexit theo hướng mềm mỏng hơn.

Đáng chú ý, Airbus vừa lên tiếng đe dọa di chuyển hoạt động sản xuất mới ra khỏi nước Anh nếu hãng này phải đối mặt với các rào cản thương mại hoặc các ràng buộc mới về việc tuyển dụng người lao động từ EU ở Anh. Đứng trước khó khăn Brexit, nhiều ông lớn của ngành công nghiệp ô tô như Nissan, Ford, BMW, General Motors cũng phải cân nhắc việc sa thải hàng loạt nhân viên tại Anh nhằm đảm bảo lợi nhuận.

Mới đây nhất, Brussels đã nhất trí chuyển trụ sở của Cơ quan Ngân hàng châu Âu (EBA) và Cơ quan Y tế châu Âu (EMA) hiện nay tại thủ đô London của nước Anh, tới một thành phố khác trong EU.

Khi hậu quả của Brexit đang ngày càng trở nên rõ ràng hơn, một câu hỏi được giới phân tích đặt ra trong thời gian qua là thành phố nào tại châu Âu có thể thay thế vai trò trung tâm tài chính London? Một cuộc thi lựa chọn thành phố thích hợp nhất EU đã được tổ chức với rất nhiều cái tên sáng giá: Amsterdam - với giá trị văn hóa và sự phổ biến của ngôn ngữ tiếng Anh; Dublin - với khung thuế doanh nghiệp và ngôn ngữ tiếng Anh; Madrid - một thành phố tầm cỡ thế giới với sức hút mạnh mẽ về văn hóa; Frankfurt - thành phố dịch vụ tài chính của Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB); hay Paris - nhờ quy mô kinh tế và vị thế so với các thành phố khác trên thế giới.

Mỗi thành phố đều có sức hút và điểm mạnh riêng nhưng khó có thành phố nào có thể mô phỏng hoàn toàn những gì mà London đã đem lại trong suốt gần 3 thập kỷ qua.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước