Phát triển nguồn nhân lực đóng góp cho sự phát triển KT-XH các nền kinh tế APEC

Khánh Nguyễn-Thứ tư, ngày 22/02/2017 07:23 GMT+7

Đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực đóng góp cho sự phát triển Kinh tế - xã hội. Ảnh minh họa: Dân trí

VTV.vn - Hội nghị về phát triển nguồn nhân lực trong khu vực APEC do Bộ GD&ĐT và các đối tác thuộc mạng lưới giáo dục APEC EDNET phối hợp tổ chức diễn ra vào ngày 21 - 22/2/2017.

Trong khuôn khổ Hội nghị các quan chức cao cấp Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) lần thứ nhất (SOM1) và các cuộc họp liên quan được tổ chức tại Nha Trang, Khánh Hòa từ ngày 18/2 đến 3/3/2017, Bộ Giáo dục & Đào tạo và các đối tác thuộc mạng lưới giáo dục APEC EDNET phối hợp tổ chức Hội nghị về phát triển nguồn nhân lực trong khu vực APEC vào ngày 21/2 và 22//2/2017 để chia sẻ và thảo luận về nhiều vấn đề quan trọng trong việc phát triển nguồn nhân lực nhằm đóng góp cho sự phát triển kinh tế và xã hội các nền kinh tế APEC.

Các nền kinh tế APEC nhất trí quan điểm giáo dục và đào tạo là một trong những nhân tố quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế và xã hội của APEC và sẽ tập trung trao đổi về một số chủ đề như: Chiến lược giáo dục APEC; Tăng cường giáo dục xuyên biên giới; Nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông; Xem xét các khía cạnh công nhận văn bằng giáo dục trong khuôn khổ APEC; Kết nối các nền giáo dục đại học APEC nhằm hỗ trợ và chia sẻ công nghệ đào tạo giúp các quốc gia đang phát triển nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Phía Việt Nam có 2 bài trình bày của Học viện Quản lý giáo dục Việt Nam về chương trình đào tạo giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục trong khuôn khổ hợp tác với Quỹ Temasek, Singapore và báo cáo của Viện khoa học giáo dục Việt Nam về các định hướng ưu tiên của giáo dục Việt Nam giai đoạn hiện nay và các đề xuất về các hoạt động của Việt Nam trong mạng lưới giáo dục của các nền kinh tế APEC.

Phát triển nguồn nhân lực đóng góp cho sự phát triển KT-XH các nền kinh tế APEC - Ảnh 1.

Các đại biểu tham dự hội nghị về phát triển nguồn nhân lực trong khu vực APEC

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng nhấn mạnh: "Cũng như các nước thành viên khác trong APEC, Việt Nam luôn nhìn nhận giáo dục là nền tảng quan trọng để xây dựng và phát triển nguồn nhân lực, từ đó nuôi dưỡng, thúc đẩy các hoạt động sáng tạo và đổi mới. Công cuộc cải cách giáo dục của Việt Nam được bắt đầu tiến hành cách đây hơn một thập kỷ".

Từ lý luận đến thực tế, giáo dục đào tạo và phát triển nguồn nhân lực được các nền kinh tế APEC đánh giá là có tác động mạnh đến hoạt động kinh tế, an sinh xã hội và đổi mới và tăng trưởng ở từng nền kinh tế.

Giáo dục và đào tạo cung cấp các kỹ năng và kiến thức mà nguồn nhân lực chất lượng cao cần phải có để tăng năng suất lao động và cạnh tranh trong thị trường việc làm khu vực cũng như toàn cầu. Giáo dục và đào tạo cũng là một động lực quan trọng trong việc xây dựng xã hội lành mạnh và ổn định của các công dân có trách nhiệm và cam kết tăng cường sự phồn vinh và thịnh vượng. Tăng kết quả giáo dục, đặc biệt là đối với các nhóm thiệt thòi, đã được xác nhận là có đóng góp rất lớn cho sự ổn định xã hội và đặc biệt, tăng độ học vấn của phụ nữ và trẻ em gái, những tiến bộ về bình đẳng giới đã góp phần vào tăng trưởng GDP cho toàn bộ nền kinh tế một cách bền vững hơn.

Để tăng cường đầu tư phát triển nguồn nhân lực, APEC sẽ tiếp tục triển khai các bước hướng tới mục tiêu trao đổi 1 triệu sinh viên/năm vào năm 2020. Các bước này bao gồm cấp học bổng, cung cấp các khóa đào tạo, khuyến khích phát triển mạng lưới doanh nhân nữ, gia tăng đào tạo về dịch vụ tài chính, sử dụng Internet và mở rộng Hiệp định công nghệ thông tin cho phép người lao động có thể tiếp cận rộng rãi hơn với những sản phẩm hỗ trợ phát triển...

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước