Puerto Rico: Đảo nhỏ, nợ to

Hồng Hạnh (Trung tâm Tin tức VTV24)-Thứ ba, ngày 04/08/2015 22:44 GMT+7

VTV.vn - Câu chuyện Puerto Rico bị vỡ nợ kỹ thuật đang là điểm nóng trên báo chí quốc tế ngày hôm nay (4/8).

Khi Puerto Rico thông báo không thể trả nổi khoản nợ 72 tỷ USD, không ít người đặt ra câu hỏi tại sao một hòn đảo vùng Caribbe có thể tích lũy một số nợ khổng lồ như vậy.

Theo luật pháp Mỹ, nhà đầu tư các trái phiếu được phát hành bởi vùng lãnh hải như Puerto Rico được hưởng nhiều ưu đãi thuế. Chính vì vậy, những năm qua, các nhà đầu tư đã xếp hàng cho hòn đảo này vay tiền.

Theo thống kê, 3/4 số quỹ tương hỗ ở Mỹ là chủ nợ của Puerto Rico. Cùng với đó, khi vỡ nợ, chính người dân Puerto Rico là những đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất khi đã đầu tư của cải và lương hưu của mình vào trái phiếu địa phương.

Được xem là một Hy Lạp tại Mỹ, tuy nhiên các chuyên gia cho rằng, tình thế của Puerto Rico không bi đát như Hy Lạp. Dù có nợ nần chồng chất, người dân hòn đảo này vẫn được nhận trợ cấp xã hội, trợ cấp y tế từ Chính phủ Mỹ.

Viễn cảnh vỡ nợ và rời khỏi eurozone của Hy Lạp có thể đe dọa sự ổn định của đồng Euro và lan sang cả hệ thống tài chính toàn cầu. Tuy nhiên việc vỡ nợ của Puerto Rico không có được sức ảnh hưởng như vậy lên đồng USD cũng như chi tiêu của Chính phủ nước này.

Puerto Rico - Một nền kinh tế đầy mâu thuẫn

Tờ Thời báo New York cũng cho rằng, nếu so với Hy Lạp, chuyện vỡ nợ của Puerto Rico không thể nghiêm trọng bằng. Và khác với Hy Lạp u ám với câu chuyện thắt lưng buộc bụng, Puerto Rico luôn nằm trong danh sách những điểm đến hạnh phúc nhất thế giới, người dân nơi đây không hề dè xẻn khi mở hầu bao. Hòn đảo vừa vỡ nợ này là một nền kinh tế có nhiều mâu thuẫn.

Năm 2005, Puerto Rico được bình chọn là nơi người dân có cuộc sống hạnh phúc nhất thế giới. Hai năm sau, tuy mất danh hiệu này vào tay người Đan Mạch, thì nơi đây vẫn được khách du lịch quốc tế ưa thích.

Tuy nhiên, trong vài năm trở lại đây, lượng người di cư khỏi Puerto Rico đang ngày càng nhiều. Hiện nay số người Puerto Rico sống ở Mỹ còn nhiều hơn số người trên chính hòn đảo này, thành phần di cư nhiều nhất chính là những thanh niên, nguyên nhân không gì khác ngoài hai chữ “việc làm”.

Ông Jorge Duany, Giáo viên Đại học Quốc tế Florida cho rằng: “Lý do chủ yếu khiến thanh niên Puerto Rico phải rời khỏi đất nước là vì tỉ lệ thất nghiệp cao và thiếu các cơ hội làm ăn, phát triển kinh tế”.

Từ sau năm 1941, mỗi người Puerto Rico đều mặc nhiên được hưởng quyền công dân Hợp chúng quốc Hoa Kỳ khi sinh ra. Và hiện nay, tỉ lệ thất nghiệp ở hòn đảo Caribbe này đang gấp đôi mức trung bình ở Mỹ.

Sau năm 1996, Chính phủ Mỹ đã bãi bỏ chương trình ưu đãi thuế cho các doanh nghiệp Puerto Rico. Hậu quả là nhiều doanh nghiệp đã bỏ xứ và Puerto Rico mất đi một nguồn đầu tư lớn.

Trong khi đó, Chính phủ nước này vẫn giữ mức chi tiêu công cao, đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng. Người dân Puerto Rico ngay trong thời kỳ nợ nần cũng chưa bao giờ phải chịu cảnh thắt lưng buộc bụng.

Ông Carmelo Ruiz, Thượng nghị sĩ Đảng thiểu số Thượng viện Puerto Rico cho biết: “Chính phủ Puerto Rico vỡ nợ, nhưng người dân thì không. Nếu bạn đến các nhà hàng ăn, các khu nghỉ dưỡng và hiệu mua sắm xa hoa thì sẽ thấy người dân vẫn tiêu tiền như thường. Đối với người dân Puerto Rico, nợ công vẫn đang chỉ là vấn đề của Chính phủ”.

Mặc dù vậy, chắc chắn con số nợ 72 tỉ USD vẫn sẽ khiến Puerto Rico không thể tiếp cận được thị trường vốn quốc tế trong tương lai và chắc chắn sẽ khiến các công trình cơ sở hạ tầng và đầu tư công của hòn đảo này bị ngưng trệ.

Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước