Quả vải “ngồi” máy bay, lên sàn thương mại điện tử: Chủ động tiêu thụ không chờ giải cứu

Điệp Anh-Thứ bảy, ngày 12/06/2021 10:25 GMT+7

VTV.vn - Để thúc đẩy tiêu thụ trong nước, lần đầu tiên, quả vải được bố trí "ngồi" trên khoang hành khách đi TP Hồ Chí Minh và được phân phối trên các sàn thương mại điện tử.

Năm nay, người ta nói nhiều về những "lần đầu tiên" của trái vải. Vietnam Airlines lần đầu tiên bố trí riêng một máy bay thân rộng chỉ chở vải thiều đi TP Hồ Chí Minh.

Để tăng trọng tải, quả vải đã lần đầu tiên được cho "ngồi" trên ghế khoang hành khách, sau khi chất đầy khoang hàng hóa. Gần 100 tấn vải thiều đã được đưa đi tiêu thụ trong ngày 8/6 vừa qua. Hình ảnh này khiến không ít người thích thú.

"Đâu cứ phải xuất khẩu mới đi máy bay. Tiêu thụ nội địa cũng cần nâng cao chất lượng. Ủng hộ cách làm này", một tài khoản mạng xã hội bình luận.

Quả vải “ngồi” máy bay, lên sàn thương mại điện tử: Chủ động tiêu thụ không chờ giải cứu - Ảnh 1.

Vải thiều được đặt trong khoang hành khách của máy bay Boeing 787-9. (Ảnh: VNA)

"Vải quê tôi đã được đi máy bay. Hy vọng duy trì và tăng thu mua để bà con mở rộng trồng trọt. Chục năm trước, quê tôi giá vải xuống còn 1.000 đồng/kg. Nhà nào cũng chặt hết vải đi, trồng cây khác", một tài khoản khác chia sẻ.

Thời điểm này, vải thiều đang vào chính vụ, nếu những năm trước cũng là lúc bắt đầu vào mùa giải cứu, thì năm nay quả vải giữ được mức giá ổn định và được tiêu thụ thông suốt ở nhiều kênh.

Từ ngày đầu tháng 6, vải thiều Bắc Giang lần đầu tiên chính thức phân phối trên cả 6 sàn thương mại điện tử lớn tại Việt Nam, với giá ưu đãi và chuyển phát nhanh toàn quốc thông qua "Gian hàng Việt trực tuyến quốc gia".

Không chỉ vậy, các sàn sẽ trực tiếp hướng dẫn bà con nông dân thực hành cách livestream, tự đưa vải thiều lên Facebook, TikTok... để chốt đơn hàng loạt. Quả vải đã đi từ chợ truyền thống lên chợ online như vậy.

Quả vải “ngồi” máy bay, lên sàn thương mại điện tử: Chủ động tiêu thụ không chờ giải cứu - Ảnh 2.

Năm nay, người ta nói nhiều về những "lần đầu tiên" của trái vải. (Ảnh: VOV)

"Từ siêu thị với các sàn online, vải quê em được bán khắp nơi, được giá chứ không hề cần giải cứu", một tài khoản mạng bày tỏ.

"Không chỉ vải, các nông sản ngon như xoài cát Hòa Lộc, bơ, thanh long... nên phát triển online, bán trực tiếp cho người dân", một tài khoản khác nêu ý kiến.

"Nông sản Việt muốn tiêu thụ mạnh ở sàn thương mại điện tử thì nên có khung quy định tiêu chuẩn chất lượng rõ rệt. Chất lượng mẫu mã đồng đều thì người tiêu dùng cũng dễ mua sắm", một tài khoản khác cho hay..

Trong thời gian qua, các bộ ngành cũng đã luôn sát cánh, hỗ trợ các địa phương tiêu thụ nông sản. Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã gửi công văn tới 5 Bộ: Bộ Tài chính, Bộ Ngoại Giao, Bộ Công Thương, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công an, Bộ Y tế, đề nghị tạo mọi điều kiện thông thoáng nhất cho lưu thông nông sản.

Có thể thấy, từ các kênh offline đến online, từ khâu vận chuyển đến phân phối, từ người dân, doanh nghiệp đến các cơ quan chức năng đều đang đồng lòng đẩy mạnh lưu thông nông sản. Với sự quyết tâm này, hy vọng điệp khúc "được mùa mất giá" sẽ không lặp lại, nông sản được chủ động tiêu thụ, chứ không cần ngồi chờ "giải cứu".

Gần 100.000 tấn vải đã được tiêu thụ Gần 100.000 tấn vải đã được tiêu thụ

VTV.vn - Giá vải Bắc Giang và Hải Dương được bán với giá bình quân từ 12.000 đến 32.000 đồng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước