Sản xuất của Trung Quốc tiếp tục gặp khó

Thùy An-Thứ hai, ngày 31/07/2023 14:19 GMT+7

(Ảnh: Reuters)

VTV.vn - Do ảnh hưởng từ nhu cầu thấp của trong nước cũng như thế giới, giới chức Trung Quốc đã mô tả quá trình phục hồi của nền kinh tê nước này là "khúc khuỷu".

Theo Reuters, hoạt động sản xuất của Trung Quốc trong tháng 7/2023 đã giảm tháng thứ 4 liên tiếp. Trong khi đó, chỉ số nhà quản lý mua hàng (PMI) ở mức 49,3 – tăng nhẹ so với tháng 6 (49).

Đáng chú ý, chỉ số PMI phi sản xuất – đo lường các hoạt động ở cả lĩnh vực dịch vụ và xây dựng đã giảm xuống 51,5 từ mức 53,2 của tháng 6. Chỉ số phụ về xây dựng, một lĩnh vực sử dụng lao động lớn trong bối cảnh khủng hoảng thất nghiệp lan rộng, đã giảm từ mức cao 65,6 trong tháng 3 xuống 51,2 trong tháng này.

"Hoạt động xây dựng giảm mạnh là dấu hiệu đáng lo ngại về vòng xoáy "chết chóc" tiềm ẩn trong lĩnh vực bất động sản", Xu Tianchen, nhà kinh tế cấp cao tại Economist Intelligence Unit cho biết.

Reuters cho rằng những số liệu này càng củng cố những biện pháp kinh tế của Trung Quốc trong thời gian tới.

Trước đó nền kinh tế thế giới đã chứng kiến tốc độ tăng trưởng chậm trong quý II năm nay do nhu cầu trong nước cũng như thế giới suy giảm. Giới chức Trung Quốc đã mô tả quá trình phục hồi của nền kinh tê nước này là "khúc khuỷu".

Cụ thể, tốc độ tăng trưởng GDP quý II/2023 của nền kinh tế Trung Quốc chỉ tăng đạt 6,3% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn ba tháng trước đó, nhưng thấp hơn nhiều so với dự đoán tăng 7,1% mà giới phân tích đưa ra trong cuộc khảo sát của hãng tin AFP. So với quý I, kinh tế Trung Quốc tăng 0,8% trong quý II, giảm mạnh so với mức 2,2% ghi nhận trong quý I so với quý trước đó.

Ngoài ra, doanh số bán lẻ, thước đo hoạt động tiêu dùng quan trọng, đã tăng 3,1% trong tháng Sáu so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn nhiều so với mức tăng 12,7% trong tháng Năm, cho thấy tâm lý không ổn định của người tiêu dùng. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ Trung Quốc từ từ 20,8% trong tháng Năm lên mức cao kỷ lục 21,3% trong tháng Sáu.

Để đối phó trong thời gian tới, Trung Quốc sẽ thực hiện các điều chỉnh vĩ mô đối với nền kinh tế "một cách chính xác và mạnh mẽ" và tăng cường điều chỉnh ngược chu kỳ, khi chính phủ nước này kiên định với chính sách tiền tệ thận trọng và chính sách tài khóa chủ động.

Tuy nhiên nhiều phân tích cho rằng, một biện pháp kích thích mạnh mẽ từ giới chức Trung Quốc đang gặp rào cản lớn do lo ngại về rủi ro nợ ngày càng tăng.

"Trong tương lai, cần có sự hỗ trợ về chính sách để ngăn nền kinh tế Trung Quốc rơi vào suy thoái, nhất là khi những cơn gió ngược từ bên ngoài có vẻ sẽ kéo dài thêm một thời gian nữa", Julian Evans-Pritchard, người đứng đầu bộ phận kinh tế Trung Quốc tại Capital Economics viết trong một báo cáo.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước