Sẽ tạm dừng những mã số vùng trồng vi phạm quy định của nước nhập khẩu

Ban Thời sự-Thứ năm, ngày 27/07/2023 11:14 GMT+7

VTV.vn -Việc không đảm bảo yêu cầu kiểm dịch có thể dẫn đến việc bị Trung Quốc áp dụng các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt hơn, thậm chí tạm ngừng nhập khẩu nông sản.

Xuất khẩu rau quả tăng 68% so với cùng kỳ

Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản tháng 7 ước đạt hơn 4,6 tỷ USD, đưa tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản 7 tháng đầu năm nay đạt hơn 29 tỷ USD, giảm hơn 9% so với cùng kỳ năm 2022. Trong khi thuỷ sản và lâm sản vẫn tiếp tục giảm khá mạnh thì rau quả là lĩnh vực có bứt phá mạnh nhất.

Giá trị xuất khẩu rau quả tháng 7 ước đạt 550 triệu USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu rau quả 7 tháng đầu năm 2023 đạt hơn 3,2 tỷ USD, tăng hơn 68% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, xuất khẩu rau quả 7 tháng qua đã bằng cả năm 2022.

Ngành rau quả kỳ vọng xác lập kỷ lục mới Trung Quốc đứng vị trí thứ nhất về tiêu thụ hàng rau quả của Việt Nam với gần 66% thị phần, đạt giá trị hơn 1,7 tỷ USD.

Sẽ tạm dừng những mã số vùng trồng vi phạm quy định của nước nhập khẩu - Ảnh 1.

Sẽ có những giải pháp chấn chỉnh trở lại đối với các vùng sản xuất

Từ nay đến cuối năm là thời gian ngành rau quả tiếp tục duy trì đà tăng để có thể đạt mục tiêu 5 tỷ USD. sớm hơn 2 năm so với mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, gần đây, Việt Nam liên tiếp nhận được cảnh báo của Tổng cục Hải quan Trung Quốc về vi phạm yêu cầu kiểm dịch thực vật của các lô hàng chuối, mít, xoài, nhãn, thanh long và sầu riêng… đã đặt ra nhiều lo ngại. Khẩn trương có ngay biện pháp chẩn chỉnh, thậm chí tạm dừng những mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói vi phạm sẽ là vấn đề đặt ra cho các địa phương.

Trong văn bản cảnh báo của Trung Quốc được gửi đến Cục Bảo vệ thực vật, phía Trung Quốc đã chỉ rõ tên lô hàng, tên doanh nghiệp và vi sinh vật gây hại. Vì thế, trên cơ sở thực hiện ngay việc truy suất nguồn gốc để tìm nguyên nhân, Cục Bảo vệ thực vật sẽ có những giải pháp chấn chỉnh trở lại đối với các vùng sản xuất.

Ông Huỳnh Tấn Đạt - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết: "Các lô hàng đang bị Trung Quốc cảnh báo chúng tôi sẽ tiến hành kiểm tra chặt tại cửa khẩu, nếu phát hiện vi phạm liên tiếp thì sẽ tạm dừng".

Sẽ tạm dừng những mã số vùng trồng vi phạm quy định của nước nhập khẩu - Ảnh 2.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng vừa có Công văn số 4835 đề nghị các tỉnh tập trung bố trí đủ nguồn lực để thực hiện công tác kiểm tra, giám sát. Đặc biệt lưu ý các cơ sở đóng gói phải thực hiện đầy đủ các biện pháp kỹ thuật để làm sạch sinh vật gây hại trên hàng hóa trước khi xuất khẩu.

"Khâu yếu nhất hiện nay là kiểm tra giám sát mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói. Đây là khâu cần chấn chỉnh thời gian tới. Ngoài ra, cần nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp khi thu mua hàng hóa và tổ chức đóng gói. Hàng ngày, chúng tôi đã yêu cầu hệ thống kiểm dịch thực vật tại các cửa khẩu khi kiểm tra phát hiện các lô hàng không đáp ứng được các yêu cầu kiểm dịch của Trung Quốc lập tức không cho phép xuất khẩu và yêu cầu quay trở lại", ông Hoàng Trung - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết.

Nếu không có giải pháp và sớm báo cáo kết quả kiểm tra với Trung Quốc thì nông sản Việt sẽ đối diện với nguy cơ bị kiểm soát chặt hơn và thậm chí mất thị trường. Việc làm nghiêm các quy định, không để sai sót sẽ là cơ sở để có thể mở cửa cho những nông sản khác.

Dự kiến tháng 8, Tổng cục Hải quan Trung Quốc sẽ có đợt kiểm tra đánh giá nguy cơ dịch hại đối với trái dừa để có căn cứ cho phép xuất khẩu chính ngạch.

Cần đa dạng thị trường cho trái cây

Sầu riêng, xoài, thanh long, chuối là những sản phẩm đóng góp kim ngạch lớn nhất. Trong đó, sầu riêng vươn lên dẫn đầu các nhóm hàng trái cây với kim ngạch có thể đạt 1 tỷ USD năm nay. Tuy nhiên, tỉ lệ sản lượng sầu riêng đạt chuẩn được xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc còn hạn chế, nên giá cả luôn bấp bênh, tiềm ẩn rủi ro thừa hàng dội chợ. Vì thế đa dạng thị trường là vấn đề đặt ra hiện nay cho các sản phẩm trái cây nói chung, trong đó có sầu riêng

Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, 6 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng ước đạt 850 triệu USD, chủ yếu thị trường Trung Quốc chiếm đến 95% sản lượng. Dự báo năm nay, thị trường này có thể nhập hơn 1 triệu tấn.

Sẽ tạm dừng những mã số vùng trồng vi phạm quy định của nước nhập khẩu - Ảnh 3.

Với cộng đồng người Việt ở nước ngoài có trên 5,3 triệu người, trong đó tại Mỹ hơn 2 triệu người sẽ là thị trường tiềm năng của sầu riêng Việt Nam trong tương lai. Hiện tại, các doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng sang Mỹ còn chủ động liên kết với nhà vườn thực hiện qui trình canh tác sạch.

Hiện tại, tỉnh Tiền Giang cũng xây dựng và triển khai Đề án phát triển cây sầu riêng đến năm 2025 và dự án xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ sầu riêng. Mục tiêu trọng tâm là nâng cao chất lượng trái sầu riêng thương phẩm, hướng gia tăng sản lượng xuất khẩu chính ngạch. Địa phương cũng khuyến khích doanh nghiệp tăng cường đầu tư chế biến, đa dạng thêm nhiều mặt hàng sầu riêng phục vụ xuất khẩu.

Với lợi thế từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Việt Nam được xóa bỏ đến 94% các dòng thuế cho rau quả, thay cho thuế suất trước đây là 10 - 20%. Do đó, bên cạnh thị trường Trung Quốc, Việt Nam cần đẩy mạnh xuất khẩu trái cây sang thị trường châu Âu với nhiều cơ hội rộng mở. Hiện Việt Nam mới chỉ đứng thứ 50 trong số các thị trường cung cấp rau quả cho EU.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước