Thực thi chứng nhận xuất xứ khi hội nhập

Ban Thời sự-Thứ bảy, ngày 23/12/2017 20:24 GMT+7

VTV.vn - Khi Việt Nam tham gia vào quá trình hội nhập, có rất nhiều các quy tắc xuất xứ đặt ra cho từng ngành hàng cụ thể.

Nóng trong thời gian gần đây là câu chuyện EC rút thẻ vàng cảnh báo đối với thủy sản Việt Nam. EC phản đối đánh bắt thủy hải sản trái phép không rõ nguồn gốc và nếu không có biện pháp ngăn chặn, người tiêu dùng EU sẽ quay đầu với các sản phẩm này, bất chấp tỷ lệ hải sản đánh bắt của Việt Nam xuất sang EU hiện nay rất thấp, chỉ chiếm có 5,1%. Đây là ví dụ điển hình về việc cần thiết tuân thủ các quy tắc xuất xứ khi hội nhập kinh tế quốc tế.

Không chỉ trong lĩnh vực thủy hải sản, khi Việt Nam tham gia vào quá trình hội nhập, có rất nhiều các quy tắc xuất xứ đặt ra cho từng ngành hàng cụ thể như ngành gỗ, rau củ quả, ô tô, dệt may và nhiều ngành khác nữa. Thống kê đến nay cho thấy, số hiệp định thương mại tự do Việt Nam tham gia đã lên đến 16, trong đó 12 đã ký, 1 cơ bản kết thúc đàm phán và 3 đang đàm phán. Mỗi một hiệp định bao gồm một bộ quy tắc khác nhau mà nếu không nắm được và thực thi đầy đủ, doanh nghiệp Việt sẽ chậm chân hơn trong việc triển khai các ưu đãi mà khó khăn lắm đoàn đàm phán các FTA mới đạt được.

Việt Nam và EU đã ký tắt hiệp định FLEGT VPA. Điều này có nghĩa rằng chỉ có gỗ và sản phẩm gỗ có nguồn gốc hợp pháp mới được xuất khẩu vào thị trường EU. Cũng theo yêu cầu của hiệp định, Việt Nam phải xây dựng hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp như cách định nghĩa, cơ chế kiểm soát chuỗi cung ứng, hệ thống đánh giá độc lập.

Trong khi đó, quy tắc "từ sợi trở đi" trong TPP đàm phán trước đây yêu cầu các công đoạn sản xuất hàng dệt may từ sợi trở đi, bao gồm: kéo sợi, dệt vải, nhuộm, hoàn tất và may quần áo phải được thực hiện trong nội khối. Doanh nghiệp Việt Nam từ trước tới nay phụ thuộc nhập khẩu nguyên liệu từ Trung Quốc, nên để đáp ứng quy tắc trên là không hề dễ dàng.

Quy tắc xuất xứ đối với hàng nông nghiệp trong Hiệp định thương mại tự do Việt Nam EU chặt hơn so với các FTA khác như gạo, mật ong, rau củ quả muốn xuất khẩu phải có xuất xứ thuần túy, có nghĩa là sản phẩm đó phải được gieo và trồng tại nước xuất khẩu.

Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN có hiệu lực năm sau. Theo đó, nếu doanh nghiệp nội khối không chứng minh được mình có thể tự sản xuất được 40% linh phụ kiện của một chiếc xe thì khi xuất khẩu sang nước bạn, sẽ khó được hưởng ưu đãi thuế 0%.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước