Tìm giải pháp gỡ khó cho nhà ở xã hội

VTV Digital-Thứ bảy, ngày 05/08/2023 11:17 GMT+7

VTV.vn - Một trong những giải pháp quan trọng nhằm gỡ khó thị trường bất động sản là tăng cung nhà ở xã hội, đưa nhà ở xã hội đến với đúng người, đúng đối tượng.

Cuối tuần qua, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì Hội nghị trực tuyến đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 33 và đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản. Đây là lần thứ 2, tính từ đầu năm tới nay, một hội nghị lớn bàn về các giải pháp gỡ khó cho thị trường bất động sản, được tổ chức một cách quy mô, toàn diện, với sự tham gia các bộ, ngành liên quan, các doanh nghiệp, hiệp hội và chuyên gia.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh thông điệp quan trọng. Đó là tiếp tục chung tay tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy bất động sản và thị trường bất động sản phát triển ổn định, an toàn, lành mạnh, hiệu quả và bền vững. Việc triển khai Nghị quyết 33 đã có hiệu quả nhất định khi được xây dựng với các giải pháp đồng bộ, toàn diện, hướng tới mục tiêu tháo gỡ trên cả 3 phương diện, gồm pháp lý, tín dụng và cung cầu bất động sản, nhất là về nhà ở xã hội.

Tuần qua trên thị trường, câu chuyện nhà ở xã hội cũng có nhiều diễn biến thu hút sự chú ý.

Mua nhà ở xã hội sai đối tượng

Trong số 149 người trúng bốc thăm suất mua nhà ở xã hội NHS Trung Văn tại quận Nam Từ Liêm, sau khi rà soát, đối chiếu, Sở Xây dựng Hà Nội và chủ đầu tư đã phát hiện 7 trường hợp có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại các vị trí khác, thậm chí 1 cá nhân còn có 300m2 đất. Các trường hợp này đã bị hủy quyền mua căn hộ. Sau khi thông tin đăng tải, nhiều người dân rất quan tâm việc tìm kiếm người mua mới cho 7 căn hộ tại đây bởi giá 1 căn hộ chỉ hơn 1 tỷ đồng, phù hợp với đại đa số nhu cầu của người dân. Đại diện chủ đầu tư cho biết, hiện tại, họ đang xin ý kiến Sở Xây dựng Hà Nội về việc xử lý vấn đề này. Theo chia sẻ, nếu tiến hành bốc thăm lại, với hàng nghìn hồ sơ đăng ký, sẽ gây khó khăn cho chủ đầu tư trong việc tổ chức, gây lãng phí thời gian và chi phí. Từ vụ việc này, đại diện Sở Xây dựng cho biết, hiện nay các thông tin đã được số hóa nên các trường hợp gian dối về nhà ở, về thu nhập cá nhân sẽ bị loại bỏ.

Ông Bùi Tiến Thành, Trưởng phòng Phát triển đô thị, Sở Xây dựng TP Hà Nội, cho biết: "Chủ đầu tư sẽ lập một danh sách dự kiến ký hợp đồng, sau đó gửi cho quận huyện, Sở Tài nguyên Môi trường rà lại quyền sử dụng đất, cục Thuế liên quan tới thu nhập. Nếu phát hiện đã có nhà ở, đất ở sẽ thanh lý hợp đồng, sẽ tổ chức xét duyệt, bốc thăm lại".

Tìm giải pháp gỡ khó cho nhà ở xã hội - Ảnh 1.

Hình minh họa

Cảnh báo mạo danh bán nhà ở xã hội

Lợi dụng nhu cầu rất lớn của người dân, nhiều môi giới, trang thông tin bất động sản đang tiếp tục tìm kiếm những dự án nhà ở xã hội có vị trí đẹp, tiềm năng, để đăng tải, rao bán suất mua. Có suất ngoại giao, hỗ trợ pháp lý… cái giá mà người có nhu cầu phải trả là từ vài chục triệu tới hàng trăm triệu đồng.

Đại diện chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội Udic Eco Tower, thuộc dự án khu đô thị mới Hạ Đình cho biết, doanh nghiệp vẫn đang trong quá trình thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng dự án theo quy định của pháp luật. Dự án chưa đầy đủ hồ sơ pháp lý để huy động vốn và bán ra ngoài cho người dân có nhu cầu. Tuy nhiên, thời gian qua, tổng công ty nhận được rất nhiều thông tin hỏi han về việc đặt suất mua.

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị UDIC, cho biết: "Mọi hành vi của các tổ chức, cá nhân mà đang mượn danh tổng công ty đặt cọc, giữ chỗ, bằng các hợp đồng tư vấn pháp lý, nhằm chiếm dụng tài sản của người dân là không đúng và đang vi phạm pháp luật. Tổng công ty kiến nghị UBND TP Hà Nội, công an an ninh mạng có các biện pháp ngăn chặn, có chế tài xử lý thật nghiêm đối với các hành vi này".

Hiện tượng giới thiệu, quảng cáo tư vấn, hỗ trợ suất mua nhà ở xã hội cũng đang diễn ra phổ biến tại một số dự án nhà ở xã hội tiềm năng, đang làm thủ tục pháp lý khác như Green Tower Đại Mỗ, Rice City Long Biên… Hiện nay, để mua được 1 căn hộ nhà ở xã hội, người dân phải nộp hồ sơ, chứng minh đúng đối tượng thu nhập thấp. Nếu số lượng hồ sơ đăng ký vượt quá số căn hộ bán, chủ đầu tư sẽ tiến hành bốc thăm.

Rủi ro khi mua nhà ở xã hội qua trung gian

Tại dự án nóng nhất từ đầu năm tới nay, NHS Trung Văn, nhiều người đã ngậm đắng khi mất tiền cho môi giới, với những lời hứa hẹn đường mật, nhưng vẫn bốc thăm trượt suất mua.

Theo đại diện chủ đầu tư, ngay trước khi tiến hành bốc thăm công khai, chủ đầu tư đã đưa ra các cảnh báo tới người mua. Những trường hợp vẫn cố tình làm việc qua môi giới, thì phải tự chịu trách nhiệm. Người mua cần tỉnh táo và tìm đến các kênh chính thống như trang tin chính thức của chủ đầu tư, của Sở Xây dựng để có thông tin chính xác, đảm bảo an toàn.

Bà Nguyễn Hoa Hồng Nhung, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư Xây dựng NHS, cho biết: "Trong suốt quá trình mở bán chúng tôi đã có thông tin cảnh báo không làm với bất cứ sàn nào, khi khách hàng bốc thăm trúng quyền mua thì cũng ký cam kết với công ty là không qua sàn nào, trong cam kết xác định rõ loại bỏ trách nhiệm của NHS đối với việc đó, thực tế chúng tôi cũng làm rất công khai minh bạch".

Theo các chuyên gia, cung vượt quá cầu chính là nguyên nhân dẫn tới hiện tượng nhiễu loạn thông tin, mạo danh chủ đầu tư để rao bán suất mua.

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, nói: "Họ bán suất mua, có khoản tiền để được quyền mua. Đó là vi phạm quy định của pháp luật, lợi dụng để hưởng lợi. Giá họ thấp hơn nhiều nhà ở thương mại, nhu cầu nhà ở rất lớn, giá bất động sản lại quá cao, chênh lệch thu nhập... dẫn đến câu chuyện có sự lợi dụng".

Tìm giải pháp gỡ khó cho nhà ở xã hội - Ảnh 2.

Hình minh họa

Các địa phương đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội

Những hiện tượng tiêu cực trong mua bán nhà xã hội sẽ sớm chấm dứt khi nguồn cung sẽ tăng mạnh trong thời gian tới đáp ứng nhu cầu của người dân trên khắp cả nước bởi từ đầu tháng 4 năm nay, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030".

Theo đánh giá từ các chuyên gia, đây là lần đầu tiên Chính phủ đưa ra một chính sách phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân bài bản, với mục tiêu rõ ràng và giải quyết hàng loạt nút thắt lâu nay.

Cụ thể, Chính phủ yêu cầu các địa phương phải xác định rõ diện tích đất dành cho phát triển nhà ở xã hội; coi phát triển nhà ở xã hội là một chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, hằng năm của địa phương. Sau gần 4 tháng đề án được đưa ra, một số địa phương đã có kết quả bước đầu, với số lượng dự án tăng thêm, giúp người thu nhập thấp có thể "an cư lạc nghiệp".

Ông Nguyễn Tự Công Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cho biết: "Một khi chúng ta giải quyết tốt nhà ở cho người dân và công nhân, người dân sẽ an tâm lao động sản xuất, phục vụ cho phát triển kinh tế của tỉnh nhà".

Tại Bắc Giang, nơi đang tập trung mạnh các nhà máy, các khu công nghiệp, tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ xây dựng và hoàn thành 14 dự án nhà ở xã hội.

Ông Vương Tuấn Nghĩa, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bắc Giang, nói: "Chúng tôi thành lập 1 tổ hỗ trợ cho nhà ở xã hội. Chúng tôi quan niệm gói hỗ trợ quan trọng nhất là gói thủ tục hành chính. Vì thế, chúng tôi quy định rõ ràng thủ tục, để nhà đầu tư thấy việc thủ tục rành mạch, rõ ràng, nhanh chóng".

Tại Quảng Ninh, dự án nhà ở xã hội đầu tiên đang được triển khai tại Khu dân cư đồi Ngân hàng. Bên cạnh đó, 1 dự án khu nhà ở công nhân và chuyên gia cũng đang dần hoàn hiện, với giá bán chỉ từ 7,1 triệu đồng/m2.

Còn tại Hà Nội, nhà ở xã hội đã trở thành niềm mong mỏi của rất nhiều hộ gia đình. Với giá bán dưới 20 triệu đồng/m2, chỉ bằng ½, thậm chí là 1/3 so với giá bán chung cư trung bình trên thị trường.

Vào tháng 5 vừa qua, hàng nghìn người đã xếp hàng bốc thăm để giành 1 suất mua tại dự án NHS Trung Văn, quận Nam Từ Liêm. Ngoài ra, thành phố Hà Nội đã đưa ra danh sách 13 dự án nhà ở xã hội dự kiến khởi công và mở bán trong năm nay. Hầu như dự án nào khi có thông tin sắp mở bán, đều trở thành tâm điểm của thị trường thời điểm đó.

Gỡ khó cho nhà ở xã hội

Ngoài các ưu đãi về thuế, tiền sử dụng đất, hiện nay Ngân hàng Nhà nước đang triển khai gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng với lãi suất thấp hơn 1,5 - 2% lãi suất cho vay trung và dài hạn trên thị trường, để cho vay phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Bộ Xây dựng cho biết đã có 23 dự án nhà ở xã hội có nhu cầu vay vốn. Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, một số dự án đang được ‘rục rịch’ giải ngân.

Đến nay, Ngân hàng BIDV đã ký hợp đồng tín dụng tài trợ 1 dự án nhà ở xã hội tại tỉnh Phú Thọ với số tiền cấp tín dụng khoảng 95 tỷ đồng. Còn đại diện Ngân hàng Agribank cho biết, đã cam kết cho vay với 1 dự án và đang tiếp cận gần 10 dự án khác.

Bà Phùng Thị Bình, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Agribank, chia sẻ: "Đến nay chúng tôi đã ký hợp đồng tín dụng với 1 dự án ở Quảng Ninh, với giá trị hợp đồng là 950 tỷ đồng, đầu tháng 8 này tiếp tục giải ngân và chúng tôi cũng đang tiếp cận với 1 số dự án khác".

Để tăng số lượng dự án được tiếp cận với với gói tín dụng, các địa phương cũng đưa ra kiến nghị cần loại bỏ bớt các điều kiện khắt khe.

Ông Vương Tuấn Nghĩa, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bắc Giang, nói: "Nên thay đổi điều kiện đỡ khắt khe hơn, nhất là giải phóng mặt bằng. Đối với các dự án nhà ở xã hội mà đòi hỏi phải giải phóng mặt bằng 100% là rất khó, thời gian giải phóng mặt bằng rất dài. Thứ 2 là Ngân hàng Nhà nước có thể xem xét lãi cho vay thấp hơn được không?".

Chia sẻ từ các doanh nghiệp cho thấy, lợi nhuận của chủ đầu tư khi làm nhà ở xã hội chỉ được khống chế tối đa ở mức 10%. Nếu dự án chỉ chậm tiến độ 1 năm thôi là coi như không có lợi nhuận. Bởi vậy, doanh nghiệp rất mong muốn được gỡ nút thắt pháp lý, đẩy nhanh thủ tục đầu tư.

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị UDIC, cho biết: "Một số khu đất do Tổng công ty đang quản lý, nếu phù hợp với quy hoạch thì xin chuyển đổi. Mặc khác, các dự án nhà ở xã hội mang tính chất an sinh, thì mong được Nhà nước giao trực tiếp triển khai, ko phải thông qua đấu thầu".

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, một số điều kiện cho người dân mua nhà xã hội đã không còn phù hợp bởi giá nhà xã hội đã tăng gần gấp đôi sau 5 năm, song cách xác định thu nhập thấp - điều kiện quan trọng để được mua nhà - vẫn như 8 năm trước. Cụ thể, điều kiện để là "người thu nhập thấp" ở các thành phố lớn là thu nhập thuộc diện không phải nộp thuế thu nhập cá nhân, tức không quá 11 triệu đồng một tháng. Trong khi nhiều gia đình vượt mức này. Ví dụ khoảng 15-20 triệu đồng/tháng cho cả gia đình thì mới đủ khả năng trả lãi vay ngân hàng và đảm bảo sinh hoạt trong cuộc sống. Nếu được thay đổi, sẽ tạo điều kiện cho nhiều người mua được nhà ở xã hội hơn và tránh tình trạng tiêu cực chạy vạy "làm đẹp" hồ sơ để đủ điều kiện mua nhà.

Theo thông tin từ Bộ Xây dựng, hiện chúng ta đã có 41 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị đã hoàn thành từ 2021-2025, 294 dự án đang tiếp tục được triển khai tại các địa phương.

Tại Hội nghị trực tuyến đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 33, Thủ tướng yêu cầu khẩn trương, tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ đã được giao cụ thể tại Quyết định số 338 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030" và Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng cho các dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư. Có thể thấy Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp" được Thủ tướng Chính phê duyệt, với các giải pháp cụ thể cho các địa phương, các ngân hàng đang giúp cơ hội tiếp cận nhà giá hợp lý của người dân tăng lên.

Nhiều chuyên gia nhận định: ngoài giải quyết nhu cầu nhà ở đang rất bức thiết của người dân, sức nóng của nhà ở xã hội cũng sẽ lan tỏa tới các phân khúc bất động sản khác, giúp thị trường bất động sản lấy lại sự sôi động.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước