Hành trình của những kế hoạch tái thiết tại Syria

Anh Phương (PV THVN thường trú tại Trung Đông)-Thứ ba, ngày 09/01/2018 11:18 GMT+7

Cuộc nội chiến để lại tổn thất nặng nề cho Syria. Ảnh minh họa: Reuters

VTV.vn - Gần 7 năm nội chiến đã khiến nền kinh tế nước này kiệt quệ. Tổn thất vô cùng to lớn. Ước tính để tái thiết, Syria phải tiêu tốn 250-500 tỷ USD, thậm chí tới 900 tỷ USD.

Năm 2017 đã đánh dấu những bước ngoặt lớn trên chiến trường tại Syria. Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) bị đánh bật khỏi phần lớn lãnh thổ lực lượng này từng chiếm được; quân đội chính phủ nay chiếm lại được thế thượng phong. Đó là lý do mà những ngày đầu năm 2018 báo chí Trung Đông tập trung đề cập tới một hành trình mới của cuộc xung đột tại Syria.

Chưa rõ Syria và cộng đồng quốc tế có thể lo liệu khoản tiền hàng trăm tỷ USD cho công cuộc tái thiết đất nước này như thế nào, tuy nhiên, một thực tế không ai có thể phủ nhận là đằng sau mỗi cuộc chiến luôn là cơ hội cho các nhà đầu tư.

Nhanh nhẹn hàng đầu phải kể đến các nhà đầu tư Trung Quốc, trong khi Nga và Iran là hai nhân tố chủ chốt hỗ trợ lực lượng của Tổng thống Bashar al-Assad giành được những ưu thế trên chiến trường đều đang gặp khó khăn về tài chính bởi những biện pháp trừng phạt của Mỹ và phương Tây.

Trung Quốc trong bối cảnh đó đã cam kết viện trợ cho Syria 2 tỷ USD để tái thiết đất nước. Sở dĩ như vậy bởi theo Daily Star, của Lebanon, Trung Quốc đang coi Syria là một điểm tựa mới để nước này lan tỏa tầm ảnh hưởng ra khu vực Trung Đông và Bắc Phi, là một điểm chốt trong kế hoạch đầy tham vọng "Một vành đai, một con đường".

Cuộc nội chiến Syria lẽ dĩ nhiên chưa thể kết thúc nhưng với các nhà đầu tư, thời điểm này không còn sớm để triển khai những kế hoạch tái thiết bởi một yếu tố quan trọng nhất có vẻ như đã được xác định. Đó là chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad sẽ nắm tiếng nói quyết định trong phần lớn các dự án đầu tư của Syria thời hậu chiến.

Thủ tướng Syria đã đưa ra một tuyên bố đầy ngụ ý thể hiện vị thế của mình: "Ưu tiên đầu tư tại Syria sẽ được trao cho các doanh nhân đến từ các quốc gia thân thiện và anh em đã đứng bên Syria trong cuộc chiến chống khủng bố".

Ai Cập, quốc gia Arab vốn là đồng minh của Mỹ nhưng nay cũng cho thấy mong muốn tận dụng hết các cơ hội từ mối quan hệ với chính quyền al-Assad. Giới chức Ai Cập cho biết nước này đã có nhiều cuộc bàn thảo với chính phủ Syria thời gian qua với kỳ vọng có thể nhận được 20-25% "miếng bánh" tái thiết tại Syria, mang lại hàng nghìn việc làm cho Ai Cập.

Trong lúc này, Mỹ cùng với lực lượng được Washington hậu thuẫn dự kiến cũng sẽ thực hiện quá trình tái thiết tại những vùng lãnh thổ mà mình đang kiểm soát. Một cuộc cạnh tranh tầm ảnh hưởng tại Syria vì thế được dự kiến sẽ được tiến hành trên cả mặt trận quân sự và kinh tế, xã hội trong năm 2018.

Pháp kêu gọi phương Tây đóng góp giải quyết vấn đề Syria Pháp kêu gọi phương Tây đóng góp giải quyết vấn đề Syria Mỹ sẽ tăng cường sự hiện diện dân sự tại Syria Mỹ sẽ tăng cường sự hiện diện dân sự tại Syria Đại hội đối thoại dân tộc: Bước ngoặt cho quá trình tái thiết tại Syria? Đại hội đối thoại dân tộc: Bước ngoặt cho quá trình tái thiết tại Syria?

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước