Ủy ban châu Âu đề xuất cải cách mạnh mẽ công nghiệp quốc phòng

Thế giới hôm nay-Thứ năm, ngày 04/05/2023 06:00 GMT+7

VTV.vn - Trong cuộc họp báo trưa 3/5 tại Ủy ban châu Âu, Cao ủy châu Âu về Thị trường nội địa đã công bố kế hoạch huy động ngân sách EU để đẩy mạnh sản xuất tên lửa và đạn dược.

Mô hình mà Ủy ban châu Âu mong muốn áp dụng cho công nghiệp quốc phòng có nhiều điểm giống với kinh tế kế hoạch hóa do Nhà nước điều tiết.

Ủy ban châu Âu muốn thúc đẩy công nghiệp quốc phòng vận hành như trong bối cảnh thời chiến. Song song với việc để thị trường vũ khí tự do cạnh tranh, Ủy ban châu Âu dự kiến áp dụng mô hình, ngân sách nhà nước cấp vốn rồi bao tiêu sản phẩm, với những mục tiêu sản lượng cụ thể.

Nhu cầu khí tài quân sự tại châu Âu đã ở mức rất thấp trong suốt hơn ba thập kỷ qua, nay là lúc cần phải khôi phục nhiều mảng của công nghiệp quốc phòng, mà cấp bách nhất là tăng sản lượng đạn pháo và tên lửa hạng nhẹ.

Ủy ban châu Âu đề xuất cải cách mạnh mẽ công nghiệp quốc phòng - Ảnh 1.

Ủy ban châu Âu cho rằng, công quỹ cần đóng góp khoảng 500 triệu euro nhằm hỗ trợ các tổ hợp công nghiệp - quân sự tư nhân tăng năng lực sản xuất.

Một biện pháp nữa là khuyến khích các nước mua chung vũ khí, vừa để có vị thế tốt hơn trong đàm phán hợp đồng, vừa là đảm bảo đầu ra chắc chắn cho sản phẩm, tạo động lực cho các tổ hợp công nghiệp - quân sự châu Âu. Kế hoạch này cũng theo hướng mà Liên minh châu Âu theo đuổi từ nhiều năm nay là tự chủ về quốc phòng.

Vì sao Ủy ban châu Âu lại phải đề xuất một cải cách mạnh mẽ tới như vậy đối với công nghiệp quốc phòng?

Cuộc chiến tại Ukraine đã làm cho các nước châu Âu bất ngờ bừng tỉnh về nhu cầu vũ khí, trước tiên là nhu cầu phòng thủ tên lửa. Trong hàng chục năm qua, NATO và Mỹ đã phải thúc giục các nước châu Âu tăng ngân sách quốc phòng lên ít nhất 2% tổng sản phẩm nội địa. Chỉ trong vòng chưa tới một năm kể từ sau khi chiến sự Ukraine bùng phát, nhiều nước châu Âu đã vượt quá tỷ lệ 2% này.

Ủy ban châu Âu đề xuất cải cách mạnh mẽ công nghiệp quốc phòng - Ảnh 2.

Ngân sách quốc phòng của Ba Lan nay đã tương đương 4% tổng sản phẩm nội địa. Tăng chi tiêu quân sự mạnh mẽ nhất trong năm ngoái tại châu Âu còn phải kể tới ba nước Baltique có biên giới với Nga. Còn về quy mô ngân sách, các nước lớn như Anh, Pháp, Đức, Italy… từ đầu năm ngoái đã tăng mạnh ngân sách quốc phòng nhằm hỗ trợ Ukraine.

Chạy đua tăng chi tiêu quân sự toàn cầu

Thực tế là không chỉ các quốc gia châu Âu, mà các số liệu về chi tiêu quân sự thế giới đang cho chúng ta thấy cuộc cạnh tranh quân sự giữa nhiều quốc gia.

Mỹ, Trung Quốc và Nga là những quốc gia dẫn đầu, với tổng mức chi tiêu quân sự chiếm 56% toàn cầu. Theo dữ liệu của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, trong năm 2022, châu Âu là lục địa ghi nhận mức tăng chi tiêu quân sự lớn nhất (13%), tương đương 345 tỷ USD. Đó là một bước nhảy vọt chưa từng được ghi nhận ở châu Âu về đầu tư quân sự trong 30 năm qua và là lần đầu tiên vượt quá mức đã chi vào năm 1989, thời điểm Chiến tranh Lạnh kết thúc. Nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ cuộc xung đột tại Ukraine.

Ủy ban châu Âu đề xuất cải cách mạnh mẽ công nghiệp quốc phòng - Ảnh 3.

Các nước châu Âu sẽ lấy tiền ở đâu để tài trợ cho công nghiệp quốc phòng trong giai đoạn tới?

Số tiền công quỹ mà ông Thierry Breton nêu lên 500 triệu euro không thể đủ. Ngoài ngân sách trực tiếp của các nước, Ủy ban châu Âu dự kiến kết nối nhu cầu đầu tư quốc phòng với các kế hoạch phục hồi kinh tế sẵn có, dùng tiền từ đó để tài trợ cho công nghiệp quốc phòng. Các kế hoạch phục hồi kinh tế của châu Âu huy động cả nguồn tài chính tư nhân, thông qua Ngân hàng Đầu tư châu Âu. Mục tiêu ngắn hạn của các đề xuất công bố là tiếp tục hỗ trợ Ukraine bảo vệ lãnh thổ và cũng là để bổ sung kho vũ khí sau hơn một năm viện trợ cho Ukraine. Mục tiêu dài hạn là có đủ khả năng phòng thủ, không quá lệ thuộc vào Mỹ như trong hàng chục năm vừa qua.

Kế hoạch đẩy mạnh sản xuất tên lửa và đạn dược mới này của châu Âu sẽ được đưa ra thảo luận, với kỳ vọng được thông qua trước cuối tháng 6 năm nay. Còn rộng hơn trên toàn thế giới, nhiều quốc gia đã tăng cường ngân sách quốc phòng và lên kế hoạch chi tiêu cho quân sự nhiều hơn trong bối cảnh căng thẳng gia tăng. Chiến tranh đang tiếp diễn ở một số khu vực trên thế giới, trong khi một số nơi khác dường như đang chuẩn bị cho nguy cơ xảy ra chiến tranh.

Các chuyên gia đã từng đưa ra cảnh báo về một vòng xoáy tái vũ trang, do những diễn biến mới nhất trong các cuộc xung đột này.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước