Palestine chính thức gia nhập ICC

Theo TTXVN-Thứ tư, ngày 01/04/2015 19:38 GMT+7

Trưởng Phái đoàn quan sát viên thường trực của Palestine tại LHQ Riyad Mansour đệ trình đơn xin gia nhập Tòa án Hình sự quốc tế (ICC) tại trụ sở LHQ ở New York (Mỹ) ngày 2/1/2015. (Ảnh: THX)

VTV.vn - Ngày 1/4, Palestine đã chính thức gia nhập Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC). Động thái này được coi là nhằm mở đường cho các biện pháp pháp lý của Palestine chống Israel.

Việc gia nhập ICC của Palestine được tiến hành trong một buổi lễ kín tại trụ sở của ICC ở La Hay (Hà Lan), đúng 90 ngày sau khi Palestine tham gia Quy chế Rome. Tại buổi lễ, Ngoại trưởng Palestine Riad Malki đã nhận một bản sao biểu tượng của Quy chế Rome.

Trước đó, ngày 2/1, Trưởng Phái đoàn quan sát viên của Nhà nước Palestine tại Liên Hợp Quốc - ông Riyad Mansour - đã chính thức đệ đơn xin gia nhập ICC. Theo ông Mansour, Palestine xem đây là bước đi quan trọng nhằm đem đến công lý cho tất cả các nạn nhân thiệt mạng do sự chiếm đóng của Israel.

Giới phân tích cho rằng việc gia nhập ICC là một phần trong chiến lược của Palestine nhằm tạo áp lực buộc Israel rút khỏi các vùng lãnh thổ chiếm đóng và chấp nhận xác lập quan hệ láng giềng với Palestine. Sau khi trở thành thành viên ICC, Chính quyền Palestine (PA) sẽ có thể kiện lên tòa án này để truy tố các quan chức Israel, bao gồm các chính khách và giới chức quân đội về những tội ác gây ra trên các vùng đất Palestine. Israel không phải thành viên của ICC nhưng các công dân của nước này vẫn có thể bị truy tố.

Hiện Palestine đã nộp hồ sơ lên ICC, yêu cầu điều tra các cáo buộc mà Israel phạm phải trên lãnh thổ Palestines kể từ tháng 6/2014. Theo số liệu thống kê của phong trào Hamas kiểm soát Dải Gaza (Ga-da), trong chiến dịch quân sự "Vành đai Bảo vệ" do Israel phát động và kéo dài 50 ngày hồi tháng 7/2014 đã khiến khoảng 2.200 người Palestine đã thiệt mạng và hơn 11.000 người bị thương. Trong đó, phía Israel có 73 người thiệt mạng. Chiến dịch quân sự này cũng gây thiệt hại nặng nề về vật chất - nhà cửa và cơ sở hạ tầng - tại Gaza khiến hàng chục nghìn người rơi vào cảnh tị nạn.

Trước đó, trả lời nhật báo "al-Quds" ngày 31/3, Ủy viên Trung ương phong trào Fatah Othman Abu Gharbieh, cho rằng hiệp định hòa bình Oslo "đã chết" và ban lãnh đạo PA sắp đề nghị Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ) công nhận một nhà nước Palestine trên cơ sở các đường giới tuyến trước năm 1967. Ông Gharbieh khẳng định Palestine sẽ không quay lại tiến trình hòa bình trước đây với Israel, nhất là sau kết quả bầu cử của Israel. Bên cạnh đó, quan chức này còn cáo buộc Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã "làm tiêu tan" giải pháp hai nhà nước.

Trong khi đó, truyền thông Israel đưa tin trong vòng 12 ngày tới, Pháp sẽ trình một dự thảo nghị quyết lên HĐBA LHQ về quy chế nhà nước của Palestine. Theo giới ngoại giao Pháp, dự thảo này sẽ xác định các đường ranh giới trước năm 1967 để các bên tham khảo trong cuộc đàm phán hòa bình giữa Chính quyền Palestine và Israel nhưng có thể cho phép đổi đất. Đề xuất này cũng định rõ Jerusalem là thủ đô của cả Israel và một nhà nước Palestine, đồng thời kêu gọi một giải pháp công bằng cho người tị nạn Palestine.

Thông tin trên xuất hiện vài ngày sau khi Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius công bố kế hoạch xúc tiến đàm phán tại LHQ về một nghị quyết mới của HĐBA nhằm khôi phục các triển vọng hòa bình Israel-Palestine. Mặc dù nội dung không khác nhiều với những đề xuất từng thất bại trước đây nhưng Pháp đang kỳ vọng văn kiện lần này sẽ tránh được lá phiếu phủ quyết của Mỹ tại LHQ trong bối cảnh Washington ngày càng tỏ ra thất vọng với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. Một quan chức ngoại giao Pháp cho biết, Paris đang làm việc với Washington để giành được sự ủng hộ cho nỗ lực hòa bình mới, cũng như tìm kiếm sự ủng hộ từ các đối tác châu Âu và Arab.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước