Giảm thiểu kê đơn sản phẩm có nguồn gốc động, thực vật hoang dã

PV-Thứ hai, ngày 28/05/2018 14:27 GMT+7

VTV.vn - Giảng viên và sinh viên các trường y, dược học cổ truyền đã chung tay giảm thiểu nhu cầu kê đơn và sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc động, thực vật hoang dã.

30 giảng viên và sinh viên đến từ các trường y, dược học cổ truyền đã thống nhất xây dựng một kế hoạch truyền thông khuyến khích sự tham gia của các thầy thuốc Đông y trong cộng đồng Y học cổ truyền Việt Nam trong việc không kê đơn, không sử dụng những sản phẩm có nguồn gốc từ động vật hoang dã (ĐVHD).

Hoạt động thuộc Hội thảo tập huấn truyền thông lồng ghép giảm thiểu sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc từ ĐVHD do Tổ chức TRAFFIC, Ban chuyên môn, Trung ương Hội Đông y Việt Nam và Tổ chức Truyền thông thay đổi hành vi Intelligentmedia phối hợp tổ chức tại Cúc Phương, Ninh Bình.

Giảm thiểu kê đơn sản phẩm có nguồn gốc động, thực vật hoang dã - Ảnh 1.

Kết quả của các cuộc khảo sát gần đây cho thấy nhu cầu sử dụng ĐVHD cũng đến từ các hoạt động kê đơn trong y học cổ truyền. Hội thảo được xem là cơ hội để cộng đồng sinh viên y học cổ truyền, chính là các thầy thuốc y học cổ truyền tương lai góp phần thúc đẩy các hoạt động kê đơn có trách nhiệm và hợp pháp hướng tới giảm thiểu và xóa bỏ việc kê đơn và sử dụng trái phép ĐVHD trong cộng đồng y học cổ truyền.

Tổ chức TRAFFIC đã chủ trì biên soạn cuốn Sổ tay hướng dẫn truyền thông lồng ghép giảm thiểu nhu cầu sử dụng trái phép ĐVHD trong thực hành y học cổ truyền. Cuốn Sổ tay cung cấp những thông điệp chủ chốt cần truyền thông để bảo vệ ĐVHD và tiến tới xóa bỏ việc kê đơn ĐVHD trong các đơn thuốc y học cổ truyền. Đồng thời, cuốn Sổ tay cũng cập nhật những quy định pháp luật có liên quan tiêu biểu như các quy định về bảo vệ ĐVHD trong Bộ luật hình sự năm 2015. Theo các quy định của Bộ luật này, từ ngày 01/01/2018, tất cả các hành vi săn bắt, giết, nuôi nhốt, vận chuyển, buôn bán, tàng trữ và tiêu thụ động vật hoang dã sẽ bị phạt tù lên đến 15 năm hoặc phạt tiền lên tới 15 tỷ đồng.

Giảm thiểu kê đơn sản phẩm có nguồn gốc động, thực vật hoang dã - Ảnh 2.

Chuyên gia y học cổ truyền tham gia Hội thảo khẳng định niềm tin chữa bệnh bằng các sản phẩm có nguồn gốc từ ĐVHD như sừng tê giác, cao hổ, vảy tê tê không dựa trên bất kỳ nghiên cứu khoa học nào. Đồng thời, các dược liệu hợp pháp và có hiệu quả chữa bệnh cao khác đã được trình bày và trao đổi trong Hội thảo như những lựa chọn thay thế trong việc kê đơn, bốc thuốc của các thầy thuốc y học cổ truyền.

Các giảng viên và sinh viên tham gia Hội thảo được trang bị các tài liệu và công cụ hướng dẫn truyền thông nhằm thông tin và khuyến khích bệnh nhân, bạn bè, đồng nghiệp và cộng đồng y học cổ truyền không sử dụng trái phép các sản phẩm từ ĐVHD. Trong kế hoạch truyền thông xây dựng được, các giảng viên và sinh viên đã cùng cam kết truyền thông tới hơn 1.000 giảng viên và sinh viên tại trường của mình.

Cuốn sổ tay cung cấp thiết kế và nội dung của các công cụ truyền thông trực quan như biểu ngữ, bảng cam kết tạo điều kiện cho các giảng viên và sinh viên sử dụng trong các hoạt động truyền thông lồng ghép tại đơn vị của mình.

Bà Sarah Ferguson, Trưởng Đại diện Tổ chức TRAFFIC tại Việt Nam cho biết: "Các giảng viên và sinh viên y học cổ truyền đóng vai trò quan trọng trong việc truyền thông và khuyến khích đồng nghiệp và cộng đồng y học cổ truyền không kê đơn và sử dụng ĐVHD thông qua những công cụ, tài liệu hỗ trợ truyền thông được xây dựng trong Hội thảo. Bên cạnh đó, với các quy định hiện hành của pháp luật về bảo vệ ĐVHD và nỗ lực thực thi pháp luật của các cơ quan quản lý Việt Nam, việc thực hành y học cổ truyền một cách bền vững và hợp pháp sẽ góp phần bảo vệ danh tiếng của các thầy thuốc y học cổ truyền nói riêng và cộng đồng y học cổ truyền nói chung".

Hội thảo do Tổ chức WWF Đức tài trợ.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước