Hồ sơ vụ án Hà Văn Thắm và đồng phạm

Quang Vĩnh - Đức Thắng (Ban Thời sự)-Thứ hai, ngày 28/08/2017 16:15 GMT+7

VTV.vn - Sáng 28/8, Hà Văn Thắm (nguyên Chủ tịch HĐQT Oceanbank) cùng hàng chục thuộc cấp phải ra hầu tòa lần 2 tại Hà Nội.

Ngày 28/8, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm bị cáo Hà Văn Thắm, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Đại Dương (Oceanbank) cùng các đồng phạm về các tội: Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; Tham ô tài sản; Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản và vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Hội đồng xét xử sơ thẩm gồm có 5 người, do thẩm phán Trần Nam Hà làm chủ tọa, thẩm phán Trương Việt Toàn và 3 hội thẩm nhân dân. Do tính chất quan trọng của phiên tòa, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội còn bố trí thêm 1 thẩm phán dự khuyết và 2 hội thẩm nhân dân dự khuyết. Phó Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân thành phố Hà Nội Đào Thịnh Cường và kiểm sát viên Nguyễn Thị Hồng Vân giữ quyền công tố tại tòa. Ngoài ra, Viện kiểm sát còn phân công thêm 2 kiểm sát viên dự khuyết tham dự phiên tòa.

Đây là phiên tòa giữ kỷ lục về số lượng người tham gia tố tụng từ trước đến nay lên tới 727 người, bao gồm các nhân chứng, giám định viên, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan… 57 luật sư đã đăng ký tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các bị cáo tại phiên tòa. Dự kiến, phiên tòa sẽ diễn ra trong 20 ngày.

Hồ sơ vụ án Hà Văn Thắm và đồng phạm - Ảnh 1.

Bị cáo Hà Văn Thắm, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại Dương đứng trước vành móng ngựa. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Trước đó, vào cuối tháng 2, Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội đã đưa vụ án này ra xét xử sơ thẩm. Tuy nhiên, sau 8 ngày xét xử, Hội đồng xét xử sơ thẩm đã quyết định trả hồ sơ vụ án hình sự đối với bị cáo Hà Văn Thắm và các đồng phạm khác để chuyển Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao điều tra bổ sung những vấn đề nêu trên.

Cơ quan điều tra đã bổ sung hồ sơ về "tội trạng" với 4 bị can Phạm Công Danh - cựu Chủ tịch Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam; Hứa Thị Phấn - đại diện nhóm cổ đông tại Ngân hàng Đại Tín; Trần Văn Bình - Tổng Giám đốc Công ty Trung Dung và Hoàng Thị Hồng Tứ - cựu Chủ tịch Công ty BSC, công ty sân sau của Hà Văn Thắm.

Quá trình điều tra bổ sung, cơ quan Cảnh sát điều tra đã làm rõ thêm tội danh "Tham ô tài sản" đối với Hà Văn Thắm và Nguyễn Xuân Sơn - nguyên Chủ tịch Tập đoàn dầu khí Việt Nam.

Theo cáo trạng, Ngân hàng Đại Dương là ngân hàng cổ phần, trong đó Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam là cổ đông và đối tác chiến lược với số góp vốn 20% tương đương 800 tỷ đồng. Từ cuối năm 2009 đến cuối năm 2010, Nguyễn Xuân Sơn đã bàn bạc và thống nhất với Hà Văn Thắm đề ra chủ trương thu thêm lãi suất vay tín dụng và chênh lệch tỷ giá dưới hình thức "thu phí" của khách hàng thông qua Công ty BSC, trái quy định của Ngân hàng Nhà nước. Nguyễn Xuân Sơn đã nhận tổng số tiền hơn 69 tỷ đồng từ Công ty BSC. Hành vi này có dấu hiệu của tội "Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản".

Đối với khoản tiền hơn 246 tỷ đồng của Ngân hàng Đại Dương, Nguyễn Xuân Sơn đã cùng Hà Văn Thắm bàn bạc và quyết định việc chi lãi suất ngoài hợp đồng. Mặc dù đã chuyển về làm lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí từ tháng 5/2011 nhưng Nguyễn Xuân Sơn vẫn chỉ đạo Nguyễn Minh Thu - Tổng Giám đốc Ngân hàng Đại Dương tiếp tục chăm sóc một số khách hàng là doanh nghiệp của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam. Lợi dụng uy tín, địa vị và cơ chế, chính sách chi lãi ngoài, bị cáo đã rút số tiền trên của Ngân hàng Đại Dương. Hành vi này có dấu hiệu lợi dụng chức vụ được giao, ban hành và tổ chức chỉ đạo các hoạt động trái pháp luật chiếm đoạt số tiền hơn 246 tỷ đồng của Ngân hàng Đại Dương. Trong đó, ít nhất có 20% là phần đóng góp của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam.

Liên quan đến số tiền thất thoát 800 tỷ đồng của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, Tòa cấp sơ thẩm xét thấy cần phải làm rõ trách nhiệm của Nguyễn Xuân Sơn và những người có trách nhiệm liên quan trong việc đầu tư, góp vốn, quản lý và sử dụng số tiền này để xử lý theo quy định của pháp luật.

Theo tài liệu hồ sơ và lời khai, Hà Văn Thắm đã bàn bạc thống nhất cho Phạm Công Danh, thông qua Công ty Trung Dung vay khoản tiền 500 tỷ đồng không đảm bảo điều kiện vay vốn theo quy định. Phạm Công Danh đã chỉ đạo Trần Văn Bình - Tổng Giám đốc Công ty Trung Dung và đã bàn bạc với Hứa Thị Phấn đưa tài sản thế chấp không đúng để được vay khoản tiền trên, số tiền này đã chuyển để thanh toán cho khoản vay của nhóm bà Hứa Thị Phấn. Hành vi của Phạm Công Danh, Trần Văn Bình và Hứa Thị Phấn có dấu hiệu đồng phạm với Hà Văn Thắm về tội "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng".

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã có quyết định tách ra để tiếp tục điều tra, xử lý hành vi lập khống 9 hồ sơ vay 137 tỷ đồng tại Ngân hàng Đại Dương, Phòng giao dịch Đào Duy Anh.

Các hành vi vi phạm pháp luật của Hà Văn Thắm và đồng phạm đã gây thiệt hại cho ngân hàng gần 2.000 tỷ đồng. Trong vụ án này, cơ quan tố tụng xác định, Hà Văn Thắm là chủ mưu, cầm đầu.

Tiếp tục xét xử vụ Hà Văn Thắm và các đồng phạm Tiếp tục xét xử vụ Hà Văn Thắm và các đồng phạm Mở lại phiên xét xử Hà Văn Thắm vào ngày 28/8 Mở lại phiên xét xử Hà Văn Thắm vào ngày 28/8 Hoàn tất điều tra bổ sung 'đại án' Hà Văn Thắm Hoàn tất điều tra bổ sung "đại án" Hà Văn Thắm

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước