Nhà sử học Lê Văn Lan: Quân giải phóng Thủ đô chỉ qua 2 cửa ô

Minh Đức-Thứ sáu, ngày 09/10/2015 12:06 GMT+7

VTV.vn - Nhiều người vẫn tưởng quân giải phóng tiến vào Thủ đô qua 5 cửa ô nhưng theo nhà sử học Lê Văn Lan, thực chất chỉ qua 2 cửa ô.

Dù đã 61 năm trôi qua nhưng những hình ảnh về đoàn quân giải phóng tiến vào Hà Nội vẫn còn rõ nét trong tâm trí nhà sử học Lê Văn Lan. Đây cũng là ngày mà hòa bình và tự do thực sự đến với người dân của Thủ đô.

Là một người con của Hà Nội, vào ngày đoàn quân giải phóng tiếp quản Thủ đô, ông có thể chia sẻ những kỉ niệm và cảm xúc của mình lúc đó?

- Ngày 10/10/1954, lúc đấy tôi đã 18 tuổi, học xong tú tài toàn phần, có đủ tư chất và giác ngộ. Là người Hà Nội gốc, sinh ra và lớn lên tại đây nên tôi cũng là người đại diện đến đón quân đội vào giải phóng. Vào ngày ấy, tôi đi rải truyền đơn, đi hội họp, đi phất cờ, hò reo và dựng cổng chào. Năm ấy, tôi là một thằng con trai đủ lớn nên cũng có chút nghịch ngợm, nên hôm ấy tôi cũng nghĩ chủ yếu là đi đón các đoàn nữ thanh niên xung phong về Thủ đô. (Cười)

Vào ngày ấy, tôi hiểu Hà Nội cần phải làm gì khi có người đến giải phóng, huống hồ trong lực lượng giải phóng quân còn có hai người anh của tôi. Tôi có 3 người anh đi bộ đội, trong đó 1 người đã hi sinh trong một chiến dịch ở Bắc Kạn. Hai người anh còn lại đã làm cách mạng từ khi thành lập trung đoàn Thủ đô. Ngày 10/10 ấy, khi đoàn quân giải phóng tiến vào cũng chính là lúc những người Hà Nội như tôi được giải phóng với tư cách là kẻ sống trong thời tạm chiếm. Nhưng đối với tôi, cảm xúc lớn nhất khi Thủ đô được giải phóng chính là niềm vui đoàn tụ với gia đình mình sau nhiều năm xa cách. Vậy nên, việc tôi tham gia vào công cuộc giải phóng là chuyện đương nhiên.


Ngày giải phóng Thủ đô, mọi người dân đều ra đường hò reo chiến thắng. (Ảnh: bqllang.gov.vn/)

Ngày giải phóng Thủ đô, mọi người dân đều ra đường hò reo chiến thắng. (Ảnh: bqllang.gov.vn/)

Vào ngày giải phóng Thủ đô, quân đội ta đã đi qua rất nhiều con đường và cửa ô, ông có thể kể lại đôi chút về hoàn cảnh lịch sử lúc đó?

- 16h ngày 9/10/1954, những lực lượng cuối cùng của thực dân Pháp ở Hà Nội đã theo đường cầu Long Biên rút sang Gia Lâm rồi từ đấy xuống tập kết 300 ngày tại Hải Phòng trước khi rút thẳng vào phía Nam, vĩ tuyến 17. Đến sáng ngày 10/10/1954, lực lượng tiếp quản Hà Nội là Sư đoàn 308 hay còn có tên gọi khác là Đại đoàn quân tiên phong tiến vào Hà Nội.

Lý do sư đoàn này được giao nhiệm vụ tiếp quản Hà Nội là bởi sư đoàn trưởng Vương Thừa Vũ đã được chỉ định là Chủ tịch Ủy ban quân quản thành phố Hà Nội. Một lý do nữa là trong sư đoàn có 1 trung đoàn mang tên Trung đoàn Thủ đô, đây chính là trung đoàn được thành lập trong thời gian 60 ngày đêm khói lửa ở Hà Nội vào năm 1946 và đã có "huyết thệ" quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh.

Sư đoàn tiên phong áp sát Thủ đô ngày 10/10 để vào tiếp quản. Những nơi đóng quân sẽ quyết định con đường tiến vào Thủ đô. Trung đoàn Thủ đô đã chọn đóng quân tại sân vận động Quần Ngựa, nay còn gọi là Cung thể thao tổng hợp Quần Ngựa Hà Nội trên đường Liễu Giai. Đây là chỗ đóng quân của trung đoàn tại mạn Tây thành phố.

Cùng ngày hôm đó tại phía Nam Thủ đô, bộ binh của sư đoàn 308 đóng quân tại khu Việt Nam học xá, nay chính là Đại học Bách Khoa và Đại học Kinh tế quốc dân. Phần còn lại của sư đoàn là một phần bộ binh, cơ giới và pháo binh đóng quân tại sân bay Bạch Mai, nay chính là bảo tàng Phòng không – Không quân.

8h sáng, Trung đoàn Thủ đô xuất phát từ sân vận động Quần Ngựa, đi qua Liễu Giai ra đường Kim Mã rồi lên phố Hàng Đẫy. Tại đây có một cửa ô cũ của Hà Nội có tên là Ô Thanh Bảo, còn được gọi là Ô Cầu Giấy. Từ đó, trung đoàn hành quân lên Cửa Nam rồi đi qua Hàng Bông, Hàng Gai, ngoặt về cửa Đông và tiến vào cửa Bắc Hoàng thành Thăng Long hiện nay.

Cũng 8h sáng, cánh quân phía Nam cũng hành quân ra đường Bạch Mai, đi lên phố Huế qua Ô Cầu Dền, tiến đến Hàng Bài, diễu binh quanh Bờ Hồ rồi tạt về khu Đấu Xảo nay là Cung Văn hóa Hữu nghị Việt - Xô, đồng thời đưa một lực lượng về phía Đông và đóng quân tại Đồn Thủy nay là bệnh viện 108. Còn đơn vị bộ binh, cơ giới và pháo binh cũng qua Ô Cầu Dền, vòng quanh Hồ Gươm rồi lên phố Hàng Đào, Hàng Ngang,... rồi đi theo đường Phan Đình Phùng tiến vào cổng thành cửa Bắc, tiếp quản thành Hà Nội. Đấy chính là đường đi của các cánh quân vào ngày 10/10.


Đại đoàn quân tiên phong tiến vào giải phóng Thủ đô. (Ảnh: TTXVN)

Đại đoàn quân tiên phong tiến vào giải phóng Thủ đô. (Ảnh: TTXVN)

Hiện có rất nhiều người cho rằng quân tiếp quản có đến 5 cánh quân tiến vào 5 cửa ô Hà Nội, tại sao lại có điều này?

- Hà Nội ngày xưa có rất nhiều cửa ô, nhưng quân giải phóng chỉ đi qua hai cửa ô là Ô Thanh Bảo tức Ô Cầu Giấy ở hướng Tây và Ô Cầu Dền ở hướng Nam mà thôi. Quân ta áp sát Hà Nội ở hai hướng này và chừa hướng Bắc và hướng Đông bởi đây là đường quân Pháp rút khỏi Hà Nội.

Về việc tại sao từ 2 cửa ô lại thành 5 cửa ô là bởi người Việt Nam có tư duy đèn xếp. Trong chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng Sài Gòn năm 1975, quân ta đã đã bố trí 5 cánh quân theo 5 hướng vào Sài Gòn (nay là thành phố Hồ Chí Minh). Nhiều người đã liên tưởng và gán ghép sự kiện giải phóng Sài Gòn năm 1975 này với sự kiện giải phóng Thủ đô năm 1954.

Bên cạnh đó, trong ca khúc "Tiến về Hà Nội" của cố nhạc sĩ Văn Cao cũng có hát rằng “năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về”. Trước khi nhạc sĩ Văn Cao mất, tôi đã đến gặp và nói chuyện cùng ông về việc này. Nhạc sĩ Văn Cao đã trả lời rằng mình sáng tác bài hát theo cái đẹp, ông ấy thấy hình tượng ngôi sao vàng 5 cánh đẹp nên nói Hà Nội có 5 cửa ô theo quy luật của cái đẹp. Hẳn vì vậy mà nhiều người nhầm lẫn. Bây giờ, tôi chữa lại cho ông ấy theo tư duy khoa học là chỉ có 2 cửa ô để quân ta tiến vào mà thôi.

Từ ngày giải phóng Thủ đô đến nay đã được 61 năm, Hà Nội đã có nhiều thay đổi. Trước những thay đổi đó, ông có điều gì trăn trở?

- Phải nói rằng tôi rất lo lắng. Cái lo này nằm trong bản chất của người có chữ. Như cụ Nguyễn Trãi từng nói “Cổ lai thức tự đa ưu hoạn – Pha lão tầng vân, ngả diệc vân”, nghĩa là “người có chữ thì thường hay lo nghĩ”. Tôi cũng vậy, cái tôi lo nhất chính là lớp tuổi trẻ bây giờ đã thay đổi rất nhiều, hầu hết các bạn đều toàn tâm toàn ý chăm lo vào hưởng thụ và tìm sở thích cho riêng mình chứ không có chí hướng... Ngoài ra, những điều như lý tưởng, việc nước thì các bạn không màng đến. Đây chính là điều khiến tôi trăn trở nhất.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước