Quy định xe máy phải bật đèn cả ngày: Cần thiết hay không?

PV-Thứ ba, ngày 12/05/2020 15:57 GMT+7

Theo dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi), trong suốt cả ngày, xe môtô, xe máy, xe đạp điện, xe máy điện khi tham gia giao thông phải bật sáng đèn nhận diện

VTV.vn - Theo khảo sát của Báo điện tử VTV News, đã có 88% lượt bình chọn phương án "không đồng tình" trước câu hỏi: "Bạn nghĩ sao về đề xuất xe máy phải bật đèn cả ban ngày?".

Có câu "Rõ như ban ngày" nên liệu có cần bật đèn nhận diện xe máy cả ngày?

Thời gian qua, nhiều quy định mới của Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) do Bộ GTVT xây dựng đang gây tranh cãi trong dư luận xã hội, trong đó có quy định xe máy phải bật đèn nhận diện được trang bị theo thiết kế suốt quá trình lưu thông trên đường.

Cụ thể, Khoản 3, Điều 27 Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi), nêu rõ: "Trong suốt cả ngày, xe môtô, xe máy, xe đạp điện, xe máy điện khi tham gia giao thông phải bật sáng đèn nhận diện được trang bị theo thiết kế của nhà sản xuất hoặc phải bật sáng ít nhất một đèn chiếu sáng gần phía trước và một đèn đỏ phía sau".

Quy định hiện hành mới chỉ yêu cầu người lái xe máy bật đèn chiếu sáng trong thời gian từ 19 giờ hôm trước đến 5 giờ hôm sau, khi sương mù, thời tiết xấu hạn chế tầm nhìn. Theo Điểm l, Khoản 1, Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, xe môtô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự xe môtô, xe gắn máy sẽ bị xử phạt 100.000-200.000 đồng nếu không sử dụng đèn chiếu sáng từ 19 giờ hôm trước đến 5 giờ hôm sau.

Vừa qua, Báo điện tử VTV News đã tiến hành cuộc khảo sát ý kiến độc giả với câu hỏi: "Bạn nghĩ sao về đề xuất xe máy phải bật đèn cả ban ngày?". Chỉ sau 1 ngày cuộc khảo sát đã nhận được tới hơn 10.000 lượt bình chọn.

Quy định xe máy phải bật đèn cả ngày: Cần thiết hay không? - Ảnh 1.

Kết quả khảo sát trên Báo điện tử VTV sau hơn 1 ngày bình chọn

Theo ghi nhận, khoảng 12% độc giả đồng tình với đề xuất này trong khi có tới 88% người lựa chọn phương án "không đồng tình". Điều này cho thấy không ít người nghi ngại về tính khả thi của quy định về việc xe máy tham gia giao thông phải bật sáng đèn nhận diện cả ngày như trong của Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi).

Có thể thấy rằng, nếu áp dụng quy định nêu trên vào thực tế sẽ tạo ra sự thay đổi lớn trong thói quen tham gia giao thông của người dân.

Trên fanpage Báo điện tử VTV, một số độc giả nhận định, Việt Nam là đất nước nhiệt đới nên ban ngày mùa Hè trời nắng nóng nên việc bật đèn là không cần thiết.

Bạn T.N.N viết: "Ban ngày có nắng mặt trời đã lóa mắt rồi lại còn bắt đèn pha xe máy cả ban ngày. Sao chịu nổi".

Đồng quan điểm, tài khoản Facebook N.T.T cho rằng: "Buổi tối đi xe máy đã chói mắt, cộng thêm ban ngày có mặt trời thì chịu thôi".

Bạn N.M còn lo ngại việc bật đèn xe khi trời nắng còn gia tăng nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông: "Ở ban đêm hoặc sương mù mở đèn sau suốt khi phanh hoặc đậu có đèn báo xe sau sẽ nhìn thấy. Còn ban ngày đèn xe không sáng bằng mặt trời nên sẽ nên cứ tưởng xe trước đang chạy mà cắm đầu vào, giống như đang lui xe trên cao tốc vậy".

Quy định xe máy phải bật đèn cả ngày: Cần thiết hay không? - Ảnh 2.

Nhiều ý kiến cho rằng xe máy, xe đạp điện, xe máy điện bật đèn cả ngày là không cần thiết

Anh T.Q.T nhấn mạnh: "Không thực sự cần thiết. Dân gian có câu: "Rõ như ban ngày". Vì vậy, đề xuất này không thuyết phục. Với mật độ phương tiện giao thông đông đúc tại các đô thị lớn ở Việt Nam, điều này càng làm gia tăng nhiệt độ, gây hiệu ứng nhà kính, tác động đến môi trường".

Thực tế, quy định xe máy bật đèn cả ngày được căn cứ theo Công ước Vienna 1968 về báo hiệu đường bộ mà Việt Nam là thành viên. Quy định này đã áp dụng tại Canada, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc cũng như 7/10 nước ASEAN.

Dù vậy, nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam không nên "máy móc" bê nguyên quy định ở nước ngoài áp dụng. Lưu lượng xe máy tham gia giao thông hàng triệu chiếc, nếu bật đèn cả ngày thì thành rừng đèn giữa thành phố, việc nhận diện không hiệu quả.

Độc giả M.T chia sẻ: "(Quy định) Áp dụng cho bên Tây nhiều sương mù. Việt Nam xe máy nhiều, mật độ cao. Ai ai cũng bật đèn, xe vẫn nổ dẫn đến nhiệt độ càng tăng cao".

Ông Thân Văn Thanh, chuyên gia giao thông cũng đã nhận định: "Điều kiện khí hậu ở Việt Nam khác so với châu Âu. Bên châu Âu không sương mù thì tuyết rơi. Chúng ta thì ngược lại. Hàng triệu phương tiện lưu thông trong thành phố tạo nên ô nhiễm môi trường. Những người tham gia giao thông có ý thức thì khi trời sương mù, bụi mịn đã tự giác bật đèn".

Về câu chuyện này, nhiều người cũng đã liên tưởng đến sự khác biệt giữa Việt Nam và nhiều nước châu Âu trong cuộc chiến chống COVID-19 để nhấn mạnh, không phải quyết sách nào chúng ta cũng phải học hỏi từ bên ngoài.

Bật đèn pha xe máy sẽ giúp giảm tai nạn giao thông?

Vậy cơ sở nào để Bộ GTVT đề xuất quy định xe máy phải bật đèn nhận diện cả ngày?

Theo đại diện Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, xe máy là phương tiện dễ bị tổn thương khi có va chạm xe cộ xảy ra. Chưa kể đây cũng là một nghiên cứu có lý luận và có căn cứ. Thống kê trên thế giới, việc bật đèn pha xe máy góp phần đảm bảo tăng độ nhận diện của phương tiện này khi lưu thông, giảm tới 2,6 lần các vụ TNGT liên quan đến mô tô, xe máy vào ban ngày.

Quy định xe máy phải bật đèn cả ngày: Cần thiết hay không? - Ảnh 3.

Hiện tại, trong khu vực ASEAN chỉ còn 3 nước là Lào, Campuchia và Việt Nam là chưa thực hiện quy định về đèn nhận diện ban ngày của xe máy theo Công ước Vienna 1968. Các quốc gia có điều kiện thời tiết khí hậu nhiệt đới nắng nóng tương tự Việt Nam gồm Thái Lan (từ 2005), Malaysia (từ 1992), Singapore (từ 1995) đều đã áp dụng, Ấn Độ cũng đã áp dụng từ 2017.

Trao đổi với phóng viên VTV, ông Trần Hữu Minh, Phó chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia nhấn mạnh: "Năm 2014, Việt Nam đã tham gia công ước quốc tế về giao thông, việc nhận diện sử dụng đèn ban ngày với xe máy đã được quy định rõ, sau 5 năm sẽ phải áp dụng. Đèn pha trước và đèn đỏ phía sau. Để tăng cường nhận diện thì thế giới chứng minh tốt nhất là dùng đèn. Nhiều mẫu xe máy mới đã được tích hợp tính năng này".

Quy định xe máy phải bật đèn cả ngày: Cần thiết hay không? - Ảnh 4.

Theo ban soạn thảo Luật giao thông đường bộ sửa đổi, đây mới chỉ là đề xuất, việc bật đèn trước mắt sẽ khuyến khích, tạo phản xạ cho người tham gia giao thông nhận biết có tín hiệu đèn phía trước, khi thấy có ánh đèn người tham gia giao thông sẽ chủ động giảm tốc độ, cho xe tránh, giúp giảm đáng kể tai nạn giao thông.

Ông Trần Hữu Minh, Phó chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cũng chia sẻ thêm, quy định này trước mắt khuyến khích áp dụng ở vùng ngoại ô, miền núi có sương mù…

Vụ An toàn giao thông, Bộ Giao thông Vận tải, cho biết trên cơ sở tiếp thu ý kiến đóng góp cho Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi), ban soạn thảo sẽ điều chỉnh lại cho phù hợp với Việt Nam.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước