Tranh cãi về quy định xử phạt lỗi vượt đèn vàng: Chưa đến vạch, cố vượt mới bị phạt

Minh Đức-Thứ ba, ngày 02/08/2016 15:05 GMT+7

VTV.vn - Việc tăng mức phạt đèn vàng không phải nhằm thu tiền người vi phạm mà muốn tăng tính răn đe, giáo dục, nâng cao ý thức của người dân.

Từ ngày 1/8, các phương tiện khi tham gia giao thông đường bộ nếu vượt đèn vàng sẽ bị xử phạt theo Nghị định 46 của Chính phủ. Điều 5 của Nghị định 46 quy định Xử phạt vi phạm giao thông đối với người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô vượt đèn vàng từ 1.200.000 - 2.000.000 đồng. Đối với xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện, xe đạp điện nếu vượt đèn vàng sẽ bị xử phạt từ 300.000 đến 400.000 đồng. Máy kéo, xe máy chuyên dùng có mức phạt từ 400.000 đến 600.000, đối với xe thô sơ sẽ bị phạt từ 60.000 đến 80.000 đồng. Với mức phạt như vi phạm vượt đèn đỏ, nhiều người có những quan điểm khác nhau về nghị định 46 và việc duy trì đèn vàng tại các điểm giao lộ.

Việc xử phạt lỗi vượt đèn vàng còn nhiều tranh cãi

Anh Nguyễn Hải Đăng, Thanh Xuân - Hà Nội cho biết: "Ngày nào tôi cũng đi ô tô đến cơ quan. Tôi được biết thì đèn vàng chỉ có 3 giây nhưng không phải tại giao lộ nào cũng có đèn đếm ngược cho tín hiệu giao thông. Nếu tôi điều khiển xe tới gần dừng mà tín hiệu đèn đột ngột chuyển sang đèn vàng thì làm sao để xử lý kịp thời? Khi đang điều khiển ô tô mà phanh gấp rất dễ khiến những xe sau không dừng sẽ xảy ra va chạm với xe phía trước trong khi nếu vượt đèn vàng thì sẽ bị phạt. Vậy phải như thế nào mới hợp lý?".

Không ít người quan niệm sai về tín hiệu đèn vàng và cần phải thay đổi suy nghĩ. Luật Giao thông đường bộ tại Khoản 3, Điều 10 quy định; người tham gia giao thông phải chấp hành hệ thống báo hiệu đường bộ, trong đó có tín hiệu đèn giao thông. Tín hiệu vàng là phải dừng lại trước vạch dừng, trừ trường hợp đã đi quá vạch dừng thì được đi tiếp; trong trường hợp tín hiệu vàng nhấp nháy là được đi nhưng phải giảm tốc độ, chú ý quan sát, nhường đường cho người đi bộ qua đường. Như vậy, đối với trường hợp xe đã di chuyển qua vạch dừng khi đèn xanh mới chuyển sang đèn vàng thì người điều khiển xe được phép đi tiếp.

Chị Nguyễn Hồng Hạnh, Lý Thường Kiệt - Hà Nội cũng bày tỏ rằng: “Tôi cho rằng mức phạt khi vượt đèn vàng ngang với đèn đỏ là hơi cao. Tôi quan niệm khi đèn chuyển sang tín hiệu vàng tức là đi chậm lại chứ không phải bắt dừng hẳn. Thời gian có tín hiệu đèn vàng là khoảng thời gian chuyển tiếp, để người tham gia giao thông có thời gian giảm tốc độ, dừng trước vạch kẻ đường. Đối với một số giao lộ không có đếm ngược số thì người dân sẽ nhìn đèn vàng để biết sắp có đèn đỏ để dừng lại, nếu bỏ đi đèn vàng mà cũng không có đếm ngược số thì nhiều người sẽ phanh gấp rất nguy hiểm hoặc thậm chí là vượt luôn”.

Trên thực tế, nhiều người tham gia giao thông khi thấy đèn vàng sẽ tăng tốc để cố vượt qua giao lộ trước khi đèn chuyển sang màu đỏ. Đối với bản thân những người đã giảm tốc độ và dừng trước vạch dừng khi nhìn thấy người vượt cũng sẽ có tâm lý vượt theo, việc vượt đèn vàng rất dễ khiến các xe này va quyệt với những dòng phương tiện được phép di chuyển hoặc gây tắc nghẽn giao thông. Bởi vậy, cũng có nhiều người đồng tình với việc tăng mức phạt vượt đèn vàng như vượt đèn đỏ.

Bác Nguyễn Quang Hà - Nghĩa Tân, Cầu Giấy chia sẻ: "Rõ ràng là từ khi các phương tiện khi tham gia giao thông đường bộ nếu vượt đèn vàng sẽ bị xử phạt thì tình trạng cố tình vượt khi dừng đỗ cũng giảm hẳn. Rõ ràng việc tăng mức phạt phần nào đã nâng cao được ý thức của người tham gia giao thông ".

Chưa đến vạch, cố vượt mới bị phạt

Theo phân tích của phòng Tuyên truyền, Phổ biến pháp luật về trật tự an toàn giao thông, Cục CSGT (C67), Bộ Công an: "Thực tế, nếu người tham gia giao thông không phải cứ vượt đèn vàng là bị phạt nhiều người tham gia giao thông khi thấy đèn vàng thay vì giảm tốc độ và dừng trước vạch dừng thì họ lại đạp ga tăng tốc để cố vượt qua ngã ba, ngã tư. Việc này sẽ tạo ra xung đột với các dòng phương tiện được phép di chuyển và dễ dẫn đến va quẹt, gây ra tai nạn giao thông. Quy định xử lý lỗi vượt đèn vàng bằng vượt đèn đỏ để không còn những trường hợp người dân thấy đèn vàng là cố tăng tốc để vượt. Điều đó góp phần hạn chế nguy cơ tiềm ẩn gây tai nạn, ùn tắc giao thông".

Việc tăng mức phạt không hề nhằm vào mục đích thu tiền người vi phạm mà muốn tăng tính răn đe, giáo dục, nâng cao ý thức của người tham gia giao thông, góp phần lập lại trật tự ATGT và kéo giảm số vụ TNGT. Tuy nhiên nhiều ngưởi cho rằng chỉ cần vắng bóng lực lượng chức năng nhiều người tham gia giao thông ở Hà Nội vẫn sẽ vượt đèn vàng bất chấp việc xử phạt.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước