“Việt Nam tiếp tục phối hợp cùng UNDP, WB nỗ lực giảm nhẹ rủi ro thiên tai”

Khánh Nguyễn-Thứ sáu, ngày 13/10/2017 12:05 GMT+7

VTV.vn - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh tại hội nghị về Quản lý rủi ro thiên tai tổng hợp và Tăng cường khả năng chống chịu Nông nghiệp với Biến đổi khí hậu ở Việt Nam.

Thiên tai trong những năm gần đây xảy ra ngày càng khốc liệt và diễn biến bất thường, điển hình là trận lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh Sơn La, Yên Bái và một số tỉnh lân cận đã làm 44 người chết và mất tích, thiệt hại kinh tế ước tính 55 triệu USD. Giữa tháng 9 vừa qua, cơn bão số 10 có tên quốc tế là Doksuri được cho là mạnh nhất trong nhiều năm trở lại đây đã quét qua địa bàn các tỉnh miền Trung gây thiệt hại nghiêm trọng làm 9 người thiệt mạng, khoảng 193.000 ngôi nhà bị sập đổ, hư hỏng, thiệt hại ước tính khoảng 385 triệu USD.

Gần đây nhất, trong hai ngày 9-10/10, đợt mưa lũ trên diện rộng tại các tỉnh Bắc bộ và Bắc Trung bộ đã và đang gây ra hậu quả nặng nề trên địa bàn rộng lớn, mực nước sông nhiều nơi vượt mức đỉnh lũ lịch sử. Tính đến 17h ngày 12/10, đợt mưa lũ đã làm 80 người chết và mất tích và gây thiệt hại rất lớn về kinh tế.

Thiên tai đã gây ra những thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, theo thống kê, trung bình mỗi năm, thiên tai tại Việt Nam đã làm chết và mất tích trên 300 người, thiệt hại về kinh tế từ 1-1,5% GDP. Trong đó, Nông nghiệp là ngành được đánh giá dễ bị tổn thương nhất trước tác động của hầu hết các loại hình thiên tai.

“Việt Nam tiếp tục phối hợp cùng UNDP, WB nỗ lực giảm nhẹ rủi ro thiên tai” - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường - Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai cho biết, sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Liên Hợp Quốc, các tổ chức quốc tế để giảm thiểu tác động, nâng cao an toàn cho cộng đồng, người dân trước thiên tai.

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường - Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, thực tế cho thấy, hoạt động kinh tế càng phát triển thì rủi ro do thiên tai gây ra có thể càng lớn, nhất là ở những nước có sự phát triển thiếu đồng bộ về nhiều mặt. Vì thế, công tác phòng, chống thiên tai là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và được ưu tiên hàng đầu, là yếu tố quan trọng, quyết định đến quy mô, tốc độ tăng trưởng, phát triển kinh tế và xóa đói giảm nghèo. Công tác này đòi hỏi phải có giải pháp tổng thể, bên cạnh các kinh nghiệm truyền thống, cần tiếp tục phát triển các cơ sở hạ tầng thiết yếu và đặc biệt là tăng cường, phát triển các công cụ hỗ trợ, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và khoa học công nghệ trong dự báo, cảnh báo và quản lý thiên tai tổng hợp. Hoạt động về phòng, chống thiên tai cũng cần được lồng ghép vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các cấp, các ngành và từng địa phương.

Tại hội nghị về Quản lý rủi ro thiên tai tổng hợp và Tăng cường khả năng chống chịu Nông nghiệp với Biến đổi khí hậu ở Việt Nam được tổ chức vào sáng 13/10 tại Hà Nội nhân kỷ niệm Ngày Quốc tế giảm nhẹ thiên tai, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh: "Đây là dịp để chúng ta cùng nhau nhìn lại, cùng chia sẻ, cùng hành động để hướng tới một tương lai an toàn hơn. Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai của Việt Nam, sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Liên Hợp Quốc, các tổ chức quốc tế, các bộ ngành, các địa phương để cùng hành động, tăng cường liên kết nỗ lực chung các bên trong giảm thiểu tác động, nâng cao an toàn cho cộng đồng, người dân trước thiên tai, góp phần hưởng ứng, thực hiện các mục tiêu của khung hành động Sendai".

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu tiếp tục ưu tiên triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm, lâu dài.

“Việt Nam tiếp tục phối hợp cùng UNDP, WB nỗ lực giảm nhẹ rủi ro thiên tai” - Ảnh 2.

Phó Thủ Tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu tiếp tục ưu tiên triển khai thực hiện tốt 5 nhiệm vụ trọng tâm, lâu dài.

"Thứ nhất, cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến phòng ngừa, ứng phó và phục hồi sau thiên tai; rà soát hoàn thiện các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch về đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng, sản xuất, phân bố dân cư… làm cơ sở để các ngành, địa phương cụ thể hóa việc tổ chức thực thi.

Ngoài ra, cần tiếp tục đầu tư, nâng cao ứng dụng khoa học, công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả giám sát, đánh giá, dự báo, cảnh báo thiên tai. Thứ tư là tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và tăng cường năng lực tìm kiếm, cứu nạn, kịp thời hỗ trợ công tác khắc phục hậu quả sau thiên tai.

Cuối cùng, thực hiện có hiệu quả các chương trình hỗ trợ đào tạo, nâng cao nhận thức, xây dựng kế hoạch cụ thể tại cộng đồng để ứng phó với thiên tai; đồng thời khuyến khích sự tham gia và huy động nguồn lực của doanh nghiệp và cộng đồng, kết hợp với nguồn lực của Nhà nước".

Phó Thủ tướng cũng đặc biệt lưu ý: "Sự hợp tác giữa các vùng, các khu vực, các quốc gia và các tổ chức quốc tế, trong đó có Ngân hàng Thế giới và các tổ chức, cơ quan của LHQ đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ nâng cao nhận thức, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ nguồn lực cho ứng phó và giảm thiểu rủi ro thiên tai".

“Việt Nam tiếp tục phối hợp cùng UNDP, WB nỗ lực giảm nhẹ rủi ro thiên tai” - Ảnh 3.

Ông Achim Fock - Quyền Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong ứng phó với các rủi ro về thiên tai.

Ngày Quốc tế giảm nhẹ thiên tai năm nay có chủ đề "Nhà nhà an toàn: Giảm rủi ro và Sơ tán khi có thiên tai". Ông Achim Fock - Quyền Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nói: "Chính phủ Việt Nam đã có những nỗ lực đáng kể để ứng phó với các rủi ro về thiên tai. Thiên tai có thể xoá đi hàng thập kỷ xây dựng và phát triển và chi phí để xây dựng lại có thể còn tốn kém hơn nhiều so với chi phí để đầu tư cho sự thích ứng với thảm họa thiên nhiên".

Tại hội nghị, gần 200 đại biểu đến từ các Bộ ngành, địa phương, các tổ chức quốc tế hoạt động trong lĩnh vực phòng chống thiên tai đã thảo luận các phương án chính sách để giảm nhẹ tác động của thiên tai, đặc biệt liên quan tới năng lực thể chế và các giải pháp tài chính.

“Việt Nam tiếp tục phối hợp cùng UNDP, WB nỗ lực giảm nhẹ rủi ro thiên tai” - Ảnh 4.

Hơn 200 đại biểu tham gia thảo luận tại hội nghị

Theo các chuyên gia tại hội nghị, Việt Nam có thể giảm nhẹ các rủi ro về thảm họa thiên tai tại quốc gia thông qua việc thực hiện chiến lược quản lý rủi ro thiên tai tổng hợp.

“Việt Nam tiếp tục phối hợp cùng UNDP, WB nỗ lực giảm nhẹ rủi ro thiên tai” - Ảnh 5.

Các đại biểu trong nước và quốc tế ủng hộ người dân Việt Nam trong đợt mưa lũ lịch sử đang hoành hành ở các tỉnh miền núi phía Bắc và Bắc miền Trung.


Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước