Biên kịch Trịnh Thanh Nhã: Việt hóa phim truyền hình vẫn còn là thách thức lớn

Thùy Hương-Thứ tư, ngày 05/07/2017 09:17 GMT+7

VTV.vn-Theo biên kịch Trịnh Thanh Nhã, việc Việt hóa những bộ phim truyền hình mua kịch bản nước ngoài gặp không ít thách thức do sự khác biệt trong tâm lý dân tộc, hoàn cảnh sống.

Thời gian qua, trên sóng truyền hình cũng như mạng xã hội chứng kiến độ phủ sóng dày đặc của 2 bộ phim do VFC sản xuất là Sống chung với mẹ chồngNgười phán xử. Có lẽ đã khá lâu rồi, truyền hình Việt mới có được những tác phẩm thu hút khán giả đến vậy. Là một nhà biên kịch, chị đánh giá như thế nào về 2 bộ phim này?

- Trước hết, phải nói là tôi thích cái kỹ thuật xây dựng tình huống kịch rất chuẩn mực của cả hai bộ phim này. Kịch tính căng, các tình huống luôn được giải quyết rất triệt để. Có lẽ, đó chính là điểm thu hút khán giả mạnh mẽ mà ít bộ phim truyện truyền hình Việt Nam nào đạt tới. Tuy nhiên, cũng lại phải khẳng định rằng không hẳn đó là hai bộ phim toàn bích.

Sự quyết liệt thái quá của mẹ chồng và con dâu trong Sống chung với mẹ chồng có thể khiến người ta kinh sợ. Còn sự lộng hành của một tổ chức xã hội đen đang chớm bước vào con đường mafia trong Người phán xử cũng khiến những người suy nghĩ cẩn trọng hơn một chút có phần lo ngại. Những xúc cảm kiểu này thường được an ủi bằng một cái tặc lưỡi, rằng đó là câu chuyện ở nước khác. Về phương diện nào đó, cái tặc lưỡi này cho thấy một thất bại, dù không lớn lắm, của quá trình Việt hóa một câu chuyện nước ngoài.

Biên kịch Trịnh Thanh Nhã: Việt hóa phim truyền hình vẫn còn là thách thức lớn - Ảnh 1.

Biên kịch Trịnh Thanh Nhã

Trong cuộc trò chuyện hồi LHTHTQ 35 ở Quảng Bình năm 2015, chúng ta còn nói rằng phim hợp tác đang trở thành xu hướng mới thì dường như giờ đây, xu hướng đã trở thành phim Việt mua kịch bản nước ngoài mà ví dụ điển hình là Sống chung với mẹ chồngNgười phán xử. Ở trên màn ảnh rộng, một số bộ phim mua kịch bản nước ngoài cũng gây "bão", có thể kể tới Em là bà nội của anh. Chị có cho rằng đây là điều mà các nhà làm phim Việt đang hướng tới?

- Thực ra, việc mua kịch bản của nước ngoài để Việt hóa không phải là hiện tượng mới. Hàng chục năm trước, công ty truyền thông đa phương tiện Lasta đã mua cả loạt kịch bản của Thái Lan để Việt hóa, và cũng đạt một mức rating đáng mơ ước. Sau đó, nhiều nhà sản xuất khác cũng đã mua các kịch bản từ Châu Âu, Hàn Quốc, Trung Quốc... để Việt hóa. Tuy nhiên, đáng tiếc là phần lớn các phim này đã không thành công khiến có một giai đoạn các đài truyền hình buộc phải từ chối loại phim này.

Về phía điện ảnh, cho đến nay chúng ta cũng chưa thấy có thành công nào khác ngoài Em là bà nội của anh, trong khi các phim được làm từ kịch bản trong nước như Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh và gần đây là Em chưa 18 đã đạt doanh thu mà các phim bom tấn của Mỹ hoặc Hàn Quốc được nhập khẩu cũng còn phải thua. Một số phim khác như Cha và con của Phan Đăng Di, Cha cõng con của Lương Đình Dũng và nhiều phim khác, trong đó có hiện tượng Đảo của dân ngụ cư của Hồng Ánh... đã đoạt nhiều giải thưởng quốc tế cho thấy dù phim nghệ thuật hay phim thương mại, các kịch bản phim do người Việt làm ra đã chiếm một vị trí đáng kể trong lòng khán giả.

Trở lại với hai phim Sống chung với mẹ chồngNgười phán xử thì tôi không cho việc mua kịch bản hay câu chuyện nước ngoài để Việt hóa đã trở thành một xu hướng. Chỉ là ngẫu nhiên hai phim này cùng lúc lên sóng nên gây nên cảm giác đó mà thôi. Bằng chứng là sau hai phim này, các phim được phát sóng tiếp theo hoàn toàn là phim do người Việt viết, người Việt thực hiện.

Biên kịch Trịnh Thanh Nhã: Việt hóa phim truyền hình vẫn còn là thách thức lớn - Ảnh 2.

Người phán xử ăn khách bởi sự mới mẻ, lôi cuốn trong mối quan hệ ở thế giới ngầm

Làm phim với kịch bản nước ngoài có những cái lợi gì thưa chị?

- Việc làm phim bằng kịch bản nước ngoài thực ra có cái lợi nhưng cũng là thử thách không dễ vượt qua. Khi ta chọn mua một tác phẩm văn học như tiểu thuyết Sống chung với mẹ chồng của Trung Quốc hay một kịch bản hoàn chỉnh như Người phán xử của Israel thì có lẽ các nhà nhập khẩu đã chọn lựa rất kỹ, vì thế, truyện phim đương nhiên hấp dẫn, gay cấn. Điều này sẽ khiến cho ê kíp thực hiện được nâng cao tay nghề, lĩnh hội được kỹ thuật xây dựng kịch tính vốn đã là nguyên tắc tất yếu trong sách vở nhưng đã bị bỏ qua. Nay họ được thực hành trên cơ sở đó mà không thể tắc trách do những điều khoản trong hợp đồng mua bán và do độ vững chắc của cốt truyện trong nguyên tác. Đó là cái lợi. Nhưng cái thách thức cũng rất cận kề, đó là trình độ Việt hóa. Vì đó là câu chuyện của người nước ngoài với những nguyên tắc sống, tâm sinh lý của dân tộc khác, điều kiện sống của một xã hội khác... vì vậy, để người xem Việt Nam chấp nhận đây là câu chuyện của chính họ thật không dễ dàng.

Ở trên tôi đã nói về một chút lấn cấn trong hai bộ phim mà ta nhắc đến. Với Sống chung với mẹ chồng, đó là sự ác nghiệt đến tận cùng lý trí của người đàn bà Trung Quốc không giống với kiểu mềm mại mà thâm thúy của người phụ nữ Việt. Tôi chắc một bà mẹ chồng người Việt sẽ không "tận cùng kỳ lý" như bà Phương trong câu chuyện này hoặc có cũng không để lộ tâm địa của mình như ta đã thấy. Còn trong Người phán xử, cách bộc lộ tham vọng của người con trai (nhân vật Phan Hải) cũng không hạ cấp như thế. Ta có thể thấy ở Việt Nam, hầu hết những thiếu gia có cha mẹ là xã hội đen như trong phim lại khá ẩn mình và tàn độc một cách kín đáo hơn rất nhiều. Cũng trong phim này, dễ nhận thấy lực lượng chức năng khá thụ động, không đúng thực tế Việt Nam, cả với cảnh sát "bẩn" và cảnh sát "sạch".

Như vậy, kỹ năng Việt hóa một câu chuyện nước ngoài sẽ còn bị thử thách không chỉ một lần và nó đòi hỏi sự thấu hiểu tâm sinh lý, sự vận hành xã hội của người Việt.

Có một số người cho rằng Sống chung với mẹ chồng và Người phán xử ăn khách vì là phim chuyển thể, mua kịch bản nước ngoài. Ý kiến của chị về vấn đề này như thế nào?

- Thực ra khán giả không mấy người quan tâm đến việc phim hay kịch bản này có nguồn gốc từ đâu. Người xem chỉ cảm nhận hay hoặc không. Còn việc xem xét nguồn kịch bản là việc của các nhà chuyên môn. Và tôi cho đây là động thái tích cực bởi có nhận ra sự thua kém của mình về mặt nào đó thì mới có thể tự bù đắp, bồi dưỡng, hoàn thiện chính mình.

Biên kịch Trịnh Thanh Nhã: Việt hóa phim truyền hình vẫn còn là thách thức lớn - Ảnh 3.

Ê-kíp Sống chung với mẹ chồng đã thay đổi kết phim để chiều lòng khán giả

Theo chia sẻ của ê-kíp thực hiện bộ phim Sống chung với mẹ chồng, dù đã sản xuất xong nhưng ê-kíp đã quyết định thay đổi cái kết để chiều lòng khán giả. Cá nhân chị thấy việc các nhà làm phim lắng nghe ý kiến khán giả như vậy là nên hay không nên?

- Việc làm thêm hai tập cuối để có cái kết ấm áp hơn thực ra khá khiên cưỡng. Nhưng nó cũng cho thấy sự khác biệt của tính cách con người giữa hai xã hội, hai dân tộc, hai hoàn cảnh sống khác nhau. Và như trên tôi đã nói, sự chữa chạy này đã cho thấy kỹ năng Việt hóa một câu chuyện nước ngoài của chúng ta chưa thật hoàn hảo. Tuy nhiên, đây vẫn chỉ là những nỗ lực ban đầu và tôi tin là cũng với nỗ lực tiếp tục, các nhà làm phim sẽ có thể có những kịch bản Việt hóa hoàn hảo hơn, đồng thời kỹ năng sáng tác kịch bản cho phim cũng sẽ được nâng cao thích đáng.

Xin cảm ơn chị về những chia sẻ này!

Sống chung với mẹ chồng chính thức trở lại trên VTV3 Sống chung với mẹ chồng chính thức trở lại trên VTV3

VTV.vn - 34 tập của bộ phim Sống chung với mẹ chồng sẽ được phát lại trên sóng VTV3 vào 13h50 từ thứ Hai đến thứ Sáu hàng tuần, bắt đầu từ hôm nay (3/7).

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước