Đổi mới quan hệ lao động - Thách thức trước ngưỡng cửa TPP

Ban Thời sự-Thứ tư, ngày 20/04/2016 07:20 GMT+7

VTV.vn - Trong bối cảnh Việt Nam chuẩn bị thưc hiện các hiệp định tự do thương mại như TPP, vấn đề quan hệ lao động cần phải được đổi mới, trong đó có hoạt động của công đoàn.

Nếu Việt Nam muốn thực hiện các cam kết trong các Hiệp định tự do thương mại như TPP và FTA Việt Nam-EU thì đổi mới quan hệ lao động là một trong những điều khó thực hiện nhất bởi nhiều tiêu chuẩn mới. Ví dụ như người lao động có quyền tự do thành lập và lựa chọn tổ chức đại diện cho mình cùng rất nhiều thách thức khác chưa được công luận nói đến.

Trên trường quay chương trình Vấn đề hôm nay ngày 19/4, ông Nguyễn Mạnh Cường - Giám đốc Trung tâm hỗ trợ phát triển quan hệ lao động, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội khẳng định đây là thời điểm thích hợp để thực hiện đổi mới quan hệ lao động.

“Thứ nhất, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa tại Việt Nam bước vào hình thành các khu công nghiệp tập trung như Bình Dương, Bắc Ninh và chúng ta cần có các giải pháp thích hợp. Thứ hai, chúng ta chuẩn bị thực hiện các hiệp định tự do thương mại, trong đó có những điều khoản yêu cầu các nước tham gia điều chỉnh về luật pháp về quan hệ lao động” - ông Nguyễn Mạnh Cường nêu lên hai lý do.

Với bề dày và sứ mệnh lịch sử cho đến nay, hệ thống công đoàn thuộc Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đã thực hiện rất tốt nhiệm vụ của mình. Song đứng trước những thay đổi nhanh chóng trong kinh tế và hội nhập, hoạt động công đoàn cũng phải thay đổi.

Cho đến nay, các cơ chế đối thoại, thương lượng giữa chủ lao động với tập thể lao động chưa trở thành cơ chế phổ biến và hiệu quả. Trong 26 năm qua, cả nước đã xảy ra gần 5700 cuộc đình công nhưng hầu hết các cuộc đình công đều không có vai trò lãnh đạo của công đoàn và bỏ qua hầu hết các thủ tục pháp lý.

Giám đốc Trung tâm hỗ trợ phát triển quan hệ lao động cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đổi mới công đoàn: “Điểm mấu chốt là phải đổi mới nhận thức về quan hệ lao động trong nền kinh tế thị trường, khác với nền kinh tế kế hoạch hóa. Đặc biệt công đoàn ở cơ sở phải là tổ chức thực sự đại diện cho người lao động, bảo vệ lợi ích của người lao động. Vai trò của cả công đoàn, người lao động và người sử dụng lao động cần phải được đổi mới để phù hợp”.

Ông Nguyễn Mạnh Cường cũng nhận định Hiệp định TPP sẽ không tạo ra sức ép quá lớn trong tiến trình đổi mới quan hệ lao động: “Chúng ta đã có thời gian trước đó để chuẩn bị bởi trong quá trình đàm phán, chúng ta đã ý thức về chuyện này và định hình các bước đi. Tuy nhiên, chúng ta phải giải thích rõ hơn với xã hội, người lao động để tránh việc hiểu không chuẩn, không đúng dẫn đến cách diễn giải khác”.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước