Khủng hoảng ngoại giao: Đòn giáng mạnh vào kinh tế Qatar

Ban Thời sự-Thứ sáu, ngày 09/06/2017 06:33 GMT+7

VTV.vn - Cuộc khủng hoảng ngoại giao tại Qatar đang khiến quốc gia này gặp phải không ít khó khăn, nhất là vấn đề vận tải hàng không và lao động.

Việc 9 nước tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao không chỉ là cú sốc ngoại giao lớn đối với khu vực Trung Đông mà hành động này còn là đòn giáng mạnh vào nền kinh tế của Qatar, làm cuộc sống của người dân bị xáo trộn lớn. Trong nhiều ngày qua, trạng thái hoang mang bao trùm trên nhiều lĩnh vực của đời sống tại Qatar như vận tải đường không, đường biển, các ngành dịch vụ, ngân hàng, chứng khoán…

Phóng viên Vân Anh – Thường trú của Đài THVN tại Trung Đông cho biết, ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của cuộc khủng hoảng này là lĩnh vực hàng không.

"Qatar là điểm trung chuyển lớn về hàng không của khu vực Trung Đông và cả thế giới, tuy nhiên các tuyến hàng không cả đến và đi đa phần đều qua không phận của Saudi Arabia và Bahrain. Đây là hai quốc gia vừa chấm dứt quan hệ với Qatar. Ngoài ra, điều đáng lưu tâm từ cuộc khủng hoảng hiện nay là lực lượng lao động. Qatar đang nuôi một lực lượng lao động nước ngoài trong đó không ít đến từ các quốc gia vừa chấm dứt quan hệ như Ai Cập...".

"Các nền kinh tế vùng Vịnh đang phải đối mặt với một nỗi lo chung là làm sao đa dạng hoá được nền kinh tế trong bối cảnh giá dầu giảm. Thu hút đầu tư đang được xem là một bài toán sống còn đối với các nền kinh tế khu vực này, đồng thời hiện thương mại giữa Qatar và các quốc gia vùng Vịnh cũng chiếm tới 86% tổng kim ngạch thương mại với các nước Arab. Từ thực tế này, có thể thấy rằng nếu cuộc khủng hoảng hiện nay không sớm được tháo ngòi nổ, môi trường đầu tư kinh doanh mất ổn định thì không ai dám chắc mình được hay mất trong cuộc đấu này", phóng viên Vân Anh phân tích.

Những ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng ngoại giao không chỉ tồn tại ở khu vực vùng Vịnh, thị trường thế giới cũng phải chịu tác động không ít từ nó. Tuy nhiên, giới quan sát đều thống nhất rằng Qatar là một nền kinh tế có nhiều nội lực, là một đối thủ đáng gờm trong bất cứ cuộc đọ sức nào.

"Nếu như nói về sức chịu đựng của nền kinh tế, nguy cơ nền kinh tế Qatar sụp đổ vì chấm dứt quan hệ thương mại với một số quốc gia láng giềng là khó xảy ra. Qatar là quốc gia vẫn sống nhờ xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt, tính tự chủ của nền kinh tế tương đối cao. Bên cạnh đó, nước này còn đang sở hữu 330 tỷ USD tài sản đầu tư trên toàn cầu", phóng viên Vân Anh nói thêm.

Mặc dù vậy, mới đây Bộ trưởng Ngoại giao Qatar đã khẳng định sẵn sàng đối thoại để giải quyết khủng hoảng, trong khi Bộ trưởng Ngoại giao Saudi Arabia vẫn xem nước này là anh em. Có thể thấy, Qatar chắc chắn không muốn vị cô lập và các nước vùng Vịnh cũng không muốn đẩy Qatar đi quá xa, đặc biệt không muốn Doha đi vào quỹ đạo khác.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước