Rộn ràng múa Lân dịp Tết Trung thu tại Hà Nội

Minh Đức-Thứ năm, ngày 24/09/2015 17:53 GMT+7

VTV.vn - Mỗi mùa Trung thu, tiếng trống rộn ràng từ những màn múa Lân rực rỡ màu sắc lại khiến đường phố Hà Nội trở nên náo nhiệt.

Trong những năm gần đây, vào dịp Tết Trung thu, gần như ở mọi phường, quận trên địa bàn Hà Nội đều có hoạt động múa Lân để phục vụ các em nhỏ. Bộ môn nghệ thuật đường phố dân gian này không những mang lại niềm vui và sự hân hoan cho người xem mà còn là một nghề kiếm ra tiền vào dịp lễ hội.

Múa Lân tại các trường mầm non vào dịp Trung thu rất được các em nhỏ yêu thích.

Theo chân anh Vũ Văn Tác – trưởng nhóm Lân Sư Rồng của võ đường Thanh Phong đến một buổi luyện tập của nhóm, chúng tôi nhận thấy công việc luyện tập khá vất vả và đòi hỏi nhiều kĩ thuật khéo léo. Anh Tác chia sẻ: “Múa Lân đòi hỏi khá nhiều kĩ năng trong từng động tác. Mỗi bước đi trong múa Lân giống như bước chân của con hổ hay con mèo vậy. Nếu là múa trên mặt đất thì sẽ đi như hổ, nếu múa trên cọc thì sẽ nhẹ nhàng như mèo. Vậy nên những người múa Lân thường là những người có võ học, như vậy thì việc luyện tập sẽ dễ dàng và đỡ vất vả hơn rất nhiều”. Anh Tác cho biết thêm, những người có võ thường múa Lân dễ hơn bởi đã có sẵn căn cơ, khi múa chỉ cần tạo thế đi sao cho có hồn và lột tả hết được sự uyển chuyển, mạnh mẽ của lân sư.

Để luyện tập múa Lân, người múa cần phải có sức khỏe và sự dẻo dai để nhào lộn, nâng người và thực hiện những động tác khó.

Để múa Lân cần có 2 người, một người đóng làm đầu Lân, một người làm thân Lân. Người đóng đầu Lân phải nhỏ hơn người phía sau một chút nhưng tay phải khỏe để rung lắc và di chuyển đầu Lân nhịp nhàng. Người đóng thân Lân phải có sức khỏe và nhanh nhẹn để có thể nâng vác người phía trước lên đầu, vai hay đùi của mình. Vậy nên, người múa Lân không chỉ đòi hỏi sự dẻo dai và sức khỏe, mà còn phải tập trung cao độ, đưa thần hồn vào từng hành động nhưng vẫn phải giữ được sự phối hợp với bạn diễn.

Anh Vũ Văn Tác cũng chia sẻ thêm: “Ngoài múa Lân ra còn có múa Sư tử, múa Rồng. Múa Rồng thường được ưa chuộng vào những sự kiện trọng đại hơn và cần từ 9 đến 11 người. Số lượng người múa Rồng luôn là số lẻ và dễ hơn múa Lân nhiều. Vậy nên, để theo đuổi nghiệp múa Lân thì cần có đam mê và tâm huyết. Điều khó khăn nhất khi múa Lân chính là phải để cho hai người cùng múa thật nhịp nhàng và hiểu ý nhau, nếu không sẽ rất khó múa và dễ xảy ra tai nạn nghề nghiệp”.

Anh Vũ Văn Tác đang chỉnh lại tư thế và động tác cho các bạn trẻ học múa Lân.

Không chỉ dịp Trung thu múa Lân mới được ưa chuộng, vào những dịp như khai trương, động thổ, liên hoan hay lễ hội thì đội múa Lân Sư Rồng của anh Tác cũng được mời đi diễn rất nhiều nơi. Nhưng riêng dịp Trung thu năm nay, nhóm của anh đã kín lịch biểu diễn từ mùng 10/9. Đặc biệt là 3 ngày cuối tuần là thời gian cao điểm, nhóm của anh đi biểu diễn nhiều đến mức không có thời gian nghỉ ngơi. Tuy nhiên, riêng những nơi như trại trẻ mồ côi hay những chương trình từ thiện, nhóm anh luôn ưu tiên và biểu diễn hoàn toàn miễn phí. Anh cho biết, múa Lân vốn mang lại niềm vui bởi Lân là linh vật biểu tượng cho sự hạnh phúc, may mắn và thịnh vượng.

Nhóm múa Lân Sư Rồng võ đường Thanh Phong luyện tập trước khi trình diễn, mọi động tác đều được mài dũa chỉnh chu, mang tâm huyết và đam mê của người trong nghề.

Hiện nay, nhiều nhóm múa Lân và các công ty dịch vụ sự kiện khác cũng được mở ra để phục vụ thể loại nghệ thuật dân gian đường phố này. Giá cả cho mỗi màn biểu diễn được các công ty áp giá từ 3 đến 5 triệu đồng tùy thuộc vào số người và độ khó của tiết mục. Thực tế cho thấy, bộ môn nghệ thuật này đang được thương mại hóa mạnh mẽ, nhưng đối với những người tâm huyết và trách nhiệm với nghề thì giữ vững ý nghĩa của múa Lân là một niềm trăn trở không hề nhỏ.

Trên khắp địa bàn Hà Nội đang có hàng trăm nhóm múa Lân phục vụ ngày Tết Trung thu, khiến phố phường Thủ đô trở nên rôm rả, náo nhiệt hơn. Dù mang lại sự náo nhiệt, đông vui và là nghề kiếm ra tiền, nhưng đằng sau mỗi bộ đồ múa Lân màu sắc rực rỡ là hình ảnh người nghệ sĩ mệt nhoài với những giọt mồ hôi chảy dài trên trán. Sau tất cả, họ là những người đã bỏ ra không ít công sức, mồ hôi và tâm huyết để lưu giữ và phát triển bộ môn nghệ thuật dân gian này.

Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước