Trung tâm nhiệt đới Việt-Nga: "Ngôi nhà chung" của các nhà khoa học

Hồng Hoa - Hồng Phương (VTV4)-Thứ năm, ngày 29/01/2015 06:00 GMT+7

Trong gần 26 năm qua, họ đã miệt mài thực hiện hàng trăm đề tài nghiên cứu nhiệt đới, có khi ở từ 40-60 ngày liên tục trong rừng, trải qua cả sốt rét và vô vàn khó khăn...

Trong quá khứ, Việt Nam và Liên Xô trước đây đã có sự hợp tác đa dạng trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật. Vượt qua nhiều thăng trầm của lịch sử, hợp tác Việt Nam - LB Nga trong lĩnh vực này ngày nay đang tiếp bước trên nền tảng quan hệ Việt - Xô. Trung tâm nhiệt đới Việt - Nga được thành lập năm 1988 trên cơ sở Hiệp định liên chính phủ Việt Nam - Liên Xô, là một câu chuyện điển hình về hợp tác khoa học giữa hai nước.

Nghiên cứu tác động của khí hậu nhiệt đới lên khí tài, nghiên cứu các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như viêm gan siêu vi B, C, cúm A/H5N1 và nhiều vấn đề hóc búa, khó khăn liên quan tới khí hậu nhiệt đới là một trong những hoạt động chính của Trung tâm nhiệt đới Việt - Nga.

Thiếu tướng Nguyễn Hồng Dư, Đồng TGĐ Trung tâm nhiệt đới Việt - Nga chia sẻ: “Thông qua hoạt động của Trung tâm, chúng ta có điều kiện để tiếp cận một nền khoa học công nghệ hàng đầu thế giới, học hỏi được từ các chuyên gia Nga rất nhiều về mặt phương pháp, cách thức tổ chức tiến hành các hoạt động khoa học, cũng như điều kiện tiếp cận với các công nghệ chuyển giao để áp dụng trong điều kiện của Việt Nam để có thể khai thác và bảo quản tốt nhất các vũ khí trang bị kỹ thuật cũng như giải quyết các vấn đề của Việt Nam thông qua con đường hợp tác với phía Nga”.

Ba năm đầu tiên sau ngày thành lập, năm 1991, Trung tâm đã từng phải trải qua một thử thách sống còn: tồn tại hay không tồn tại, sau sự thay đổi thể chế chính trị ở Liên bang Nga.

Thiếu tướng Trịnh Quốc Khánh, Viện sĩ, nguyên TGĐ Trung tâm nhiệt đới Việt - Nga khẳng định: “Trung tâm vẫn tồn tại được, điều đầu tiên phải nói đến là quyết tâm chính trị của lãnh đạo, trước hết là của phía Việt Nam, mà trực tiếp là Bộ Quốc phòng Việt Nam cùng sự ủng hộ và thấu hiểu của các nhà khoa học Nga”.

Giờ đây Trung tâm nhiệt đới Việt Nga đang là "ngôi nhà chung" của hàng ngàn nhà khoa học Việt Nam - Nga. Trong gần 26 năm qua, họ đã miệt mài cùng nhau thực hiện hàng trăm đề tài nghiên cứu nhiệt đới, có khi ở từ 40-60 ngày liên tục trong rừng, trải qua cả sốt rét và vô vàn khó khăn.

Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Sinh học Alexandr Dmitriev, Phó giám đốc khoa học Viện Giám định Y khoa thành phố S.Peterburg nói: “Trung tâm giống như ngôi nhà chung của chúng tôi vậy. Dù chúng tôi không sống ở đây nhưng chúng tôi cùng làm việc ở đây, chúng tôi được liên kết với nhau bởi mục đích chung, bởi những nhiệm vụ chung. Mọi người ở đây đều cố gắng làm việc và khám phá, cũng như gặp gỡ với những người bạn mới. Càng ngày chúng tôi càng có nhiều bạn hơn”.

Tiến sĩ Khoa học Sinh học Olga Kalinina, Chuyên viên khoa học, Viện Vi sinh vật và Dịch tễ học Pasteur: “Tôi cũng muốn nói rằng ở đây môi trường làm việc không chỉ nghiêm túc mà còn rất thân thiện, đó cũng chính là yếu tố đóng góp vào sự thành công của các công trình khoa học thực hiện tại đây”.

Chỉ trong hai năm 2013-2014, Trung tâm nhiệt đới Việt - Nga đã triển khai thực hiện 44 đề tài khoa học các cấp. Năm 2015, lãnh đạo Trung tâm nhiệt đới Việt - Nga đang nỗ lực đưa Trung tâm trở thành một cơ sở khoa học quốc tế đa ngành, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của một đơn vị hợp tác khoa học công nghệ điển hình giữa hai nước Việt Nam và Liên bang Nga.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.

 

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước