Chiêu trò lừa bán thực phẩm chức năng

Kim Xuân, Phan Hằng, Đức Thắng-Thứ tư, ngày 12/07/2023 19:08 GMT+7

VTV.vn - Lợi nhuận cao, khiến nhiều người sẵn sàng sử dụng tên, số điện thoại giả mạo chuyên gia, bác sĩ danh tiếng, làm tại các bệnh viện lớn để bán thực phẩm chức năng.

Hàng ngày, cứ vài lượt lướt mạng xã hội, chúng ta lại bắt gặp các quảng cáo thực phẩm chức năng có sử dụng hình ảnh của các bác sĩ, giáo sư đầu ngành để tăng thêm uy tín cho sản phẩm. Nhưng thực chất, liệu có việc các bác sĩ, giáo sư này đồng ý cho các nhãn hàng sử dụng hình ảnh của họ hay không?

VTV đã liên tục cảnh báo về việc các trang Facebook, Fanpage, Tik Tok, YouTube sử dụng tên, số điện thoại giả mạo chuyên gia, bác sĩ danh tiếng, làm tại các bệnh viện lớn để bán thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thường gọi là thực phẩm chức năng. Lợi nhuận cao, khiến nhiều người sẵn sàng lừa đảo, để kiếm tiền trên sức khoẻ, thậm chí cả tính mạng của những người vốn đã khốn khổ vì bệnh tật.

Chiêu trò lừa bán thực phẩm chức năng - Ảnh 1.

Mắc cao huyết áp nhiều năm nên ông Túc luôn quan tâm đến các loại thuốc, thực phẩm chức năng điều trị bệnh này. Tình cờ, ông đọc được quảng cáo về một sản phẩm có tác dụng ổn định huyết áp, ngăn ngừa xơ vữa động mạch, hỗ trợ làm sạch mạch máu chỉ sau 2-4 tuần.

Sản phẩm còn được tư vấn bởi chuyên gia tim mạch hàng đầu Việt Nam - GS. TS Nguyễn Lân Việt, kèm theo những lời cảm ơn từ các bệnh nhân khỏi bệnh nhờ sử dụng thần dược này.

Theo tìm hiểu của phóng viên VTV, sản phẩm này được quảng cáo trên rất nhiều trang web khác nhau. Đặc biệt, ảnh một đằng nhưng tên chức danh của các chuyên gia, bác sĩ một nẻo.

Cụ thể tại địa chỉ nguyen-lan.shop, ngay dưới tiêu đề trang "Báo y học" là ảnh GS. TS Nguyễn Lân Việt, nhưng tên lại là Đào Thiện Hải kèm bài phỏng vấn chi tiết về bệnh cao huyết áp và những tác dụng thần kỳ của sản phẩm.

Còn địa chỉ vnhyper.online lại được thiết kế giống với trang web của Bệnh viện Bạch Mai. Không chỉ sử dụng hình ảnh của Giáo sư Lân Việt, website này còn nhắc đến sự có mặt của Bộ trưởng Bộ Y tế trong buổi giới thiệu sản phẩm.

Theo chỉ dẫn trên các website, phóng viên VTV đã để lại thông tin và số điện thoại, chỉ ít phút sau đã có nhân viên gọi điện thoại tư vấn.

Để tạo niềm tin cho người bệnh, những trang web trên khẳng định " đây là loại thuốc do GS Lân Việt nghiên cứu và sản xuất". Tuy nhiên, Cục An toàn thực phẩm khẳng định việc bác sĩ quảng cáo, giới thiệu về sản phẩm là vi phạm pháp luật.

Chiêu trò lừa bán thực phẩm chức năng - Ảnh 2.

Hình ảnh ghi tên Viện trưởng Viện Tim mạch Quốc gia Nguyễn Lân Việt, nhưng thực chất là ảnh GS.TS Trần Bình Giang, nguyên Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.

Tháng 6 năm nay, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế đã cảnh báo về việc thực phẩm bảo vệ sức khoẻ này được quảng cáo với nhiều nội dung gây hiểu nhầm về tác dụng như thuốc chữa bệnh; sử dụng hình ảnh bác sĩ, ý kiến bệnh nhân mô tả thực phẩm có tác dụng điều trị bệnh, quảng cáo không phù hợp với giấy xác nhận nội dung quảng cáo đã được cấp.

Lợi dụng uy tín bác sĩ để bán thực phẩm chức năng

Giả mạo chuyên gia, bác sĩ danh tiếng, làm tại các bệnh viện lớn để bán thực phẩm chức năng. Lợi nhuận cao, khiến nhiều người sẵn sàng lừa đảo, để kiếm tiền trên sức khoẻ.

Không phải ai cũng may mắn được cảnh báo sớm như ông Nguyễn Túc, nhân vật trong phóng sự trên. Nhiều bệnh nhân khác đã bỏ một số tiền lớn để mua sản phẩm này. Người bệnh thì vẫn tiền mất tật mang, còn chính các bác sĩ được nêu tên lại cho hay họ không hề hay biết về sản phẩm này.

Phóng viên VTV đã liên hệ với GS.TS Nguyễn Lân Việt, ông khẳng định bản thân không có bất kỳ liên quan nào đến sản phẩm này. Trong thời gian qua, GS.TS Nguyễn Lân Việt đã nhận được phản ánh của hàng chục bệnh nhân sau khi sử dụng.

Hiện, GS.TS Nguyễn Lân Việt đã gửi văn bản đề nghị Bộ Y tế, Bộ Thông tin - Truyền thông vào cuộc, yêu cầu các trang mạng này xóa bỏ các thông tin sai sự thật cũng như hình ảnh gây mất uy tín cho bản thân ông nói riêng và cả các bác sĩ khác

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước