Ban Khoa giáo: Thay đổi để chuyển mình

Đăng bởi Bài : Đăng Bền, Ảnh: Việt Phú 0 Bình luận

17 Tháng 6 2014

“Đến năm 2018, Ban Khoa giáo sẽ chính thức kỷ niệm 30 năm thành lập, thế nhưng, nếu tính từ mốc tách tổ Khoa giáo thuộc Ban Thời sự để thành lập Phòng Khoa giáo, năm 2014 cũng chính là mốc kỉ niệm 30 năm quá trình hình thành và phát triển Ban Khoa giáo” - Trưởng ban Khoa giáo Đỗ Quốc Khánh bao giờ cũng có những phát hiện thú vị như vậy trong mỗi lần gặp gỡ toàn thể cán bộ, nhân viên trong Ban. Đó cũng là một phần lý do để hoạt động trao đổi nghiệp vụ và trao giải chương trình hay Quý 2/2014 được tổ chức khá đặc biệt tại khu nghỉ mát Tam Đảo vào 2 ngày cuối tuần (14 & 15/6).

Các biên tập viên Ban Khoa giáo trong buổi sinh hoạt nghiệp vụ

Điểm tựa thông tin “khoa giáo”

Ba tập phim tài liệu Biển động do Ban Khoa giáo sản xuất và phát sóng vào đúng thời điểm căng thẳng nổ ra tại vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam, khi Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt giàn khoan trái phép và tung ra những luận điệu sai trái của họ về chủ quyền ở vùng biển này đã được thực hiện công phu, là một “tuyên ngôn” không thể chối cãi đối với vùng lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của Việt Nam. Series phim này cũng chính là lý do để hội thảo chuyên đề lần này tập trung vào thảo luận chủ đề “Nâng cao tính thời sự trong các chương trình khoa giáo”.

Trưởng ban Đỗ Quốc Khánh gợi mở nội dung thảo luận: “Thành công của series phim Biển động chính là nhờ tính thời sự và tính khoa giáo quyện vào nhau, khó tách biệt, với những luận cứ khoa học, làm rõ quan điểm chính trị và phi chính trị..., cập nhật thông tin ở biển Đông, yếu tố thời sự được đưa vào đã tăng tính hấp dẫn cho bộ phim lên rất nhiều. Tính thời sự đòi hỏi các chương trình khoa giáo phải có tính vấn đề, và quan trọng, làm thế nào để các chương trình khoa giáo hấp dẫn người xem?”.

Các biên tập viên Ban Khoa giáo lắng nghe chia sẻ từ đồng nghiệp

Chia sẻ về vấn đề này, đạo diễn Hoàng Lâm - tác giả của series phim tài liệu Biển Động nói: “Bất kể đó là một phóng sự hay một bộ phim, nếu có điểm tựa – “chân nến vàng” - mang tính khoa học, những luận cứ được đưa ra ở nhiều góc độ sẽ có sức thuyết phục lớn hơn. Phóng sự chính luận hay phóng sự khoa giáo có thể khác nhau ở điểm đến, nhưng phải giống nhau ở tính khoa học, phải có tính thuyết phục khách quan”.

Quay trở lại với sự kiện Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép tại vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam, chúng ta có khái niệm hạ đặt giàn khoan. Tại sao không phải là “đặt”? Khái niệm này liên quan đến góc nhìn. “Đặt giàn khoan” thì Trung Quốc không có lỗi nhưng “hạ đặt” thì không được phép. Đây là một ví dụ đơn giản, cho thấy nếu chương trình thời sự có được góc nhìn các vấn đề khoa học, lùi lại, sâu sắc hơn; nếu chất liệu phim Biển động được chuyển tải vào trong một bản tin, cách phân tích thông điệp như thế này sẽ có tác động tốt hơn.

Thời sự liên kết với khoa giáo, khẳng định lại nhu cầu thực tế, các vấn đề thời sự phải được đặt ở góc độ sâu sắc hơn, mảng nội dung đấy thuộc về những người làm khoa học. Nếu không làm được việc đó có nghĩa là không hoàn thành nhiệm vụ. Thời sự thiếu chất khoa học (khoa giáo) sẽ thiếu sức mạnh thuyết phục.

Chăm chú lắng nghe tham luận trong buổi sinh hoạt nghiệp vụ

“Bộ phim Biển động đã được chuẩn bị tư liệu ở các góc độ khoa học, lịch sử... về biển đông từ năm 2011. Chúng tôi đã thực hiện hàng chục cuộc phỏng vấn, trong đó nhiều nhân vật không xuất hiện trên truyền hình, nhưng đó lại là những cố vấn về khoa học có ảnh hưởng lớn nhất đối với nội dung của bộ phim. Tất cả những thông tin, tư liệu này được sắp xếp ngăn nắp vào từng “ngăn kéo”. Tuỳ vào mục đích, chúng tôi chỉ việc kéo từng “ngăn kéo” ra, sử dụng file mong muốn theo sự kiện đang được diễn ra.

Bàn về tính thời sự trong phim khoa học, đó chính là chiến lược lâu dài, là ý thức để thực hiệnnhững đoạn phim khoa học thuần tuý… Rõ ràng, chúng ta sẽ có một bộ phim cực kỳ khoa học nhưng đáp ứng được tính thời sự, bởi bộ phim nhờ đó mà mổ xẻ vấn đề chuyên sâu, có đồ hoạ minh hoạ, có chuyên gia tựa lưng,... Chắc chắn “rating” của những chương trình như vậy sẽ cao” - Đạo diễn Hoàng Lâm chia sẻ.

Thời sự là sự kiện, đúng nhưng chưa đủ. Thời sự làm thay đổi nhận thức con người trong thời điểm hiện tại. Bằng chứng là những thông tin khoa học liên quan đến khảo cổ xảy ra hàng triệu năm trước lại có tác động thời sự, làm cho chúng ta định hướng lại, tư duy lại,… Vì vậy, đòi hỏi đối với những người làm khoa giáo là phải kết nối những mối quan tâm đang có. Một khi kết nối được thì chương trình đó sẽ có sức sống, sẽ trả lời được câu hỏi tại sao chúng ta phát chương trình đó tại thời điểm này. Tìm góc độ để kết nối câu chuyện, đẩy mạnh được nội dung, cơ hội thành công và số lượng khán giả sẽ nhiều hơn.

Lôi cuốn khán giả bằng nhiều format chương trình hấp dẫn

Một sự thay đổi đáng kể trong các chương trình trên kênh Khoa học - Giáo dục thời gian gần đây, đó chính là các format chương trình mới do Ban Khoa giáo tự thiết kế, xây dựng. Không chỉ mới ở cách thể hiện như gameshow Sống xanh - Ai là chuyên gia?, truyền hình thực tế Khi trẻ vào bếp hay mới ở cả cách dám mạnh dạn tiếp cận những đề tài, nội dung khó truyền tải, như chủ đề giới tính, với câu chuyện 23h,... Những series chương trình này ngay sau khi lên sóng cũng đã tạo ra hiệu ứng rất tốt trong lòng khán giả.

Những tác phẩm đoạt giải cao nhất “Chương trình hay của Quý 2/2014” phần lớn thuộc về các format mới. Các chương trình Khoa giáo này đang thay đổi hấp dẫn hơn, giải trí hơn.

Nhà báo Đỗ Quốc Khánh - Trưởng Ban Khoa giáo phát biểu tại buổi sinh hoạt nghiệp vụ

“Một thực tế là những chương trình thay đổi format có chỉ số người xem cao hơn. Chúng ta cũng cần nhìn nhận thẳng thắn vào vấn đề. Tại sao có những chương trình có nội dung tốt nhưng chỉ số đánh giá “rating” còn thấp. Như vậy là sức hút của chương trình chưa có, các chương trình này cần phải tăng tính tương tác lên, “rating” sẽ cao hơn. Hiện, lãnh đạo Đài đang định hướng và tạo ưu tiên cho các chương trình Khoa giáo. Những ý kiến, đóng góp cho chương trình hiện nay là hoàn toàn tốt. Không thể không có những “hạt sạn” trong các chương trình, nhưng không vì thế mà “co lại”, làm “lành lặn” quá... đến mức vẫn phải đầu tư tiền mà chương trình không có người xem” - Trưởng ban Đỗ Quốc Khánh khẳng định.

Đồng quan điểm, đạo diễn Hồng Quảng trăn trở: “Các chương trình Khoa giáo hiện vẫn bị khô cứng, tính giải trí kém. Mặc dù đáp ứng được tiêu chí khoa giáo, đưa kiến thức đến cho người xem. Thế nhưng, quan trọng là phải giữ được người xem trước màn hình”.

Nhà báo Nhật Hoa cũng chia sẻ quan điểm của một chương trình được đánh giá là hay của một Nhà sản xuất người Hàn Quốc: “Chương trình phải đáp ứng được 4 yếu tố: có mặt tại nơi xảy ra vấn đề; có tính thời sự, thời điểm; có chiều sâu nội dung và có thử nghiệm mới”.

Đông đảo cán bộ, nhân viên Ban Khoa giáo tham gia buổi sinh hoạt nghiệp vụ

Hoạt động nghiệp vụ của Chi hội Nhà báo Ban Khoa giáo với việc tổ chức trình chiếu và thảo luận, phân tích những điểm được và chưa được trong những format chương trình mới một cách thẳng thắn, dân chủ,... trước toàn thể, cán bộ, người lao động của Ban đã và đang tìm ra những hướng đi mới, cách làm hay để nâng cao chất lượng các chương trình Khoa giáo từng ngày.

---

BTC đã chấm và chọn trao giải cho các chương trình hay Quý 2/2014, bao gồm:

01 Giải Nhất:

Chương trình 23h - Chủ đề “Chuyện khó nói của đàn ông” - Nhóm tác giả: Trương Công Tú, Tạ Minh Oanh, Nguyễn Phương.

02 giải Nhì:

- Chương trình Khi trẻ vào bếp (Số 2) - Nhóm tác giả: Liên Hà, Nguyệt Hà, Hoàng Lâm.

- Chương trình Ai là chuyên gia - Sống Xanh (Số 1) - Nhóm tác giả: Đăng Bền, Kim Phượng, Phạm Hùng, Hoàng Lâm, Phùng Tú.

04 giải Ba:

- Chương trình Kỹ năng thoát hiểm - Thoát hiểm khi cháy hầm lò - Nhóm tác giả: Bạch Quỳnh, Đức Hiếu, Huỳnh Cường, Vũ Hiền.

- Chương trình Tâm Hồn Việt - Hà Nội của tôi - Nhóm tác giả: Hà Châu, Cẩm Vấn, Đức Hiếu, Đình Hoàn, Ngô Duyên.

- Chương trình Khám phá: Trống Đọi Tam - Nhóm Tác giả: Ngọc Ánh, Việt Phú, Hồng Trang, Thu Quyên, Hồng Ngọc, Trần Quý, Thành Luân, Phương Đông, Văn Thắng, Nguyễn Hưng.

- Chương trình Kiến thức cộng đồng - Trải nghiệm Xuân Sơn - Nhóm tác giả: Minh Hiếu, Hưng Đô, Thành Nhân

01 Giải Khuyến khích:

Chương trình Nông nghiệp xanh - Sản xuất rau theo hướng hữu cơ - Nhóm tác giả: Hoài Hương, Phương Lan, Quốc Thắng, Bá Trung.

01 Giải cho Biên tập viên có sự nỗ lực cao trong sản xuất chương trình Quý 2/2014: BTV Thành Các - phòng Khoa học Xã hội.

Bạn có thắc mắc cần VTV giải đáp, bạn có thông tin cần cung cấp, hoặc chỉ đơn giản là bạn có băn khoăn muốn chia sẻ với chúng tôi, xin sử dụng form dưới đây và gửi nội dung cho Tòa soạn.