Tầm nhìn mới về nông nghiệp - Ưu tiên chiến lược trong phát triển kinh tế Việt Nam

Ban Thời sự-Thứ năm, ngày 01/10/2015 10:23 GMT+7

VTV.vn - Việc triển khai các sáng kiến trong tầm nhìn mới về nông nghiệp là chủ đề chính được bàn luận trong Đối thoại chính sách phát sóng ngày 30/9/2015.

Nông nghiệp Việt Nam đang trong giai đoạn chuyển đổi, hội nhập mạnh mẽ và ngày càng đứng trước nhiều thách thức. Đa phần người nông dân còn nghèo, thiếu vốn và yếu trong việc áp dụng khoa học công nghệ. Tự bản thân những người nông dân không thể giải quyết được những yếu kém này trong khi nhà nước cũng không có khả năng đảm bảo đầy đủ việc tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho 13 triệu hộ nông dân. Do đó, việc thu hút doanh nghiệp tham gia liên kết đầu tư vào nông nghiệp đang là yếu tố tiên quyết để xây dựng nền nông nghiệp tiên tiến, tạo sản phẩm có vị thế cao trên thị trường thế giới.

Nhiều người cho rằng nếu số lượng tham gia đầu tư vào nông nghiệp tăng lên, hàng hóa sẽ thành chuỗi giá trị toàn cầu và Việt Nam sẽ có khả năng trở thành “bếp ăn” của thế giới trong tương lai không xa. Hiện nay, Việt Nam có nhiều sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu đứng vị trí đầu bảng của đầu thế giới, đóng góp tới 20% GDP cả nước. Đây cũng là lĩnh vực được đánh giá là có vị thế cạnh tranh lớn nhất của Việt Nam hiện nay. Năm ngoái, kim ngạch xuất khẩu từ các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam đạt gần 31 tỷ USD, là lĩnh vực hiếm hoi tạo ra thặng dư thương mại tới 9,5 tỷ USD. Trong đó, Việt Nam có tới 10 mặt hàng nông sản đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD.

Trong tầm nhìn mới về nông nghiệp, Chính phủ Việt Nam đã đặt nông nghiệp làm trọng tâm cho sự phát triển kinh tế và xem sự phát triển nông nghiệp bền vững là ưu tiên chiến lược. Trong khi đó, khoa học công nghệ và hợp tác công tư sẽ là hai nhân tố hàng đầu giúp thúc đẩy quá trình thực hiện mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững.

Việt Nam đã triển khai các sáng kiến trong tầm nhìn mới về nông nghiệp như thế nào? Việc tạo cơ chế và chính sách cho gần 20 tập đoàn đa quốc gia và công ty quốc tế triển khai mô hình hợp tác công tư trong ngành nông nghiệp với 5 nhóm hàng hóa và 1 nhóm tài chính vi mô bao gồm: cà phê, chè, rau quả, thủy sản, cây lương thực, làm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, đã và đang mang lại lợi ích gì cho các bên tham gia chương trình liên kết này?

Để bàn luận sâu hơn về vấn đề này, chương trình Đối thoại chính sách đã mời tới trường quay Tiến sĩ Đặng Kim Sơn - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược và Chính sách Phát triển Nông nghiệp và Nông thôn, Tiến sĩ Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng và ông Trần Vũ Hoài - đại diện Tập đoàn Unilever tại Việt Nam.

Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước