Truyền hình công gặp khó trong cuộc đua bản quyền thể thao

Quang Duy, Thanh Hiệp (Trung tâm Tin tức VTV24)-Thứ bảy, ngày 11/08/2018 20:26 GMT+7

VTV.vn -Nhiều đài truyền hình công trên thế giới tiếp tục chứng kiến các giải đấu thể thao đỉnh cao xa rời kênh sóng của họ vì tiềm lực tài chính kém các kênh truyền hình trả tiền.

Ngoại hạng Anh, La Liga, Series A và cả Champions League là những giải đấu mà chỉ nghe tên cũng đã khiến khán giả cảm thấy vô cùng hào hứng. Trước mỗi mùa bóng, các nhà đài tại châu Âu đều cạnh tranh cực kỳ gay gắt để giành quyền phát sóng các trận đấu trên kênh của mình, nhờ đó tăng lượng khán giả và doanh thu. Tuy nhiên, trong cuộc đua thương mại này, nhiều đài truyền hình công đang có dấu hiệu bịt tụt lại phía sau so với các kênh truyền hình trả tiền sở hữu tiềm lực tài chính hùng mạnh.

Champions League là giải bóng đá cấp CLB được theo dõi nhiều nhất tại Đức. Tuy nhiên, kể từ năm nay, khán giả Đức sẽ không còn được xem Cúp châu Âu này miễn phí trên truyền hình, ít nhất là trong vòng 3 mùa giải tới.

Truyền hình công gặp khó trong cuộc đua bản quyền thể thao - Ảnh 1.

ZDF - đài truyền hình công của Đức đã lần đầu tiên mất bản quyền phát sóng Champions League vào tay Sky - đối thủ truyền hình trả tiền với tiềm lực tài chính hùng mạnh hơn hẳn.

Còn tại Italy, các khán giả của giải vô địch bóng đá vô địch quốc gia Series A có thể đang rất hào hứng với sự xuất hiện của ngôi sao Cristiano Ronaldo. Thế nhưng, tin buồn là họ chưa chắc đã được xem Ronaldo thi đấu miễn phí hàng tuần. Lý do là bởi RAI - đài truyền hình công của Italy chỉ mua được bản quyền phát sóng một phần giải đấu.

Không chỉ bóng đá, giá bản quyền ngày càng đắt đỏ đang khiến thể thao đỉnh cao dần rời xa sóng truyền hình công.

Tại Mỹ, đài PBS từ lâu chỉ có thể phát sóng các giải thể thao nhỏ cấp học sinh, sinh viên nhưng không thể nào mơ tới những môn hút khán giả như bóng bầu dục hay giải bóng rổ NBA có bản quyền hàng tỷ USD.

CBC, đài truyền hình công của Canada hồi năm 2014 cũng đã để mất bản quyền giải khúc côn cầu trên băng, môn thể thao được ưa thích nhất tại quốc gia Bắc Mỹ này, vào tay một công ty truyền thông thương mại và sau đó phải chấp nhận mua lại. Lý do không gì khác cũng nằm ở vấn đề chi phí.

Còn tại Nam Phi, hồi năm 2017, nghiệp đoàn lớn nhất nước này thậm chí đã kêu gọi biểu tình và tẩy chay trận đấu của đội tuyển bóng bầu dục quốc gia vì không được xem trực tiếp trên truyền hình.

Theo thống kê, chỉ 20% người dân Nam Phi có điều kiện xem thể thao trực tiếp trên truyền hình trả tiền, còn đại bộ phận khán giả có thể xem trên kênh truyền hình quốc gia nhưng chỉ là bản phát lại, sau khi trận đấu đã kết thúc được 2 tiếng.

Bản quyền truyền hình World Cup  - 'Món hời' hay 'món nợ'? Bản quyền truyền hình World Cup - "Món hời" hay "món nợ"? Vi phạm bản quyền - “Gánh nặng” cho doanh nghiệp OTT truyền hình Vi phạm bản quyền - “Gánh nặng” cho doanh nghiệp OTT truyền hình “Chiêu” kiếm tiền của FIFA: Át chủ bài là bản quyền truyền hình trực tiếp “Chiêu” kiếm tiền của FIFA: Át chủ bài là bản quyền truyền hình trực tiếp

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước