Bản quyền truyền hình World Cup - "Món hời" hay "món nợ"?

PVCập nhật 15:37 ngày 10/06/2018

VTV.vn - Có người vẫn khẳng định là gì thì gì, bản quyền World Cup cũng là một "món hời" cho nhà Đài, nhưng thực tế thì sao?

Bản quyền truyền hình World Cup chắc chắn là câu chuyện nóng nhất tuần qua cũng là chủ đề chính của chương trình "Ấn tượng Thể thao 7 ngày" tuần này.

"Với chúng tôi đây là một chủ đề khó vì mấy lẽ, đây là chuyện của Đài Truyền hình Việt Nam, nói sao cho khách quan thuyết phục với quí vị. Thứ 2 là Đài THVN có kênh thông tin chính thức về chuyện này và chúng tôi phải làm sao kể chuyện bản quyền mà không được dùng bất cứ một thông tin gì diễn ra sau cánh cửa cơ quan cả. Khó thật, nhưng quí vị xem chương trình của chúng tôi mỗi tuần và hy vọng nghe câu chuyện mình quan tâm nhất. Hôm nay chúng tôi sẽ nói về bản quyền truyền hình, nhưng trong một tuần đã có quá nhiều chuyên gia về kinh doanh bản quyền, những người thạo tin xuất hiện rồi, chúng tôi sẽ chỉ phân tích dựa trên những gì thật ra đã xảy ra rồi. Đây là những điều mà đôi khi chúng ta cũng chẳng quan tâm xem thực sự bản chất của chúng là gì", BTV Quốc Khánh chia sẻ.

Bản quyền truyền hình World Cup - "Món hời" hay "món nợ"?

Một trong những điều ấn tượng nhất tuần trong vô vàn thông tin về bản quyền World Cup là những con số, những miêu tả về cuộc kinh doanh của Đài Truyền hình Việt Nam với bản quyền truyền hình. Đó là những con số kiểu như 20 triệu USD, thậm chí mạnh hơn có báo còn nhắc đến con số ngàn tỷ đồng, sau khi nhân tiền thu được từ một đúp quảng cáo từ trận chung kết ra cho từng phút một của giải đấu. Hay nói tóm đi tóm lại thì có người vẫn khẳng định là gì thì gì World Cup cũng là một "món hời" cho nhà Đài.

Nhưng đó có thực sự là "món hời"?

Năm 2006 có ít nhất 3 Đài Truyền hình lớn ở Việt Nam có bản quyền phát sóng World Cup và lễ công bố bản quyền thời đó được tổ chức từ trước vài tháng rất long trọng. Nếu quả thật bản quyền truyền hình các giải đấu lớn là một món hời trăm tỷ cho các nhà Đài thì cứ 2 năm một lần họ phải giàu có hơn rất nhiều rồi.

Bản quyền truyền hình World Cup  - Món hời hay món nợ? - Ảnh 1.

Giờ món hời đó sau 12 năm chỉ còn VTV còn đứng ra nhận trách nhiệm mang lại cho khán giả.

Còn nếu nói về báo chí, năm 2010, tờ New York Times đã có bài viết phân tích về World Cup tổ chức ở Nam Phi.

Bài báo có tựa đề Giá trị thật của bản quyền truyền hình được đăng 3 tuần trước khi World Cup 2010 bắt đầu trong đó nói lên một bức tranh chung của truyền hình thế giới trong bối cảnh giá trị bản quyền truyền hình tăng chóng mặt. Và một câu trích dẫn trong đó của đại diện một hãng nghiên cứu truyền hình uy tín ở London. "Giá trị bản quyền truyền hình đang tăng đến mức mà các nhà đài đã không còn trang trải nổi nếu chỉ trông vào quảng cáo nữa rồi".

Đó là xu hướng của 8 năm trước, và đọc lại mới thấy nhiều thông tin thú vị, kiểu như là ngày đó khán giả Singapore bắt đầu phản đối hai nhà cung cấp là Sing Telecom và Starhub vì bắt họ trả tiền quá cao để được xem World Cup.

8 năm sau giá vẫn đang tăng lên ở Singapore và bên cạnh việc kêu ca trên mạng xã hội thì khán giả ở đây bắt đầu tìm trước những quán xá có chiếu World Cup trên màn hình lớn. Thế nên nếu cứ ngồi cầm máy tính nhân giá tiền quảng cáo dành cho trận chung kết World Cup cho từng phút trước giữa sau của cả 64 trận đấu thì cuộc kinh doanh của chúng ta thật hoàn hảo. Còn thực tế thì chẳng bao giờ như vậy cả.

Mua bản quyền World Cup - Mạo hiểm chả kém... chơi cá độ

Công việc kinh doanh mà cũng dựa vào trái bóng tròn thì xét trên một khía cạnh nào đó các nhà Đài nhiều khi cũng mạo hiểm chả kém gì người chơi cá độ bóng đá. Mà kinh nghiệm này không ai trả giá đắt hơn hãng Fox của Mỹ. Họ lo mua bản quyền từ rất sớm.

Kênh Fox bỏ ra hơn 400 triệu USD để mua luôn bản quyền phát sóng của hai kỳ World Cup 2018 và 2022, sớm đến mức mà họ không thể tính trước được rằng Đội tuyển Mỹ cuối cùng không thể đến được World Cup 2018 vì những bàn thua khá là ngớ ngẩn trên sân Trinidad và Tobago.

Bản quyền truyền hình World Cup  - Món hời hay món nợ? - Ảnh 2.

Giờ đây, Fox biết làm gì với một kỳ World Cup mà các trận đấu không có đội tuyển Mỹ sẽ bắt đầu lúc tờ mờ sáng ở bờ Tây và giờ đi làm ở bờ Đông.

Bên cạnh đó họ cũng không thể đoán được Panama sẽ là đội thay thế với một bàn thắng mà thậm chí bóng không đi vào lưới. Giờ đây, Fox biết làm gì với một kỳ World Cup mà các trận đấu không có đội tuyển Mỹ sẽ bắt đầu lúc tờ mờ sáng ở bờ Tây và giờ đi làm ở bờ Đông.

Trả lời phỏng vấn tờ Thời báo Los Angeles cách đây ít ngày ông David Neal giám đốc sản xuất chương trình World Cup của Fox Sport tự an ủi "Thôi thì bây giờ thay vì chỉ tập trung vào mỗi câu chuyện của đội tuyển Mỹ chúng tôi có 32 đội tuyển để mà nói". Tuy nhiên thực tế, nhân sự đến Nga thực hiện các chương trình của hãng đã giảm từ 450 người xuống còn còn 200 người.

Không chỉ có World Cup, giá bản quyền của rất nhiều giải đấu khác cũng tăng, tăng và chỉ có tăng

Sau thành công của U23 Việt Nam ở giải đấu đầu năm, giá trị bản quyền truyền hình các giải đấu vốn dĩ không quá đắt này, đến lúc này đã là những con số khác hẳn. Liệu khán giả có cảm thấy lo lắng, liệu truyền thông có lại theo sát VTV như trong những ngày qua không nếu VTV không thể phục vụ khán giả những giải đấu này:

- AFF Cup 2018 cuối tháng 11 đội tuyển quốc gia Việt Nam tham dự.

- Môn bóng đá nam tại Asiad vào tháng 8 có đội tuyển U23 Việt Nam đình đám tham dự.

- Vòng chung kết giải U19 châu Á nơi chúng ta từng vào đến bán kết và giành quyền dự World Cup U20 năm ngoái.

- Vòng chung kết U16 châu Á đây chính là lứa cầu thủ đánh bại chủ nhà Thái Lan giành chức vô địch U15 Đông Nam Á năm ngoái.

Giá trị bản quyền truyền hình của các giải đấu này đã thay đổi rất nhiều kể từ sau cơn sốt của đội tuyển U23 Việt Nam, nhưng có một thứ chưa chắc đã lặp lại thậm chí có thể nói là khó lòng lặp lại đó chính là một kỳ tích như chúng ta đã từng thấy ở Thường Châu vào năm nay. Món hời ư? Rất có thể trở thành món nợ!. Trong tuần rồi, ông Park Hang Seo có trả lời phỏng vấn trên báo chí mà nói đại ý rằng người hâm mộ Việt Nam chưa từng sẵn sàng cho ước mơ World Cup. Một giả thiết có vẻ không tưởng, nếu đội tuyển Việt Nam giành quyền dự World Cup giá bản quyền truyền hình cho quốc gia có đội bóng tham dự sẽ là một câu chuyện hoàn toàn khác và ít nhất thì ông Park đã nói đúng ở khía cạnh: Đài Truyền hình Việt Nam chưa từng nghĩ đến điều này.

Thực tế cho thấy, biên độ tăng giá bản quyền truyền hình thể thao ở châu Âu đã bắt đầu giảm đi, và các công ty kinh doanh bản quyền đang hướng máy đếm tiền của mình về những quốc gia như Việt Nam - nơi mà người dân vẫn đang xem nhiều giải đấu lớn miễn phí hoặc trả không nhiều. Các nhà Đài có kênh quảng bá sẽ kết thúc sứ mệnh của mình và các kênh truyền hình trả tiền sẽ vào cuộc. Người xem cũng đừng ngạc nhiên vì điều đó đâu có mới mẻ gì. 20 năm trước, lúc đó có ai nghĩ rồi đến một ngày chúng ta sẽ không bao giờ được xem giải Ngoại hạng Anh cuối tuần trên VTV3 nữa.

Hãy tận hưởng thêm một kì World Cup... miễn phí

Vào năm 2001, Báo điện tử VnExpress có bài báo viết, từ mùa giải 2001, kênh ESPN mua bản quyền độc quyền giải ngoại hạng Anh và Đài Truyền hình Việt Nam trước sức ép nhu cầu khán giả đã chấp nhận tiếp sóng nguyên cả Logo của kênh này cùng một số quảng cáo để người hâm mộ được xem trên kênh quảng bá. Rồi mọi chuyện tiếp diễn ra sao? Rồi thì bóng đá Anh chỉ còn trên hệ thống truyền hình trả tiền. Không chỉ có một hệ thống truyền hình trả tiền, mà hai hệ thống truyền hình trả tiền. 

Bản quyền truyền hình là một cuộc chơi của luật lệ quốc tế dù khán giả có quen với nó hay không. 5 năm trước, khán giả và truyền thông đã phản đối khái niệm gói độc quyền của K+ với một vài trận đấu hay giải đấu. Nhiều đơn vị truyền thông ngang nhiên vi phạm bản quyền của Champions League vào năm ngoái, và sốc vì đơn vị cung cấp chấm dứt hợp đồng luôn gây thiệt hại lớn cho VTVcab. Một năm sau, tức là năm nay, nhiều người lại cảm thấy hạnh phúc khi cuối cùng cũng được bỏ ra 300.000 đồng cho vài kênh K+ trên chiếc đầu thu HD của VTVcab và yên tâm xem trận chung kết Champions League ngay ở TV nhà mình.

Đừng bi quan nếu đó là tương lai đã dự đoán trước, vì mọi thứ còn có thể tệ hơn nhiều. Sẽ không chỉ có K+, rất nhiều ông lớn của truyền hình trả tiền đang nhòm ngó vào thị trường mà khán giả đang dần quen với việc móc hầu bao để xem bóng đá. Như là điều mới nhất xảy ra ở nước Anh mới cách đây 2 ngày. 

Gã khổng lồ Amazon đã ký hợp đồng để mua gói trận đấu cuối cùng của giải Ngoại hạng Anh trong 3 mùa giải từ 2019 đến 2022, họ bỏ ra 30 triệu bảng Anh chỉ để có được 20 trận đấu của mùa giải, bao gồm các trận đấu trong ngày lễ tặng quà và một vòng đấu giữa tuần. Từ nay có 3 hệ thống truyền hình trả tiền kinh doanh các trận đấu ở giải Ngoại hạng Anh, lớn nhất vẫn là Sky Sport 128 trận, BT Sport 52 trận và Amazon 20 trận. Tính tổng cộng nếu một khán giả ở Anh muốn xem mọi trận đấu của giải Ngoại hạng Anh, họ sẽ trả 860 bảng một năm cho các hệ thống này. 

Từ những gì phân tích ở trên, lời cuối của "Ấn tượng Thể thao 7 ngày" đó là: Hãy tận hưởng thêm một World Cup miễn phí nữa trên các kênh sóng của Đài Truyền hình Việt Nam, VTV hân hạnh được phục vụ.

Tổng hợp: Vòng chung kết EURO 2016
1 1 1