Doanh nghiệp truyền thống như quả trứng, nếu không chuyển đổi số sẽ thành món ăn của "kẻ phá bĩnh"

Tạ Hiển-Thứ tư, ngày 18/07/2018 17:46 GMT+7

Các diễn giả tham gia phiên thảo luận về Kinh tế số nhận kỷ niệm chương của Vietnam ICT Summit 2018

VTV.vn - Đó là nhận định đáng chú ý của ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch HĐQT NextTech tại phiên thảo luận về kinh tế số tại Diễn đàn Vietnam ICT Summit 2018.

Hôm nay (18/7), Diễn đàn Cấp cao CNTT-TT Việt Nam (Vietnam ICT Summit) 2018 đã diễn ra tại Hà Nội với chủ đề: "Hướng tới Chính phủ số và Kinh tế số", trong đó, phiên thảo luận về Kinh tế số đã thu hút sự quan tâm của nhiều cơ quan ban ngành và doanh nghiệp. Người chịu trách nhiệm điều hành phiên thảo luận - Tiến sĩ Võ Trí Thành - Nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cũng nhận định đây là chủ đề quan trọng hàng đầu tại diễn đàn Vietnam ICT Summit năm nay.

Trong bài phát biểu mở đầu chuyên đề, ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch HĐQT NextTech đã đề cập tới những nguy cơ đối với các doanh nghiệp truyền thống khi các doanh nghiệp này ngày càng thiếu cạnh tranh so với các doanh nghiệp trẻ ứng dụng mạnh công nghệ. Nguy cơ đó còn với đến từng cá nhân với khái niệm "thất nghiệp tuổi 35" ngày càng trở nên phổ biến khi lực lượng lao động truyền thống đang bị thải loại vì không cạnh tranh được với lao động trẻ với nhiều kỹ năng công nghệ hơn hoặc bị thay thế bởi máy móc.

Doanh nghiệp truyền thống như quả trứng, nếu không chuyển đổi số sẽ thành món ăn của kẻ phá bĩnh - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch HĐQT NextTech

Làn sóng ứng dụng KHCN thứ 4 hiện nay đã sản sinh ra nhiều khái niệm mới như kinh tế số, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ, toàn cầu hoá… Kinh tế chia sẻ tạo ra thách thức vô cùng nghiêm trọng cho các doanh nghiệp truyền thống sở hữu nhiều tư liệu sản xuất, từ các hãng taxi cho đến khách sạn hay ngân hàng. Kinh tế tri thức với hình ảnh các tỷ phú công nghệ tự thân và Top 5 doanh nghiệp có giá trị thị trường lớn nhất thế giới hiện nay đều là các công ty công nghệ.

Toàn cầu hóa đang diễn ra nhanh đến kinh ngạc với mỗi phát minh hay ứng dụng mới chỉ mất một vài tháng đã lan ra toàn thế giới thay vì hàng chục năm như ở các làn sóng trước; những doanh nghiệp hiện diện đa quốc gia sẽ đè bẹp các doanh nghiệp đơn quốc gia nhờ khả năng hút vốn đầu tư lên đến hàng tỷ USD và hệ sinh thái đa dịch vụ. Alibaba và Amazon đưa ra khái niệm New Retail (bán lẻ mới) nhảy từ online xuống offline mở các siêu thị vật lý kiểu mới đe dọa thêm các doanh nghiệp bán lẻ truyền thống. Từng đó ví dụ cho thấy, các mô thức kinh doanh trong kỷ nguyên kinh tế số có khác biệt rất lớn và thay đổi rất nhanh, mang lại rất nhiều thách thức cho các doanh nghiệp truyền thống muốn chuyển đổi số (Digital Transformation).

Doanh nghiệp truyền thống như quả trứng, nếu không chuyển đổi số sẽ thành món ăn của kẻ phá bĩnh - Ảnh 2.

Toàn cảnh phiên thảo luận về Kinh tế số

Thách thức lớn nhất bắt đầu từ nhận thức được rằng, môi trường kinh doanh đã khác xưa nhiều và công việc kinh doanh ngày nay đòi hỏi phải được dẫn dắt bởi công nghệ trên nền tảng minh bạch. Nhận thức không đầy đủ sẽ dẫn đến thay đổi nửa vời, dùng sai người, chậm thay đổi hoặc thay đổi nửa vời dẫn đến thiếu đột phá và lãng phí. Câu chuyện hàng loạt chuỗi bán lẻ lâu đời vừa phá sản gần đây tại Mỹ trước cơn lốc e-Commerce và New Retail là minh chứng sinh động cho thách thức này. Thách thức thứ hai đến từ đội ngũ lãnh đạo thiếu Gen công nghệ nên không biết ứng dụng công nghệ để tăng năng suất ở đâu, lộ trình chuyển đổi số như thế nào dẫn đến quyết định sai lầm, khi đó cải cách đồng nghĩa với lãng phí và tốn kém.

Ông Nguyễn Hòa Bình khẳng định, đối thủ lớn nhất với các doanh nghiệp truyền thống không phải đến từ các doanh nghiệp truyền thống khác, mà đến từ một lớp doanh nghiệp mới có gốc gác xuất thân công nghệ nhảy vào kinh doanh cùng lĩnh vực cạnh tranh với các doanh nghiệp truyền thống, hay còn gọi là kẻ phá bĩnh (disrupter) với các cái tên điển hình như Uber trong lĩnh vực vận tải hay AirBnB trong lĩnh vực lưu trú.

"Với lớp doanh nghiệp mới này, động lực của họ là sự thất vọng và mất niềm tin vào chất lượng sản phẩm dịch vụ hoặc giá thành của các doanh nghiệp truyền thống; lợi thế lớn nhất của họ đến từ sự hiểu biết và năng lực triển khai ứng dụng công nghệ. Lợi thế lớn thứ hai đến từ một điểm tưởng như là yếu nhưng thực ra lại là điểm mạnh, đó là sự thiếu hiểu biết và kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh truyền thống đó. Lấy trường hợp một công ty bảo hiểm lớn nhất Trung Quốc đạt định giá 10 tỷ USD chỉ sau 5 năm khởi nghiệp, họ tự định nghĩa mình doanh nghiệp công nghệ và ưu tiên tuyển dụng nhân viên có nền tảng công nghệ chứ không phải bảo hiểm. COO của họ là một cựu quản lý sản phẩm tại Google cho biết không một ai trong Ban điều hành từng làm ở công ty bảo hiểm, chính vì vậy, họ có cách tiếp cận tươi mới khác biệt hoàn toàn đối với ngành bảo hiểm và từ đó tạo được đột phá khác biệt chứ không bị cản trở bởi các tư duy cũ kỹ lạc hậu của các doanh nghiệp bảo hiểm truyền thống" - Chủ tịch HĐQT NextTech chia sẻ.

Doanh nghiệp truyền thống như quả trứng, nếu không chuyển đổi số sẽ thành món ăn của kẻ phá bĩnh - Ảnh 3.

Các diễn giả cùng nhau tranh luận và trả lời câu hỏi của đại biểu tham dự diễn đàn

Ông Nguyễn Hòa Bình cũng đưa ra một so sánh khá thú vị tạo được sự chú ý của hội trường: "Có thể ví von trong kỷ nguyên kinh tế số hiện nay, các doanh nghiệp truyền thống đang ở tình thế bất lợi như trong một quả trứng, nếu thực hiện chuyển đổi số thành công thì sẽ phá được lớp vỏ trứng chính là các tư duy và cách làm xưa cũ để nở thành con gà sống, nếu không sẽ bị đánh từ ngoài vào và trở thành món ăn ngon miệng của các kẻ phá bĩnh thời công nghệ lên ngôi".

Đại diện của NextTech khẳng định, đơn vị này không phải là "kẻ phá bĩnh" cũng không phải là doanh nghiệp thuần công nghệ. Sau 10 năm khởi nghiệp trong ngành thương mại điện tử chật hẹp, từ năm 2014 NextTech đã tái định nghĩa thành doanh nghiệp điện tử hoá, là gạch nối giúp các doanh nghiệp truyền thống chuyển đổi mô hình hoạt động lên nền tảng số để trở nên cạnh tranh hơn trong một nền kinh tế số đầy thách thức. NextTech không bán phần mềm hay giải pháp công nghệ, mà là cho không các Platform của mình để đồng hành cùng kinh doanh với các doanh nghiệp truyền thống và chia sẻ thành công đến từ các giá trị gia tăng mang lại cho người dùng cuối và đối tác với mong muốn thúc đẩy chuyển đổi số nhằm mang lại sự TIỆN và LỢI cho chuỗi giá trị đó. Sau 17 năm, NextTech-group đã phát triển thành một Hệ sinh thái gần 20 thương hiệu điện tử hóa hiện diện ở 7 quốc gia phát triển hơn Việt Nam như mPoS.vn, FastGo.mobi, VayMuon.vn…

"Tinh thần khởi nghiệp của NextTech-group là muốn đi xa thì chúng ta cần phải liên kết lại thay vì một hệ sinh thái khởi nghiệp rời rạc sẽ khó có sức sống trước đặc tính hội tụ ‘một vài kẻ lớn sẽ ăn cả’ của kỷ nguyên kinh tế số", ông Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh trong bài phát biểu của mình.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước