Nhiều giải pháp kỹ thuật, đấu pháp sáng tạo được sử dụng tại Robocon Việt Nam 2018

P.L-Thứ ba, ngày 08/05/2018 20:02 GMT+7

Theo Ban tổ chức, các đội tuyển tham dự Robocon năm nay nhìn chung thi đấu ổn định và có nhiều giải pháp chiến thuật hợp lý

VTV.vn - Vòng loại cuộc thi Robocon Việt Nam 2018 đã diễn ra thành công khi chọn ra 32 đội tuyển đại diện cho các trường Đại học, Cao đẳng kỹ thuật trên cả nước vào vòng chung kết.

Cuộc thi Sáng tạo Robot Việt Nam - Robocon Việt Nam là cuộc thi thường niên do Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) tổ chức, hướng tới đối tượng là các sinh viên ngành kỹ thuật của các trường Đại học, Cao đẳng và Trung học chuyên nghiệp trên toàn quốc. Đây là một sân chơi có tính trí tuệ,khuyến khích khả năng sáng tạo của các bạn trẻ đam mê khoa học kỹ thuật.

Mùa giải năm nay, Việt Nam trở thành đơn vị đăng cai tổ chức Cuộc thi Sáng tạo Robot Châu Á - Thái Bình Dương (ABU Robocon 2018). Theo Ban Tổ chức, ý tưởng về chủ đề luật thi ABU Robocon 2018 được xây dựng dựa trên một trò chơi dân gian quen thuộc của Việt Nam mang tên "Ném còn". Một trong những điểm đặc biệt của đề thi năm nay là các đội tự chuẩn bị quả còn cho thi đấu gồm còn thường và còn vàng theo các tiêu chí của đề thi. Điều này cho phép từng đội tạo ra quả còn riêng của mình, mang đến sự đa dạng về màu sắc quả còn trong thi đấu thay vì chung quà (hay vật phẩm) do Ban tổ chức đưa ra như những năm trước.

Theo Thạc sĩ Nguyễn Thế Tùng - Phó Giám đốc Trung tâm Tin học và Công nghệ Truyền hình, Đài Truyền hình Việt Nam - Trưởng Ban Giám khảo vòng loại Robocon Việt Nam 2018, một trong những tiêu chí của đề thi năm nay đó là hướng tới việc các đội xây dựng robot thông minh có khả năng tự động nhận còn và thực hiện động tác ném còn qua các vòng còn thường và vòng còn vàng.

"Trong trò chơi ném còn thực tế, đây là một động tác khó phải có sự khéo léo trong khi ném. Tuy nhiên, các đội tuyển đã tạo ra robot tự động thông minh thực hiện các nhiệm vụ trao nhận và ném còn với các giải pháp kỹ thuật thông minh, sáng tạo của mình" - Trưởng Ban Giám khảo vòng loại Robocon Việt Nam 2018 chia sẻ.

Nhiều giải pháp kỹ thuật, đấu pháp sáng tạo được sử dụng tại Robocon Việt Nam 2018 - Ảnh 1.

Thạc sĩ Nguyễn Thế Tùng - Phó Giám đốc Trung tâm Tin học và Công nghệ Truyền hình, Đài Truyền hình Việt Nam - Trưởng Ban Giám khảo vòng loại Robocon Việt Nam 2018

Qua việc theo dõi các đội tuyển thi đấu tại vòng loại, Thạc sĩ Nguyễn Thế Tùng cho rằng hầu hết các đội đều thực hiện được các nhiệm vụ đặt ra của đề thi.

"Như mọi năm, các robot đến từ các đội tuyển của các trường mạnh về robocon đều giành chiến thắng tuyệt đối "Rồng bay" dễ dàng với thời gian ít hơn 1 phút. Các đội tuyển khác đều thực hiện được các nhiệm vụ mà đề thi đặt ra, đặc biệt là giành được chiến thắng tuyệt đối "Rồng bay" với thời gian tiệm cận thời gian thi đấu của các các đội mạnh".

Tại vòng loại khu vực phía Bắc, ngoài các trường có truyền thống về Robocon như đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên, Đại học Công nghiệp Hà Nội, cuộc thi năm nay còn có sự xuất hiện của nhiều trường mới lần đầu tiên tham gia như Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Vĩnh Phúc, Cao đẳng Nghề số 1 - Bộ Quốc phòng, Đại học Công nghiệp Quảng Ninh… Theo Trưởng Ban Giám khảo vòng loại Robocon Việt Nam 2018, một số đội tuyển đến từ các trường mới đã gây được ấn tượng với giải pháp kỹ thuật, đấu pháp thi đấu sáng tạo, hợp lý. Trong đó, trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Vĩnh Phúc đã có tới 5 đội tuyển lọt vào vòng chung kết toàn quốc, đội tuyển Robocon của Đại học Công nghệ Đông Á đưa tới cuộc thi các robot hoàn toàn tự động, một số đội tuyển đến từ trường Cao đẳng công nghệ Hà Tĩnh có giải pháp ném còn khá độc đáo, đẹp mắt gây được ấn tượng cho người xem, các đội tuyển Robocon của Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên có giải pháp lấy còn, trao nhận còn thông minh và chính xác.

Trong khi đó, tại vòng loại khu vực phía Nam, trải qua 49 trận thi đấu kịch tính và hấp dẫn, đã có 45 chiến thắng tuyệt đối "Rồng bay", trong đó nổi bật nhất là Đại học Lạc Hồng với 5 đội lọt vào vòng chung kết và Đại học Sư phạm kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh có 4 đội góp mặt tại Vĩnh Phúc vào tháng 5 này.

Về công nghệ, kỹ thuật được các đội sử dụng trong vòng loại Robocon năm nay, Thạc sĩ Nguyễn Thế Tùng cho biết có sự gia tăng xu hướng sử dụng các mạch điều khiển chuyên dụng so với các năm trước.

"Hầu hết các đội đều sử dụng các mạch chuyên dụng như bộ kit, card xử lý hay máy tính nhúng trong điều khiển và xử lý tín hiệu. Một số đội dùng các modul điều khiển chuyển động của robot dạng bánh xe đa hướng giúp robot chuyển động với tốc độ cao. Các đội sử dụng đa dạng các loại cảm biến như cảm biến chuyển động, cảm biến từ trường, cảm biến màu, con quay hồi chuyển… trong lập trình trao, robot tự động thực hiện nhiệm vụ nhận quả còn, di chuyển thực hiện nhiệm vụ".

Theo đánh giá của Trưởng Ban Giám khảo, nhìn chung, robot của các đội đến từ các trường có truyền thống về Robocon như Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên, Đại học Lạc Hồng, Đại học Sư phạm kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh… thi đấu ổn định, tốc độ cao, giải pháp chiến thuật hợp lý. Các đội khác cũng đã thể hiện sự tiến bộ về giải pháp kỹ chiến thuật trong thi đấu so với các năm trước.

Robocon Việt Nam 2018: Sẵn sàng trước lễ khai mạc vòng chung kết toàn quốc Robocon Việt Nam 2018: Sẵn sàng trước lễ khai mạc vòng chung kết toàn quốc Robocon Việt Nam vẫn là sân chơi cuốn hút dù đã bước sang tuổi 17 Robocon Việt Nam vẫn là sân chơi cuốn hút dù đã bước sang tuổi 17 Những khoảnh khắc ấn tượng tại vòng loại Robocon Việt Nam 2018 Những khoảnh khắc ấn tượng tại vòng loại Robocon Việt Nam 2018

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước