EVFTA là “cơ hội vàng” để Việt Nam tiến sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu

Hoàng Nam-Thứ hai, ngày 08/06/2020 17:47 GMT+7

VTV.vn - Ông Pier Giorgio Aliberti, Trưởng Phái đoàn EU tại Việt Nam khẳng định, hiệp định EVFTA và EVIPA là một "cơ hội vàng" cho Việt Nam và EU.

Sáng nay (8/6), Quốc hội chính thức đã biểu quyết thông qua phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA). Việt Nam không phải là quốc gia đầu tiên tại ASEAN ký kết Hiệp định tự do thương mại (FTA) với Liên minh châu Âu (EU) nhưng đang là ứng cử viên hàng đầu để đón nhận dòng vốn đầu tư từ EU.

Phóng viên VTV Digital đã có cuộc phỏng vấn với ông Pier Giorgio Aliberti, Trưởng Phái đoàn EU tại Việt Nam tại cuộc họp báo sau khi Quốc hội Việt Nam phê chuẩn Hiệp định EVFTA và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA).  

PV: Sau khi Hiệp định Tự do thương mại EU – Việt Nam (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư (EVIPA) được Quốc hội Việt Nam thông qua, khi nào hai Hiệp định này sẽ chính thức có hiệu lực thưa ông?

Ông Pier Giorgio Aliberti, Đại sứ Trưởng phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam: Đây là một ngày lịch sử với cả EU và Việt Nam khi Quốc hội Việt Nam đã biểu quyết thông qua EVFTA và EVIPA. EVFTA cơ bản sẽ đi vào hiệu lực từ ngày 1/8/2020 còn EVIPA sẽ cần 1,5 – năm nữa để đi vào hiệu lực vì EVIPA cần được sự phê chuẩn của 27 nghị viện thành viên của EU. Tuy nhiên hầu hết các vấn đề về đầu tư đều đã được bao hàm bởi EVFTA cho nên việc EVFTA đi vào hiệu lực đã có ý nghĩa rất lớn rồi.

PV: Xin ông chia sẻ những lợi ích đáng kể với Việt Nam khi EVFTA đi vào hiệu lực và đâu là những điểm Việt Nam cần cải thiện để tối ưu hóa các lợi ích này?

Ông Pier Giorgio Aliberti: Người tiêu dùng Việt Nam sẽ được tiếp cận với hàng hóa chất lượng cao từ EU với mức giá rẻ hơn, các nhà sản xuất nước bạn cũng chuẩn bị được tiếp cận 1 thị trường 500 triệu dân với sức mua rất tốt.

Ngay từ ngày đầu tiên EVFTA có hiệu lực, 71% hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ không chịu thuế khi vào EU. Trong 7 năm tới, 99% hàng hóa Việt Nam vào EU sẽ không phải chịu thuế. Ngoài ra có rất nhiều điều khoản liên quan đến hàng rào phi thuế quan cũng được dỡ bỏ.

EVFTA là “cơ hội vàng” để Việt Nam tiến sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu - Ảnh 1.

Ông Pier Giorgio Aliberti trả lời phỏng vấn của PV VTV

Để hưởng ưu đãi thì chúng ta cần lưu ý về Quy tắc nguồn gốc xuất xứ, Việt Nam có thể nhập khẩu nguyên liệu từ rất nhiều nơi trên thế giới nhưng phải có sự chuyển đổi đáng kể từ nguyên liệu thành sản phẩm diễn ra tại Việt Nam. Có như vậy thì hàng hóa xuất vào EU mới được miễn thuế. Ngoài ra EVFTA cũng cho phép Việt Nam được cộng gộp xuất xứ nếu nhập nguyên liệu từ các nước có kí hiệp định với EU, như Nhật Bản hay Hàn Quốc.

Về mặt kinh tế, theo một báo cáo của Ngân hàng Thế giới (World Bank), đến năm 2030, EVFTA sẽ giúp GDP Việt Nam tăng thêm 2,4% và xuất khẩu tăng 12% nhưng nếu Việt Nam có những cải cách mạnh mẽ hơn về mặt thể chế thì ước tính tăng trưởng GDP có thể lên tới 6%.

Bên cạnh dòng chảy thương mại, để tối ưu hóa lợi ích và thu hút cả dòng chảy đầu tư, Việt Nam cần đảm bảo một môi trường đầu tư hấp dẫn, dù rất thách thức nhưng tôi nghĩ là khả thi. Cơ bản là Nhà nước phải tạo ra một môi trường minh bạch với các luật lệ dễ hiểu, dễ nắm bắt, cơ chế giải quyết tranh chấp tốt, tạo cơ chế giúp các quy trình dễ dàng được thông qua hơn. Đây đều là các yếu tố quan trọng để Việt Nam tối ưu hóa cơ hội đầu tư.

PV: Liệu việc EVFTA đi vào hiệu lực trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn đang chưa được kiểm soát hoàn toàn trên thế giới có là điều Việt Nam cần phải lo lắng?

Ông Pier Giorgio Aliberti: Tôi nghĩ COVID-19 thực tế lại tạo ra cơ hội nhiều hơn là thách thức cho Việt Nam khi EVFTA có hiệu lực. Việc đa phương hóa thương mại sang nhiều quốc gia thay vì "bỏ trứng vào một rổ" đang là xu hướng. Nhiều công ty từ EU sẽ tìm quốc gia để dịch chuyển 1 phần sản xuất và Việt Nam đứng trước cơ hội để trở thành một phần quan trọng đó. Việc EVFTA có hiệu lực sẽ giúp Việt Nam trở thành ứng cử viên sáng giá trong khu vực.

Tại ASEAN chỉ có Singapore và Việt Nam có ký Hiệp định Tự do thương mại với EU nhưng Singapore là quốc gia thiên về dịch vụ. Vì thế, Việt Nam đang đứng trước "cơ hội vàng" để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu ở một tâm thế cao hơn với chất lượng tốt hơn.

PV: Xin cảm ơn những chia sẻ của ông.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước