Gỡ nút thắt chậm giải ngân vốn đầu tư công

Ban Thời sự-Chủ nhật, ngày 25/06/2017 21:03 GMT+7

VTV.vn - Tình hình chậm trễ trong giải ngân vốn đầu tư công đã được nói tới khá nhiều và quyết liệt xử lý từ Chính phủ, nhất là kể từ năm 2016.

Đây là điểm nghẽn cần khai thông ngay lập tức. Tuy nhiên không phải đến tận thời điểm này vấn đề chậm giải ngân vốn đầu tư công mới được xác định gấp rút thực hiện.

Giữa năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã phải thành lập Tổ công tác chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2016 do Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ làm tổ trưởng. Tiếp đó, Chính phủ ra Nghị quyết số 60 và Công điện vào tháng 10 về đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Nhờ đó, tiến độ giải ngân của 5 tháng cuối năm 2016 đã nhanh hơn nhiều so với trước đó. Sang tới những tháng đầu năm 2017, tiến độ giải ngân tuy cao hơn cùng kỳ năm trước nhưng vẫn còn chậm.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính chung 5 tháng đầu năm, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước đạt 88,8 nghìn tỷ đồng, bằng 30,6% kế hoạch năm. Vốn Trung ương quản lý đạt 19,5 nghìn tỷ đồng, chỉ bằng 29% kế hoạch năm. Còn vốn địa phương quản lý đạt 69,3 nghìn tỷ đồng, bằng 31,1% kế hoạch năm.

Thực tế có nhiều công trình có khối lượng thi công nhưng chưa hoàn thành các thủ tục giải ngân. Tiến độ giải ngân 5 tháng đầu năm cũng không đồng đều giữa các bộ, ngành trung ương và địa phương. Có 20/44 bộ, ngành trung ương và 4/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 10%, trong đó 10 bộ, ngành trung ương chưa giải ngân kế hoạch.

Mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định giao vốn kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước của năm 2017 (đợt 1) rất sớm, vào cuối năm 2016, nhưng những thống kê trên cho thấy mới chỉ có 1/3 nguồn vốn ngân sách đã giải ngân được. Như vậy, tiền có nhưng lại không tiêu được. Nhiều nhà phân tích kinh tế cho rằng là do giao vốn chậm, thủ tục đầu tư rườm rà phức tạp, quyết định đầu tư dự án không sát thực tế.

Cũng có ý kiến cho rằng quy trình thẩm định phê duyệt dự án nhiều thủ tục hơn trước, hay sự lúng túng của các Bộ, Ngành, địa phương trong việc thực hiện Luật Đầu tư công mới khiến việc giải ngân vốn đầu tư công bị chậm.

Một nguyên nhân nữa là do sự không thống nhất giữa các bộ trong phân bổ vốn cho các dự án. Thậm chí, có đại biểu quốc hội đã đặt ra câu hỏi: "Có hay không cơ chế xin - cho trong việc phân bổ vốn?".

Nếu không có các giải pháp cấp bách để thúc đẩy tiến độ giải ngân, tăng trưởng của nền kinh tế sẽ bị đe dọa, trong khi tỷ lệ và nghĩa vụ vay trả nợ công ngày càng có nguy cơ tăng cao. Gỡ những nút thắt này chính là việc khơi thông nguồn vốn đầu tư nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước