Ôm "trái đắng" từ các giao dịch bất động sản bằng hợp đồng góp vốn

Nguyễn Hương-Thứ sáu, ngày 04/12/2020 10:54 GMT+7

VTV.vn - Tại TP.HCM, hàng trăm người dân mua dự án bất động sản đã gần 20 năm nhưng đến nay vẫn chưa được nhận đất.

Chủ đầu tư chia lô bán nền, mang dự án đi cầm cố ngân hàng khi chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng, chưa có quyết định giao đất, sau đó phát sinh nợ xấu, kiện tụng kéo dài. Quyền lợi của hàng trăm người dân tái định cư cũng như khách hàng mua đất bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Thực trạng này đã diễn ra tại nhiều dự án tại TP.HCM, nhưng đến nay vẫn chưa có hướng xử lý triệt để.

Thời điểm chị Thúy ký vào hợp đồng góp vốn với Công Ty TNHH Xây dựng - Kinh doanh nhà Bách Giang, chủ đầu tư dự án nhà ở phu phố 4, phường Phước Long A, Quận 9, dự án đã được thành phố phê duyệt và có quy hoạch 1/500. Chưa kể, dự án có sự tham gia của ngân hàng. Cũng vì vậy, chị đã bỏ hơn 1 tỷ đồng, tương đương 70% giá trị nền đất để mua đất nền tại dự án.

Ôm trái đắng từ các giao dịch bất động sản bằng hợp đồng góp vốn - Ảnh 1.

Nhiều người dân mua dự án đã gần 20 năm nhưng đến nay vẫn chưa được nhận đất.

"Chính vì tin tưởng vào chính quyền, cũng như các chương trình cải tạo, chỉnh trang đô thị của thành phố nên chúng tôi đặt niềm tin vào dự án, nhất là có sự góp vốn của ngân hàng. Khi ngân hàng giải ngân thì chắc chắn ngân hàng đã phải thẩm định đầy đủ tính pháp lý của dự án", chị Vũ Thị Thanh Thúy, tỉnh Bình Dương, chia sẻ.

Theo luật sư Nguyễn Văn Quynh, thời gian dài vừa qua, nhiều chủ đầu tư đã giao dịch với khách hàng bằng hàng loạt các loại hợp đồng như hợp đồng đặt cọc, góp vốn đầu tư... ký kết theo Luật Dân sự. Do đó, nếu chủ đầu tư không đủ năng lực triển khai dự án, đem cầm cố dự án thì khách hàng sẽ chịu rủi ro. Khi có tranh chấp xảy ra, cả hai bên sẽ giải quyết bằng cách ra tòa, thường kéo dài rất lâu.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho biết, trước năm 2006 chưa có Luật kinh doanh Bất động sản, đây chính là khoảng trống pháp lý khiến nhiều chủ đầu thiếu năng lực, khi đã bán bất động sản hình thành trong tương lai cho khách hàng, lại đem tài sản đó đi cầm cố, phát sinh nợ xấu. Thực trạng này đến nay vẫn chưa có quy định pháp luật nào rõ ràng để giải quyết.

Ôm trái đắng từ các giao dịch bất động sản bằng hợp đồng góp vốn - Ảnh 2.

Tranh chấp giữa chủ đầu tư và ngân hàng vẫn chưa có hồi kết, gây nên hệ lụy xấu cho bộ mặt thị trường bất động sản TP.HCM.

"Chủ đầu tư và ngân hàng đều là những doanh nghiệp có trình độ và năng lực, kiến thức pháp luật, thì hai bên phải tự giải quyết với nhau. Nếu không giải quyết được thì đưa ra tòa. Khách hàng nếu đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thì tách ra giải quyết cấp sổ hồng. Thời gian qua, sau khi thành phố báo cáo tình trạng này lên các cơ quan trung ương, nhưng còn ý kiến khác nhau, nên chưa xử lý dứt điểm được trường hợp này", ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, cho hay.

Cũng theo ông Châu, không chỉ riêng dự án này, TP.HCM còn nhiều dự án khác như ở Quận 2, Quận 9, huyện Nhà Bè… cũng nằm trong tình trạng tương tự. Tranh chấp giữa chủ đầu tư và ngân hàng vẫn chưa có hồi kết, gây nên hệ lụy xấu cho bộ mặt thị trường bất động sản TP.HCM suốt một thời gian dài.

Hợp đồng ký quỹ bất động sản: Người mua “cầm dao đằng lưỡi” Hợp đồng ký quỹ bất động sản: Người mua “cầm dao đằng lưỡi”

VTV.vn - Thời gian gần đây, thị trường bất động sản xuất hiện một hình thức mới, đó là các hợp đồng ký quỹ. Đặc biệt, hình thức này có sự tham gia của các ngân hàng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước