Thủ tướng Anh Theresa May và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Getty
Ngày 1/2, Thủ tướng Anh Theresa May đã gặp mặt và hội đàm với Chủ tịch Tập Cận Bình trong chuyến thăm chính thức Trung Quốc. Tháp tùng Thủ tướng Anh là đoàn đại diện 50 doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực, con số đông nhất từ trước tới nay trong tất cả các chuyến công du của bà May.
Phía Anh kỳ vọng không nhỏ với chuyến thăm lần này. Tuy nhiên, báo chí Anh đánh giá, mong muốn này đang vấp phải những khó khăn nhất định trong bối cảnh nhiều thay đổi từ việc Anh quyết định rời châu Âu.
Theo trang tin tức của BBC, sau cuộc gặp với Chủ tịch Tập Cận Bình, Thủ tướng Anh Theresa May và phía Trung Quốc đã đạt được sự đồng thuận về một số thỏa thuận thương mại và đầu tư. Hai bên sẽ tiến hành ký kết các thỏa thuận này trước khi kết thúc chuyến thăm của bà May, với giá trị ước tính khoảng 9 tỷ Bảng. Bà May khẳng định đây là bước đầu tiên để tiến đến bàn đàm phán về tương lai hợp tác kinh tế thương mại sau khi Anh rời liên minh EU. BBC cho biết phía Trung Quốc cũng sẵn lòng mở cửa để chào đón các doanh nghiệp Anh.
Tờ The Guardian cho rằng Thủ tướng May thể hiện rõ quan điểm mong muốn một mối quan hệ gắn bó hơn với Trung Quốc về mặt kinh tế. Có thể thấy điều này qua con số 50 doanh nghiệp tháp tùng Thủ tướng hay cụm từ "Kỷ nguyên vàng" mà chính phủ Anh sử dụng khi nói về chuyến viếng thăm này.
Các số liệu thống kê chính thức chỉ ra rằng, kim ngạch xuất khẩu từ Anh sang Trung Quốc đang trên đà tăng trưởng mạnh, tới hơn 60% từ năm 2010. Trung Quốc cũng đang được trông đợi sẽ trở thành một trong những nhà đầu tư lớn nhất tại Anh tính đến năm 2020.
Một vấn đề được khá nhiều mặt báo đề cập là việc ông Tập Cận Bình đưa ra kế hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng liên châu lục với phía Anh. Kế hoạch này bao gồm gần 1.000 tỷ USD tiền vốn, Trung Quốc sẵn sàng hỗ trợ cho các quốc gia nằm dọc Con đường tơ lụa cổ đi từ nước này sang châu Âu.
Tờ Daily Mail nhận định, dù trước đây Anh không thực sự hào hứng, tuy nhiên trong chuyến đi này, hai bên cho biết sẽ tiếp tục các cuộc hội đàm mới xung quanh kế hoạch đầu tư của Trung Quốc. Chính phủ Anh cũng đã có các động thái hỗ trợ với giới doanh nghiệp khi Bộ trưởng Bộ Tài chính Phillip Hammond đưa ra một khoản tài trợ khoảng 25 tỷ Bảng với các công ty Anh có hoạt động liên quan đến kế hoạch trên.
Mặc dù chuyến thăm lần này của bà May vẫn đang diễn ra suôn sẻ, tuy nhiên, chỗ đứng của Vương quốc Anh trên trường quốc tế từ khi quyết định rời liên minh châu Âu đã không còn như trước. Không ít ý kiến cho rằng, điều này ảnh hưởng không nhỏ đến vị thế của Thủ tướng May trên bàn đàm phán kinh tế với một quốc gia lớn như Trung Quốc.
Cũng trong nhan đề được đăng tải trên The Guardian, trước khi diễn ra bỏ phiếu rời khỏi EU, Bắc Kinh vẫn coi London là một trong các đối tác chính tại liên minh. Cuộc trưng cầu dân ý lịch sử đã kéo theo hàng loạt thay đổi, đặc biệt là định hướng hợp tác của Trung Quốc giờ đã chuyển sang cho nước Pháp. Bà May cũng đang phải đối mặt với những sự thiếu đồng thuận nhất định trong nội bộ chính phủ và trong chính đảng Bảo thủ bà lãnh đạo.
Theo tờ The Guardian, phía Trung Quốc hiện tại vẫn khẳng định mong muốn đôi bên đều có lợi. Tuy nhiên, với các lợi thế về kinh tế và chính trị mình đang có, không loại trừ việc nước này sẽ tận dụng mọi điều kiện để đạt được nhiều lợi ích nhất từ đàm phán với phía Anh. Mặc dù vậy, chuyến thăm và quá trình xây dựng quan hệ đôi bên vẫn được Bộ trưởng Bộ Thương mại Quốc tế Anh, ông Liam Fox đánh giá là thành công và con số 9 tỷ Bảng giá trị các thỏa thuận đạt được cho đến thời điểm này vẫn là một bước tiến đáng để hi vọng.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!