Anh - Trung Quốc nhất trí thúc đẩy thương mại sau Brexit

Phương Huyền (PV THVN thường trú tại Anh)-Thứ năm, ngày 01/02/2018 10:46 GMT+7

Thủ tướng Anh Theresa May (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải). Ảnh: Getty Image

VTV.vn - Ngày 31/1, Thủ tướng Anh Theresa May đã bắt đầu chuyến thăm Trung Quốc 3 ngày và dự kiến ký các thỏa thuận hợp tác trên nhiều lĩnh vực trị giá 9 tỷ Bảng.

Trong bối cảnh việc đàm phán với EU vẫn đang gặp nhiều trắc trở, nước Anh đang hướng tới các quốc gia khác trên thế giới để tìm kiếm các đối tác thương mại mới. Một trong số đó là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới - Trung Quốc.

Ý nghĩa chuyến thăm của bà Theresa May tới Trung Quốc

Nước Anh không hề giấu mục đích và kỳ vọng của mình với đối tác Trung Quốc. So với tất cả các chuyến công du nước ngoài từ trước tới nay của mình, lần này, Thủ tướng Anh dẫn theo đoàn doanh nghiệp đông nhất và có cả Bộ trưởng Bộ Thương mại quốc tế Liam Fox.

Bà May coi chuyến thăm này như một cơ hội để đặt vấn đề thu hút thêm đầu tư từ Trung Quốc, thúc đẩy xuất khẩu của Anh, đồng thời tính đến những quan hệ xa hơn giữa hai bên, một khi Anh đã ra khỏi EU. Thủ tướng Anh thẳng thắn rằng bà kỳ vọng ký Hiệp định thương mại tự do với Trung Quốc sau khi Anh độc lập khỏi liên minh châu Âu.

Để tạo nền tảng củng cố, siết chặt thêm quan hệ giữa hai bên, trước mắt trong chuyến thăm này, quan hệ hợp tác giáo dục được quan tâm đặc biệt qua việc ký hàng loạt thỏa thuận.

Bà May đã nhấn mạnh lại cụm từ "kỷ nguyên vàng" mà Thủ tướng tiền nhiệm David Cameron đã dùng khi ông Tập Cận Bình thăm London cuối năm 2015, để chỉ sự kỳ vọng vào tương lai quan hệ hai phía, cho thấy Anh đánh giá đối tác Trung Quốc ở mức nào.

Cân bằng giữa các điểm đến phương Đông và phương Tây - Điểm mới trong các chuyến thăm của một Thủ tướng Anh

Bà Theresa May đã thăm chính thức 25 nước trong 1 năm rưỡi làm Thủ tướng cho thấy kỳ vọng thúc đẩy hợp tác thương mại của Anh với các nước phương Đông sau Brexit.

Bà May đã đi Thổ Nhĩ Kỳ, xa hơn là Ấn Độ và giờ là Trung Quốc. các quốc gia này đều là các thị trường chiến lược và rất đông dân. Thủ tướng Anh cũng đã đi Nhật, nền kinh tế hàng đầu châu Á. Ở tất cả các nước châu Á này, Anh đều đặt nguyện vọng ký quan hệ tự do thương mại.

Thậm chí như một tuyên bố gần đây từ Bộ Thương mại quốc tế Anh, không loại trừ khả năng Anh quan tâm tìm hiểu và thăm dò khả năng tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP mà giờ đổi tên thành CPTPP, cho dù về địa lý, nước này không liên quan gì.

Rõ ràng Anh đang chuẩn bị rốt ráo cho chặng đường sau Brexit, dần hiện thực hóa chiến lược của mình là tìm đến các khu vực thị trường mới, rộng lớn, đông dân, sau khi thị trường truyền thống EU không còn nhiều lợi thế. Đây là cơ hội phía Anh tìm kiếm nhưng cũng có thể là cơ hội cho các bạn hàng châu Á nói chung.

Brexit làm suy giảm tầm ảnh hưởng toàn cầu của Anh Brexit làm suy giảm tầm ảnh hưởng toàn cầu của Anh EU đưa ra lập trường về giai đoạn chuyển tiếp hậu Brexit EU đưa ra lập trường về giai đoạn chuyển tiếp hậu Brexit Anh muốn tham gia TPP hậu Brexit Anh muốn tham gia TPP hậu Brexit

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước