Rủi ro thị trường tài chính toàn cầu: Kinh tế Việt Nam cũng bị ảnh hưởng

Quỳnh Anh - Chí Sơn - Tô Dũng (thoisu@vtv.vn)-Thứ bảy, ngày 11/10/2014 06:00 GMT+7

Ông Naoyuki Shinohara, Phó TGĐ thường trực IMF

Đây là khẳng định của ông Naoyuki Shinohara - Phó TGĐ thường trực, Quỹ Tiền tệ quốc tế IMF.

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) lần thứ ba trong năm nay hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2014 và 2015. Hoạt động kinh tế yếu kém ở châu Âu, Nhật Bản cùng với đó là những bất ổn ở khu vực Trung Ðông và Nga… đều là những mối đe dọa lớn tới các nền kinh tế.

IMF cũng nhận định, Việt Nam sẽ không nằm ngoại lệ và cần nỗ lực cải thiện chính sách để tránh nguy cơ nền kinh tế bị trì trệ. Phóng viên bản tin Tài chính Kinh doanh đã có cuộc phỏng vấn Phó TGĐ thường trực, Quỹ Tiền tệ quốc tế IMF xung quanh những thách thức mà Việt Nam phải đối mặt trong thời gian tới.

Chỉ số GDP của Việt Nam năm 2014 được IMF dự báo ở mức 5,5%, ông có nhận định gì về tốc độ tăng trưởng của Việt Nam so với các quốc gia đang phát triển khác trong khu vực?

Ông Naoyuki Shinohara: So sánh với các nền kinh tế phát triển, những nền kinh tế mới nổi… thì khu vực châu Á đang có đà tăng trưởng tốt nhất thế giới hiện nay, trong đó có Việt Nam. 5,5% là mức tăng trưởng khá mặc dù thấp hơn so với cách đây vài năm, tuy nhiên điều này xuất phát từ những tác nhân bên ngoài chứ không phải do nội tại kinh tế Việt Nam, nhu cầu hàng hóa ở những nền kinh tế phát triển giảm sút và điều này đã ảnh hưởng tới tỷ lệ xuất khẩu Việt Nam sang các thị trường này.

Ông đánh giá thế nào về những chính sách tái cơ cấu ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước mà Chính phủ Việt Nam đang áp dụng, điều này sẽ tác động thế nào đến kinh tế Việt Nam trong ngắn hạn?

Ông Naoyuki Shinohara: Chính phủ Việt Nam đang có hướng đi đúng đắn trong việc xử lý nợ xấu, tuy nhiên tái cơ cấu là một quá trình và không thể đưa ra quá nhiều chính sách đột ngột. Nhưng kinh nghiệm của chúng tôi ở các nước khác cũng cho thấy, việc này phải được thực hiện càng sớm càng tốt, bởi nó sẽ lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng và nền kinh tế sẽ phát triển vững mạnh hơn.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới yếu đi, cùng với đó là những rủi ro mới, chính phủ Việt Nam cần phải làm gì để duy trì đà tăng trưởng kinh tế?

Ông Naoyuki Shinohara: Việt Nam là một quốc gia đã hội nhập với kinh tế thế giới, nên những rủi ro từ thị trường tài chính toàn cầu sẽ ít nhiều tác động lên kinh tế Việt Nam, chính vì vậy các chính sách phải thể hiện được sự chuẩn bị cho những rủi ro này. Trong thời gian tới, Chính phủ Việt Nam nên có các chính sách khuyến khích khối doanh nghiệp tư nhân để các DN vừa và nhỏ có thể tiếp cận với nguồn tài chính.

Bên cạnh đó, môi trường đầu tư của Việt Nam cũng cải thiện nhiều, dân số được đào tạo bài bản và tôi tin rằng, đây là những nhân tố căn bản sẽ đóng góp cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.

Xin cảm ơn ông đã tham gia cuộc trò chuyện!.

 

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước