Đề án đặc khu hành chính kinh tế đầu tiên tại Việt Nam đang được dư luận quan tâm. Chủ trương và chiến lược phát triển đặc khu kinh tế đã được đề cập tới từ các đại hội 8 của Đảng cho đến nay. 3 đề án đặc khu hành chính kinh tế đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư chọn trình lên Quốc hội chính là Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang).
Tại sao phải xây dựng đặc khu hành chính kinh tế? Câu hỏi này đã được nghiên cứu suốt hơn mười năm qua. Thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 21, nền kinh tế chứng kiến cuộc đua xây dựng các khu kinh tế giữa các địa phương và 17 khu kinh tế ven biển, 26 khu kinh tế cửa khẩu, 328 khu công nghiệp được thành lập. Nhưng sau 25 năm những khu công nghiệp, kinh tế mở này đã không phát huy được vai trò như mong muốn. Đã đến lúc Việt Nam cần một mô hình thực sự mang lại hiệu quả cho kinh tế đất nước và đó là đặc khu hành chính kinh tế.
Tự do hóa thương mại, làn sóng toàn cầu hóa đã thay đổi về cơ bản cách thức thu hút đầu tư của các quốc gia. Trong khi đó, môi trường đầu tư của Việt Nam lại đang mất dần tính hấp dẫn. Mặt khác, hiện nền kinh tế nước ta đang có dấu hiệu phát triển chậm lại; năng lực cạnh tranh thấp. Việc khai thác các tiềm năng, lợi thế tự nhiên và nguồn lực của đất nước đã dần tới hạn. Đó là lý do vì sao Việt Nam cần một mô hình phát triển mới chưa từng có .
Những tác động kinh tế có thể rất lớn nhưng quan trọng hơn các khu này là nơi thí nghiệm những chính sách mới, thực nghiệm thể chế làm cơ sở để áp dụng trên diện rộng.
Đến nay mô hình các khu hành chính kinh tế đặc biệt vẫn chưa có khung pháp lý để triển khai trên thực tế. Trong khi đó các nước lân cận đã xây dựng những khu như thế từ lâu và đã được hưởng quả ngọt từ đây. Điều này khiến Việt Nam khó có thể chậm chân hơn nữa trong quá trình xây dựng các khu hành chính kinh tế đặc biệt nếu không muốn cơ hội tuột khỏi tay.
Trên thế giới, từ những năm 1942, nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ đã phát triển khá thành công các mô hình như khu thương mại tự do, đặc khu kinh tế, thành phố tự do. Đến năm ngoái đã có tới 4.500 đặc khu kinh tế tại 140 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó đã có những đặc khu thành công vượt trội. Thâm Quyến (Trung Quốc), Incheon (Hàn Quốc) đều đã từng là những làng chài nghèo khó, trước khi trở thành những đặc khu kinh tế lớn, thu hút hàng tỷ USD đầu tư nước ngoài.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!